Chiều 9/7, nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngành Du lịch Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Sinh và Giám đốc Sở VHTTDL Nông Việt Yên tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 65 năm ngành Du lịch Việt Nam. Ảnh: Bích Hợp.
Tham dự hội nghị, về phía tỉnh Lào Cai có ông Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nông Việt Yên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn.
Về phía khách mời có PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Không gian, tài nguyên du lịch được mở rộng
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính và triển khai chính quyền hai cấp đã tạo điều kiện mở rộng không gian và tài nguyên phát triển du lịch. Lào Cai sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu đặc trưng và bản sắc văn hóa phong phú từ cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tỉnh có lợi thế địa lý lớn, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đóng vai trò cửa ngõ kết nối Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh cho rằng việc sắp xếp lại đơn vị hành chính tạo điều kiện mở rộng không gian và tài nguyên du lịch. Ảnh: Bích Hợp.
Tỉnh xác định du lịch là một trong ba lĩnh vực đột phá, góp phần lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Thời gian qua, Lào Cai tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, điểm tham quan và sản phẩm du lịch đặc trưng. Công tác quy hoạch du lịch cũng được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý và xúc tiến đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch nhằm thu hút các tập đoàn lớn vào lĩnh vực du lịch.
Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai như bão số 3 Yagi, Lào Cai đã nhanh chóng phục hồi ngành du lịch thông qua việc tổ chức lại các sự kiện văn hóa, tăng cường quảng bá, kiểm tra an toàn cho du khách. Nhờ những nỗ lực này, ngành du lịch tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận.
Năm 2024, Lào Cai đón gần 10 triệu lượt khách, thu về khoảng 29 nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách đạt 7,2 triệu lượt, doanh thu hơn 21 nghìn tỷ đồng. Lực lượng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng lớn mạnh với hơn 2.200 cơ sở lưu trú, 35 khu, điểm du lịch, hàng ngàn dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm phục vụ du khách.
Nhiều địa danh của Lào Cai cũng liên tục được vinh danh trên các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế: Sa Pa được chọn là một trong 10 tuyến đi bộ đẹp nhất thế giới, nằm trong top 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất và top 10 điểm đến xanh nhất hành tinh; Chợ phiên Bắc Hà vào danh sách 10 chợ phiên hấp dẫn nhất Đông Nam Á; Ruộng bậc thang Sa Pa và Mù Cang Chải được đánh giá là đẹp và kỳ vĩ nhất châu Á; Đèo Ô Quý Hồ là đèo cao và dài nhất Việt Nam... Ngoài ra, nhiều di tích nổi bật như hồ Thác Bà, chè Shan tuyết Suối Giàng cũng góp phần làm phong phú thêm bản đồ du lịch của tỉnh.

Ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai đại diện cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phát biểu, nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Ảnh: Bích Hợp.
Tại hội nghị, ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai đại diện cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã nêu lên những thuận lợi từ vị trí địa lý, khí hậu, bản sắc văn hóa, sự ưu đãi của thiên nhiên, sự hồn hậu của con người, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến địa phương. Bên cạnh đó, ông Tô Bá Hiếu cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Theo ông Tô Bá Hiếu, hạ tầng giao thông tại nhiều tuyến trọng điểm như: Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát, Y Tý xuống cấp, thiếu đồng bộ, đặc biệt dễ bị chia cắt trong mùa mưa. Lượng rác thải từ du khách phát sinh cao, trong khi công tác thu gom còn chậm và chưa triệt để, gây ảnh hưởng đến cảnh quan. Nguồn nhân lực ngành du lịch thiếu hụt, chưa được đào tạo bài bản, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ và nghiệp vụ.
Hiệp hội kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng, tăng cường truyền thông minh bạch, đẩy mạnh xã hội hóa vệ sinh môi trường, tăng cường thu gom rác thải, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục lưu trú, đồng thời sớm bố trí địa điểm làm việc ổn định cho Hiệp hội để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng được nghe rất nhiều các ý kiến phát biểu phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai và ý kiến giải đáp của các sở, ngành.
Định vị thương hiệu, hướng đến phát triển bền vững
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự, cần có chiến lược phát triển rõ ràng, từ trung ương đến địa phương. Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 3 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới đến năm 2030. Để hiện thực hóa điều này, cần chuyển hướng từ phát triển theo số lượng sang phát triển theo chất lượng.

Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bích Hợp.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 10,7 triệu lượt khách quốc tế, mục tiêu đến cuối năm đạt 22 triệu lượt. Tuy nhiên, số lượng không còn là đích đến duy nhất. “Điều quan trọng là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và chất lượng trải nghiệm”, ông Vũ Quốc Trí nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Trí, phát triển du lịch cần bám vào ba trụ cột: hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và lợi ích cộng đồng. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không hiệu quả về kinh tế. Du lịch cũng phải thân thiện với môi trường để đảm bảo phát triển bền vững. Cuối cùng, hoạt động du lịch phải mang lại lợi ích cho người dân địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động du lịch. Ảnh: Bích Hợp.
Lào Cai cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch sạch và du lịch văn hóa. Đây là hai thế mạnh nổi bật của địa phương, cũng là xu hướng của du lịch toàn cầu. Giá trị văn hóa cần được chuyển hóa thành tài sản thực tế, không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn thuần túy. Đồng thời, cần phải có chiến lược quảng bá bài bản và có chiều sâu. “Như trường hợp Ninh Bình, từ chỗ ít người biết đến, nay đã trở thành điểm đến quen thuộc với khách quốc tế nhờ quảng bá hiệu quả. Lào Cai hoàn toàn có thể làm được điều tương tự,” ông Vũ Quốc Trí nói.
Về phương diện kinh tế, để tăng trưởng bền vững, ngành du lịch cần phát triển trên ba yếu tố: số lượng khách, thời gian lưu trú và mức chi tiêu. Mỗi yếu tố này đều đòi hỏi sự đầu tư chiến lược từ sản phẩm, dịch vụ đến trải nghiệm.
Đặc biệt, phát triển du lịch không thể bỏ qua chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu, nhưng doanh nghiệp cần chọn lựa giải pháp phù hợp thay vì chạy theo phong trào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh tặng Bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động du lịch. Ảnh: Bích Hợp.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định sẽ đồng hành cùng Lào Cai trong xây dựng chương trình phát triển tổng thể, chuyên nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như lưu trú, vận chuyển, ẩm thực… để đưa du lịch Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng bước sang giai đoạn phát triển mới, hiệu quả và bền vững hơn.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Lào Cai đã trao Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động du lịch thời gian qua. Trong đó, gồm 5 tập thể và 5 cá nhân thuộc khối doanh nghiệp Hiệp hội Du lịch Lào Cai (trước sáp nhập), cùng 5 tập thể và 5 cá nhân thuộc khối doanh nghiệp Hiệp hội Du lịch Yên Bái (trước sáp nhập).

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Việt Yên tặng Giấy khen cho các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong công tác truyền thông du lịch. Ảnh: Bích Hợp.
Đồng thời, hội nghị cũng công bố Nghị quyết về việc sáp nhập, hợp nhất Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai và Hiệp hội Du lịch tỉnh Yên Bái nhằm tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới.