| Hotline: 0983.970.780

Người truyền cảm hứng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn ở Cốc San

Thứ Tư 23/07/2025 , 21:29 (GMT+7)

LÀO CAI Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Hinh còn truyền cảm hứng, lan tỏa phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, thân thiện với môi trường tới bà con.

Giữa vùng đất đồi ở xã Cốc San (tỉnh Lào Cai), nơi khí hậu khắc nghiệt và địa hình phức tạp, ít ai ngờ lại có một trang trại rộng hơn 2 hecta phát triển theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Chủ nhân của trang trại ấy là anh Lê Văn Hinh - một nông dân nhìn xa trông rộng và sự kiên định hiếm có.

Chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình chăn nuôi lợn rừng kết hợp trồng trọt, anh Hinh kể: “Tôi luôn yêu thích nông nghiệp và ấp ủ giấc mơ làm giàu từ ruộng vườn nhưng phải theo cách văn minh, không gây hại cho môi trường. Gần 7 năm trước, tôi bắt đầu tìm hiểu về giống lợn rừng vì thấy đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, lại có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, thịt ngon nên dễ tiêu thụ".

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của anh Lê Văn Hinh tại xã Cốc San đang từng bước khảng định hiệu quả. Ảnh: Bích Hợp.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của anh Lê Văn Hinh tại xã Cốc San đang từng bước khảng định hiệu quả. Ảnh: Bích Hợp.

Bắt đầu chỉ với vài con giống, anh tự tay thiết kế chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn và dành nhiều thời gian học hỏi kỹ thuật chăm sóc. “Ban đầu người nhà ngăn cản vì thấy tôi bỏ ra quá nhiều công sức mà nuôi lợn rừng lại lâu lớn, vốn bỏ ra chậm thu hồi. Nhưng tôi tin rằng nếu đi đúng hướng, biết chăm sóc tốt, thị trường sẽ đón nhận sản phẩm sạch, chất lượng cao”, anh Hinh chia sẻ.

Quả đúng như vậy, đến nay trang trại của anh Hinh đã duy trì thường xuyên khoảng 100 con lợn rừng, trong đó có 12 con lợn nái sinh sản đều đặn mỗi năm. 

Điểm đặc biệt làm nên hiệu quả bền vững của mô hình này chính là việc anh Hinh áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Không chỉ xây dựng hệ thống chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ, anh còn đầu tư sử dụng đệm lót sinh học công nghệ mới giúp xử lý chất thải ngay trong chuồng, hạn chế mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giữ vệ sinh cho đàn vật nuôi.

Anh Hinh không dừng lại ở chăn nuôi đơn thuần. Nhận thấy lượng phân lợn thải ra khá lớn, anh tận dụng triệt để để phát triển mảng trồng trọt. Phân được thu gom, ủ mục và bón cho các loại cây trồng trong vườn của gia đình như chuối hột, rau xanh, thanh long, cây cảnh… 

Đàn lợn rừng giống tại trang trại của anh Lê Văn Hinh ở xã Cốc San, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bích Hợp.

Đàn lợn rừng giống tại trang trại của anh Lê Văn Hinh ở xã Cốc San, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bích Hợp.

“Thức ăn cho lợn chủ yếu là rau củ, thân cây chuối, ngô xay, toàn bộ đều từ vườn nhà. Phân lợn tôi ủ hoai để bón cho cây trồng. Mình tận dụng chất thải chăn nuôi để trồng trọt, sản phẩm trồng trọt lại phục vụ cho chăn nuôi, nhờ mô hình tuần hoàn, tương trợ lẫn nhau này nên tôi không phải mua vật tư bên ngoài, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường”, anh Hinh hào hứng.

Chính nhờ mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín này, trang trại của anh không chỉ hạn chế thấp nhất rác thải, ô nhiễm mà còn đảm bảo đàn lợn phát triển khỏe mạnh, thịt thơm ngon và an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Mỗi tháng trang trại tiếp đón nhiều đoàn khách, chủ yếu là người dân trong vùng đến học hỏi mô hình hoặc đặt mua con giống, thịt sạch.

Ngoài việc bán lợn thịt, anh Hinh còn đầu tư vào nhân giống lợn rừng, tạo ra nguồn thu ổn định và mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ dân quanh vùng. Với hơn 10 con lợn nái khỏe mạnh, trung bình mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 14 - 15 lợn con/nái, trang trại của anh Hinh cung cấp hàng trăm con giống ra thị trường. Hiện giá lợn giống bán ra từ 1 – 1,5 triệu đồng/con (8 - 10 kg), mỗi năm anh thu về hơn 100 triệu đồng. “Ban đầu nhiều người chưa tin tưởng nhưng sau khi thấy lợn nhà tôi nuôi phát triển tốt, thịt ngon, họ bắt đầu mua giống về nuôi thử. Dần dà nhiều hộ đã thành công theo mô hình của tôi”, anh Hinh nói.

Trang trại canh tác theo hướng hữu cơ, tận dụng phân bón hữu cơ từ chăn nuôi của anh Lê Văn Hinh. Ảnh: Bích Hợp.

Trang trại canh tác theo hướng hữu cơ, tận dụng phân bón hữu cơ từ chăn nuôi của anh Lê Văn Hinh. Ảnh: Bích Hợp.

Điều anh Hinh tâm đắc nhất không phải là lợi nhuận mà là việc mô hình của mình đã giúp truyền cảm hứng cho cộng đồng. Nhiều hộ dân ở xã Cốc San và các xã lân cận đã tìm đến học hỏi kỹ thuật, đặt mua giống, cùng xây dựng mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường.

Dù mô hình phát triển ổn định nhưng con đường của anh Hinh không ít lần đối mặt khó khăn. Lợn rừng tuy dễ nuôi nhưng phát triển chậm, vòng quay vốn dài nên khó mở rộng nhanh. Giá thị trường thịt lợn rừng cũng có lúc bấp bênh khiến việc tiêu thụ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Để ứng phó, anh chủ động xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, ký hợp đồng dài hạn với các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch ở Lào Cai và một số địa phương lân cận. Ngoài ra, anh còn tham gia các hội chợ nông sản địa phương để quảng bá sản phẩm, tạo dựng thương hiệu uy tín.

Không chỉ làm tốt việc phát triển kinh tế, anh Hinh còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Anh thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học, giúp người dân áp dụng mô hình hiệu quả. “Tôi mong nhiều người cùng làm, cùng giàu. Mình không giữ bí quyết riêng mà muốn nhân rộng ra để cả vùng cùng phát triển”, anh Hinh chân thành.

Vườn thanh long trồng theo hướng hữu cơ đang cho thu hoạch quả của gia đình anh Lê Văn Hinh. Ảnh: Bích Hợp.

Vườn thanh long trồng theo hướng hữu cơ đang cho thu hoạch quả của gia đình anh Lê Văn Hinh. Ảnh: Bích Hợp.

Mô hình của anh Lê Văn Hinh là minh chứng sống động cho hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, bảo vệ môi trường, tạo chuỗi giá trị khép kín và bền vững.

Mô hình của anh Hinh không cần quy mô quá lớn, không sử dụng hóa chất độc hại, không xả thải ra môi trường nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cao, chất lượng sản phẩm tốt và nhận được sự tin tưởng của thị trường. Đây chính là hướng đi cần được nhân rộng tại nhiều địa phương trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và yêu cầu khắt khe từ thị trường.

Chính quyền xã Cốc San ghi nhận mô hình của anh Hinh là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Cốc San.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại thành phố Huế

Sau khi xét nghiệm, kết quả xác định đàn lợn của ông Cao Viết Hùng (thôn 9, xã Nam Đông, TP Huế) dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

Nhãn chín sớm giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi chính vụ

HƯNG YÊN Tự chọn lọc được giống nhãn chín sớm hơn trà chính vụ khoảng 1 tháng, ông Đỗ bán được nhãn quả với giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi nhãn chính vụ.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất