| Hotline: 0983.970.780

Nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT kể chuyện hoa ban Điện Biên

Thứ Năm 16/06/2022 , 06:32 (GMT+7)

Khi nhận nhiệm vụ trồng hoa ban chuẩn bị cho lễ hội hoa ban năm 2014, tôi từng cam kết nếu không có hoa tôi xin từ chức.

Đã từ lâu hoa ban đã được các nhà thơ, nhà văn, các nhạc sĩ, họa sĩ đưa vào các tác phẩm. Đặc biệt hoa ban được tượng trưng cho người con gái Thái. Nhà thơ Nguyễn Đình Huân viết:

Bông hoa phớt hồng, tim tím, trắng tinh

Tượng trưng cho mối tình cô gái Thái

Khi bị người cha ép duyên ngang trái

Cô chết đi hóa hoa dại bên đồi.

Ông Phạm Đức Hiển, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Phạm Đức Hiển, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hoàng Anh.

1.

Cây ban là loại cây thân gỗ, phân bố ở Bắc Lào, Bắc Thái Lan và Tây Bắc Việt Nam. Hiện nay chúng tôi tạm phân có ba loại giống cây ban.

Giống cây ban có hoa màu trắng, cánh hoa giữa có 10 gân tím, màu tím hai bên cánh hoa nhiều hơn, 7 đầu tia phía trên có màu tím, (diện tích có màu tím có khoảng 20 - 30% diện tích cánh hoa); giữa khoảng cách các gân tím là diện tích hoa có màu trắng vàng nhạt (25 - 30%), màu trắng xung quanh cánh hoa khoảng (25 - 30%), bốn cánh hoa hai bên cánh hoa giữa có màu trắng phớt tím (độ 5%), gân giữa hoa và các gân hoa có màu tím nhạt (khoảng 2%).

Giống cây ban có màu trắng tím, cánh giữa có màu tím (khoảng 70%), có 10 gân màu tím chạy loe ra từ gốc cánh hoa ra gần mép cánh hoa phía trên, bốn cánh còn lại viền mép cánh hoa đến gần gốc cánh hoa có màu tím nhạt (khoảng 20%).

Giống cây ban có màu tím trắng, cánh hoa giữa có 10 gân màu tím chạy loe ra gần mép hoa phía trên, ở giữa cánh hoa có khoảng màu trắng (2cm) chia đôi cánh hoa, mỗi bên có 5 gân màu tím, (chiếm 90%), phần mép hoa có màu tím (khoảng 30%), bốn cánh hoa còn lại hai bên cánh hoa giữa có màu tím trắng, phía trên cánh hoa có màu tím nhiều hơn (khoảng 35%), gốc cánh hoa có màu trắng.

Hoa ban là loại hoa rừng tuyệt đẹp đối với núi rừng Tây Bắc nói chung đối với Điện Biên nói riêng, nếu chúng ta biết phát huy và gìn giữ giá trị quý giá đó, hoa ban sẽ góp phần phát triển văn hóa, xã hội và du lịch đối với tỉnh Điện Biên.

Những năm 1970 về trước, cây ban mọc trên các triền núi rất nhiều, mùa hoa ban nở trắng cả núi rừng Tây Bắc. Từ những năm 1985 trở về đây, để đáp ứng nhu cầu lương thực do việc gia tăng dân số một bộ phận lớn nhân dân Tây Bắc đã phát rừng làm nương, trồng cây lương thực để phục vụ cuộc sống, diện tích rừng hoa ban cũng bị phá hủy, nên hiện nay mùa hoa ban nở núi rừng Tây Bắc không còn màu trắng của hoa ban nữa. Nhiều người miền xuôi lên công tác tại Điện Biên không có điều kiện ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và hương thơm của hoa ban.

Tôi còn nhớ có chị cán bộ của huyện Điện Biên trước đây chuẩn bị nghỉ hưu, đi công tác với tôi tới xã Na Ư vào đầu tháng 5/1997, đến gần trụ sở xã Na Ư, chị nhìn trên rừng có cây nở hoa màu trắng, phấn khởi thét lên “hoa ban đẹp quá!”. Tôi liền hỏi, “chị không biết cây hoa ban thế nào à?” Chị ấy hỏi lại tôi: “cây có hoa màu trắng đó không phải cây hoa ban hở anh?” Tôi trả lời: “Cây ban nở hoa trong tháng 3, nay là tháng 5 rồi đâu còn hoa ban, cây có hoa màu trắng đó là hoa trẩu”.

Từ câu chuyện đó tôi có suy nghĩ cây ban mọc ở rừng, phần lớn có chiều cao trên 5m, cành, tán cũng cao, những người không phải là dân bản địa, không có điều kiện đi rừng, không biết trèo cây ban để lấy hoa, lấy ngọn ban, thì không thể biết được đặc điểm của hoa ban thế nào, hương vị, màu sắc của hoa cụ thể ra sao, nhìn từ xa chỉ thấy màu trắng. Và tôi bắt đầu có ý tưởng đưa cây ban từ rừng về trồng tại các công sở, các tổ chức, các trục đường, để mọi người có điều kiện ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đích thực của hoa ban.

Tác giả trong một chuyến công tác kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp ở Điện Biên. Ảnh: NVCC.

Tác giả trong một chuyến công tác kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp ở Điện Biên. Ảnh: NVCC.

2.

Đầu những năm 2000, với góc độ tạo cảnh quan đô thị, thị xã Điện Biên Phủ (tỉnh Lai Châu cũ) đã triển khai trồng cây hoa ban, xong lúc bấy giờ tại thị xã Điện Biên Phủ và tỉnh Lai Châu cũ chưa có tổ chức, cá nhân nào sản xuất giống cây hoa ban. Thị xã Điện Biên Phủ đi mua giống tại Sơn La nhưng cũng chưa có tổ chức cá nhân nào sản xuất giống cây ban trắng Tây Bắc, duy nhất có trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp thuộc Bộ Lâm nghiệp tại xã Chiềng Sinh, có tổ chức sản xuất cây móng bò, một số người cho là cây hoa ban. Vì lá cây móng bò và cây hoa ban gần giống nhau, do đó cây móng bò được đưa lên trồng tại thị xã Điện Biên Phủ. Khi cây móng bò nở hoa bà con dân tộc Thái hái ngọn móng bò làm rau xanh và có nhận xét hoa xấu hơn cây hoa ban trắng. Một số cử tri của huyện Điện Biên chất vấn UBND tỉnh, tại sao thị xã Điện Biên Phủ và một số dự án trồng cây ban trắng lại ra cây móng bò?

Tại một cuộc họp của UBND tỉnh, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên lúc đó có nêu vấn đề trồng cây hoa  ban, đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết tại sao việc trồng cây hoa ban lại ra cây móng bò. Tôi có giải thích cây ban và cây móng bò là hai loại cây thân gỗ, ngoại hình gần giống nhau, khi nhận dạng ta cần phân biệt và so sánh: lá cây móng bò có thùy sau hơn lá cây ban. Ngọn non cây móng bò xanh hơn cây ban, ăn ngọn cây móng bò ngọt hơn ngọn cây ban, cây hoa ban cứng hơn cây móng bò, chiều cao hoa ban cao hơn cây móng bò, tán xum xuê và thấp hơn tán cây ban. Hoa móng bò thưa nhỏ hơn hoa ban… Việc trồng cây hoa ban ra cây móng bò do những người thực hiện không hiểu biết, không phân biệt được đặc điểm của cây hoa ban Tây Bắc với cây móng bò.

Còn với chúng tôi ở góc độ đơn vị quản lý chuyên môn nông nghiệp để tiếp tục thực hiện ý tưởng đưa cây ban xuống phố, năm 2007 - 2008 Sở NN-PTNT và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức trồng cây ban trên đồi A1, bằng giống cây ban ươm từ hạt có chiều cao 30 - 40cm, do dùng giống nhỏ trồng xong không làm cỏ kịp nên cây ban bị cỏ dại lấn át, còn một số cây bị chết do anh em Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ thuê người phun thuốc diệt cỏ dẫn đến diệt cả cây ban.

Trước tình trạng đó chúng tôi cho phép ban quản lý rừng và cảnh quan Mường Phăng, và một số đơn vị sản xuất cây giống lâm nghiệp bứng tỉa một số cây ban nhỡ từ rừng về trồng, vốn do cán bộ công nhân viên toàn ngành NN-PTNT tỉnh Điện Biên đóng góp mỗi người một ngày lương. Năm đó trồng cuối tháng 7 đầu tháng 8 kết quả 90% số cây trồng bị chết, nguyên nhân chết chúng tôi rút kinh nghiệm do trồng thời vụ muộn, thời vụ trồng tốt nhất là cuối tháng 3 đến tháng 4. Từ thiệt hại đó, những năm sau chúng tôi chỉ đạo thời vụ bứng tỉa cây ban từ tháng 2, tháng 3, bứng về cho ươm vào bầu bằng bao xi măng, khi cây bật mầm mới đem trồng. Còn đối với cây ban ươm bằng hạt, thời gian ươm 2 năm đường kính gốc 1cm chiều cao cây trên 1m thì mới đủ tiêu chuẩn cây giống xuất vườn. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm và thay đổi các biện pháp kỹ thuật đối với cây giống hoa ban cả cây bứng tỉa và cây ươm bằng hạt cho đến nay tỷ lệ cây sống đạt đến 99%.

Hoa ban nở bên bờ sông Nậm Rốm. Ảnh: Trọng Chính.

Hoa ban nở bên bờ sông Nậm Rốm. Ảnh: Trọng Chính.

Năm 2010, tại cuộc họp có nội dung bàn trồng mới cây ban để năm 2014 tỉnh Điện Biên tổ chức lễ hội hoa ban. Tôi đề xuất cần tổ chức trồng ngay cây ban mới để đến năm 2014 có hoa phục vụ lễ hội. Và tôi đề nghị, giao nhiệm vụ quản lí hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ban cho Sở NN-PTNT vì chúng tôi có đội ngũ cán bộ hiểu biết về cây ban rừng hơn các đơn vị khác. Sở NN-PTNT đã cơ bản làm chủ được kỹ thuật công nghệ trồng cây ban. Có đồng chí đặt câu hỏi, nếu trồng ban đến 2014 không có hoa thì sao? Tôi có trả lời, nếu tỉnh giao nhiệm vụ quản lí, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ban cho Ngành NN-PTNT tôi xin đảm bảo năm 2014 có hoa, nếu không có hoa tôi xin từ chức Giám đốc sở. Để tự tin khẳng định được điều đó, tôi cùng anh em trong nghành NN-PTNT đã đúc rút kinh nghiệm từ những năm 2007 - 2008.

3.

Tháng 3/2011 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên thăm và làm việc với tỉnh Điện Biên, trong đó có chương trình Chủ tịch nước cùng đoàn công tác quá cảnh cửa khẩu Tây Trang - Pang Hốc kiểm tra tiến độ nâng cấp đường 2E của Lào, từ Tây Trang đi Mường Khoa. Tôi được đi cùng đoàn, ngồi cùng xe với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, qua rừng ban xã Na Ư, tôi chỉ anh Phát nhìn rừng ban tự nhiên nở hoa, anh Phát ca ngợi hoa ban Điện Biên đẹp quá.

Sang đất Lào đoàn dừng chân tại khu vực bản cuối bản Pang Hốc, tôi có hỏi bác Trương Tấn Sang “Bác Sang ơi bác thấy hoa ban Điện Biên có đẹp không?” Bác Trương Tấn Sang trả lời “hoa ban Điện Biên nở đẹp tuyệt vời” đồng thời bác gọi ngay Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Tiến Dũng cho ý kiến: “Anh Dũng ơi, hoa ban Điện Biên đẹp tuyệt vời, Điện Biên muốn phát triển du lịch, tỉnh Điện Biên nên có kế hoạch bảo vệ rừng cây ban hiện có và trồng thêm cây ban mới”. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Tiến Dũng xin cảm ơn ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và xin hứa sẽ quyết tâm thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước.

Sau chuyến đó, UBND tỉnh bố trí bổ sung kinh phí 1 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để trồng cây ban ngay trong năm 2011. Từ đây đánh dấu mốc tốc độ phát triển cây ban của Điện Biên tăng nhanh qua từng năm. Vốn đầu tư cho trồng cây ban mới mỗi năm một tăng, từ nhiều nguồn vốn như vốn dự án DANIDA, vốn ngân sách địa phương, vốn chi trả dịch vụ môi trường, vốn khoa học công nghệ cũng đã  đầu tư đối với nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, tạo giống cây ban...

Hoa ban trên đồi A1. Ảnh: Trọng Chính.

Hoa ban trên đồi A1. Ảnh: Trọng Chính.

Sự quan tâm chỉ đạo lãnh đạo của các cấp các ngành được tăng cường. Ngành giáo dục và đào tạo đã phát động các trường trồng ban trong khuôn viên từng trường và các trục đường giao thông, một số đoạn đường có ghi biển tên của từng trường. Các đồn Biên phòng đồn nào cũng trồng, đặc biệt hoa ban tại cửa khẩu Tây Trang, được nhiều người đánh giá là đẹp nhất, hoa to, cánh dày, hoa dày, đẹp lung linh, khác biệt với hoa ban ở các nơi khác. Ngành NN-PTNT chỉ đạo khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên có hiệu quả, diện tích rừng cây ban tự nhiên ngày càng phát triển. Đặc biệt tại khu vực bản Ka Hâu, xã Na Ư có diện tích rừng ban tự nhiên tương đối tập trung rất lớn, khoảng 200ha.

Để quảng bá vẻ đẹp của hoa ban, chúng tôi đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND, HĐND trồng cây ban tại Nhà họp Quốc hội, Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, Quảng Bình, Tượng đài Mẹ Thứ ở Quảng Nam, Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An), Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... Tỉnh Điện Biên tặng thành phố Hồ Chí Minh 100 cây ban. Ngoài ra các ngành, các huyện, các cá nhân tại Điện Biên còn biếu tặng các đơn vị, anh em lên thăm Điện Biên đem về trồng tại các tỉnh, các địa phương, các công ty mua giống cây ban tại Điện Biên về trồng tại đơn vị mình và các đô thị...

4.

Năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên thăm tỉnh Điện Biên đồng thời dự lễ hội hoa ban do tỉnh Điện Biên tổ chức và phát động phong trào trồng chăm sóc bảo vệ cây ban đối với tỉnh Điện Biên.

Lễ phát động đã có sự tác động mạnh mẽ đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trồng, chăm sóc cây ban của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Điện Biên. Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành nghị quyết số 17-NQ/TƯ ngày 10/9/2018 trong đó có nội dung bảo vệ và trồng mới cây hoa ban đến năm 2020 định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 3678/KH -UBND ngày 25/12/2018; các nghành các huyện, thị, thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện

Từ đây số lượng cây ban trồng mới được trồng với số lượng nhiều hơn nhanh hơn, chất lượng hơn, đến nay toàn tỉnh đã trồng được 50.383 cây hoa ban phân tán, bảo vệ được 34% mục tiêu Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy Điện Biên, xác định được 1.500ha rừng có mật độ cây ban cao cần bảo vệ và chăm sóc. Tổng nguồn vốn chi cho trồng chăm sóc bảo vệ cây hoa ban đến nay đạt trên 19.559 triệu đồng, kinh phí nhà nước 10.772 triệu đồng, số kinh phí còn lại do các tổ chức, các nhà tài trợ giúp đỡ.

Hoa ban là loại hoa rừng tuyệt đẹp. Ảnh: Trọng Chính.

Hoa ban là loại hoa rừng tuyệt đẹp. Ảnh: Trọng Chính.

Những năm tiếp theo, để giúp cây ban phát triển bền vững, thành phố Điện Biên Phủ trở thành Thành phố du lịch, tỉnh Điện Biên cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch, trồng ban chi tiết cụ thể. Mật độ của các cây có hoa cũng cần xác định cho phù hợp, ví dụ cây cách cây cũng phải 7m, nếu trồng dày cây cạnh tranh ánh sáng sẽ vươn cao quá tầm nhìn của du khách, không thể ngắm nhìn chiêm ngưỡng hoa được. Không nên trồng ban theo ý thích của từng cá nhân, tổ chức, không nên chỗ nào cũng trồng cây ban cần nghiên cứu trồng nhiều loài cây có hoa, mùa nào hoa đó.

Tỉnh cần chủ trương, quy hoạch những nơi có diện tích rừng ban tự nhiên tương đối tập tập trung xây dựng công viên hoa rừng, trong đó hoa ban là chủ yếu, trồng thêm hoa giã quỳ, hoa đào, hoa mai, hoa anh đào... Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như đường dạo bộ trên không, đường dạo dưới đất, lán trại nghỉ ngơi, sân chụp ảnh rừng ban và cảnh quan… nhằm tạo thêm điểm du lịch góp  phần phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

Hoàng Anh (ghi)

Xem thêm
Công an Hà Nội vào chung kết Cúp Quốc gia 2024/2025

Tối 26/6, Công an Hà Nội giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp Quốc gia 2024/25 sau chiến thắng 3-1 trước Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông ở Hải Phòng: [Bài 2] Triển khai đồng bộ bốn giải pháp căn cơ

Tiềm năng du lịch đường thủy ở Hải Phòng rất lớn, có thể tận dụng lợi thế từ cảng biển để phát triển du lịch đặc thù gắn với bảo vệ môi trường.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất