Tối 22/7, do mưa lớn kéo dài, nước sông Nậm Mộ dâng cao cộng với việc các nhà máy thủy điện ở phía thượng nguồn xả lũ khiến nhiều khu vực tại xã Mường Xén (huyện Kỳ Sơn cũ) và dọc Quốc lộ 7 ngập lụt nghiêm trọng. Nước lên quá nhanh khiến người dân chạy lụt khẩn cấp trong đêm, nhiều hộ không kịp di dời tài sản nên các đồ đạc trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt và nhiều đồ dùng có giá trị khác bị lũ cuốn trôi.

Người dân chạy lụt trong đêm 22/7 tại xã Mường Xén. Ảnh: Phan An.
Theo chính quyền xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An), các đoạn bị ngập chủ yếu qua khối 1, 4 và 5 của xã Mường Xén. Nước sông dâng lên đột ngột từ chiều do mưa lớn đầu nguồn phía Lào, cộng thêm việc thủy điện phía thượng nguồn xả lũ khiến nước dồn về rất nhanh, lòng sông hẹp không kịp thoát nên mới xảy ra hiện tượng trên.
Cùng thời điểm, tại xã Tam Quang, mực nước sông Lam lên cao tràn qua Quốc lộ 7, có đoạn ngập 40-80cm. Một số điểm thấp trũng ven sông đã bắt đầu xuất hiện ngập úng cục bộ. Các hộ ở bản Khe Bố có nguy cơ ngập nặng nên chính quyền phải huy động lực lượng và người dân đến giúp sức di dời tài sản đến nơi an toàn.

Người dân bản Khe Bố, xã Tam Quang di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Cổng thông tin xã Tam Quang.
Đến 23h đêm 22/7, tại điểm trường Tiểu học Bản Vẽ, xã Yên Na các lực lượng chức năng vẫn khẩn trương thực hiện lệnh sơ tán khẩn cấp đối với khu vực Bản Vẽ. Theo đó, chính quyền địa phương đã bố trí di dời 120 hộ dân đến điểm trường nói trên để đảm bảo an toàn trước nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Ông Thái Lương Thiện, Chủ tịch UBND xã Yên Na, cho hay: “Lãnh đạo UBND xã có mặt trực tại điểm sơ tán để chỉ đạo, động viên bà con và kiểm tra tình hình thực tế. Chính quyền địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, chăn màn cũng như cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ bà con trong thời gian này. Công tác ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền xã Yên Na đặt lên hàng đầu”.

Di dời khẩn cấp 120 hộ dân Bản Vẽ, xã Yên Na trong đêm để đảm bảo an toàn. Ảnh: Cổng thông tin Yên Na.
Trong một diễn biến có liên quan, trước tình hình khó lường của mưa lũ, 23h30 đêm 22/7, UBND xã Tương Dương đã phải tiến hành tổ chức họp khẩn để lên phương án ứng phó với mưa lũ. Đồng thời liên tục cập nhật thông tin về lũ lụt cho người dân qua nhiều kênh thông tin.

Xã Tương Dương họp vào đêm khuya 22/7 để lên phương án ứng phó với lũ lụt. Ảnh: Cổng thông tin Tương Dương.
Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn xã Quỳ Châu xuất hiện mưa vừa, có nơi mưa rất to và lốc làm thiệt hại về tài sản, hoa màu của nhân dân.
Cụ thể, có gần 500 người bị ảnh hưởng phải di dời đến nơi an toàn; 6 nhà bị tốc mái; 105 nhà bị ngập. Lũ sông Hiếu dâng cũng khiến 3 điểm tuyến Quốc lộ 48A bị ngập sâu, chiều dài khoảng 10km. Đợt mưa lũ này còn khiến cho khoảng 200ha diện tích cây keo, 80ha mía và 30ha ngô gãy đổ.

Lực lượng chức năng xã Quỳ Châu sơ tán tài sản giúp người dân chạy lụt trong đêm. Ảnh: Văn Dũng.
Đêm 22/7, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quỳ Châu, cho biết, đợt mua lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây thiệt hại lớn cho địa phương. “Chiều tối 22/7, do mưa lớn và thủy điện trên thượng nguồn xả lũ với lưu lượng 1.958m3/s nên mực nước tại sông Hiếu lên rất nhanh, gây ngập nhiều đoạn đường Quốc lộ 48, khiến cho các phương tiện giao thông không thể lưu thông. Mặt khác, nhiều hộ gia đình ở xã Quỳ Châu bị ngập lụt, hư hỏng tài sản. Các lực lượng chức năng của xã đã phải tập trung nhân lực để hỗ trợ người dân sơ tán tài sản đến nơi an toàn. Đến 23h cùng ngày, công tác này đã cơ bản hoàn thành”, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.

Nước về hồ thủy điện Bản Vẽ đêm 22/7 đạt mức gần 10.000m3/s. Ảnh: Thanh Tùng.
Ngay trong đêm 22/7, trao đổi thông tin với Phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho hay, hiện lượng nước về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ là khoảng 9.643m3/s và có thể tiếp tục tăng. Cũng theo thông tin của ông Nguyễn Trường Thành, hiện các cửa của nhà máy thủy điện này cũng đã mở tối đa (tràn 6 cửa, Q max 6.343m3/s).
Trong khi đó, theo Thông báo ‘hỏa tốc’ số 140/TB-PCCT của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An thì Nhà máy thủy điện Khe Bố (xã Tam Quang) cũng tiến hành xả lũ vào lúc 21 giờ 00 phút ngày 22/7 với tổng lưu lượng xả qua khoang đập tràn và qua tổ máy từ khoảng 500 - 4.500 m3/s và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ.