Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ để bàn các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3 diễn ra sáng 20/7, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến 9 giờ ngày 20/7/2025, số tàu thuyền đang neo đậu tại bến 2.314 phương tiện/9.898 lao động; số phương tiện đang hoạt động trên biển là 502 phương tiện/2.746 lao động. Trong đó, số phương tiện hoạt động ở Hoàng Sa là 160 phương tiện/650 lao động đang trên đường vào ven bờ các tỉnh.
Có 242 phương tiện/1.730 lao động hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ đang trên đường cơ động vào các cửa lạch; 98 phương tiện/358 lao động hoạt động ven bờ tỉnh Nghệ An; 2 phương tiện/8 lao động hoạt động ngoại tỉnh.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Cửa Hội để tránh cơn bão số 3. Ảnh: Đình Tiệp.
Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 3. Các cơ quan thông tin đại chúng đã có thông báo về diễn biến bão số 3 để các chủ hộ nuôi trồng thủy sản chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại. UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè trong khi có bão, mưa lũ.
Trong thời gian vừa qua, Nghệ An đã xảy ra mưa lớn cục bộ gây sạt lở đất tại một số huyện miền núi, nên trong trường hợp có mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn. UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu ở vùng núi đến nơi an toàn.
Tiếp đó, chiều 20/7, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 tại một số công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra của tỉnh Nghệ An tại Bara Bến Thủy chiều ngày 20/7. Ảnh: Thành Cường.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Bara Bến Thủy. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát lũ cho địa bàn các xã Trường Vinh, Thành Vinh, Vinh Phú, Hưng Nguyên.
Sau đó, đoàn tiếp tục kiểm tra công tác vận hành tiêu úng của cống Nghi Quang; kiểm tra khu neo đậu tránh trú bão Lạch Vạn nằm trên địa bàn xã Diễn Châu, nơi có sức chứa khoảng 650 tàu cá; kiểm tra tại cống Diễn Thành. Đây là công trình nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, cống có nhiệm vụ tiêu úng, giảm ngập cho 15.000 ha vùng trũng của các xã Yên Thành và Diễn Châu vào mùa mưa, cũng như ngăn mặn, giữ ngọt vào mùa nắng hạn.

Hàng trăm tàu cá vào neo đậu tại Lạch Vạn để tránh cơn bão số 3. Ảnh: Đình Tiệp.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các công trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ đã yêu cầu ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, các địa phương tập trung cao cho công tác phòng chống cơn bão số 3. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thực hiện theo phương án "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng". Yêu cầu các xã, phường bố trí việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền của ngư dân đảm bảo an toàn, chống va đập và phòng, chống cháy, nổ hiệu quả.
Kiên quyết không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, tàu thuyền, nhằm đảm bảo cao nhất tính mạng khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn. Trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Cắt tỉa cây xanh tại phường Thành Vinh nhằm hạn chế cây gãy, đổ khi gió bão. Ảnh: Đình Tiệp.
Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển. Tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, vào chiều ngày 20/7, các địa điểm neo đậu tàu thuyền như khu vực cảng cá Cửa Hội, Lạch Vạn, Cửa Lò, Nghi Thiết, Nghi Tân, Diễn Châu… các tàu thuyền đều đã được neo đậu ngay ngắn để tránh trú bão được an toàn.

Người dân phường Cửa Lò đã kéo hết thuyền thúng, bè mảng lên bờ trong chiều ngày 20/7 để đảm bảo an toàn nếu bão đổ bộ. Ảnh: Đình Tiệp.
Ngoài ra, nông dân tỉnh Nghệ An ở các vùng dự báo trọng điểm ảnh hưởng bão đã chủ động ra đồng thu hoạch nông sản với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tại các vùng rau màu lớn nhất tỉnh như phường Quỳnh Mai (thuộc thị xã Hoàng Mai cũ), xã Quỳnh Anh (thuộc Quỳnh Lưu cũ), xã Đại Huệ (thuộc huyện Nam Đàn cũ) từ sáng sớm, hàng trăm hộ dân đã có mặt ngoài đồng nhổ hành, hái cà, bẻ bí, cắt mướp… Mọi người tranh thủ từng giờ để thu gom nông sản. Đây là thời điểm thu hoạch các loại rau như hành, cải ngọt, cà, mướp, hoa thiên lý… những loại rau rất dễ hư hại khi gặp mưa dầm, gió mạnh.

Người dân tranh thủ thu hoạch nông sản để hạn chế thiệt hại do mưa bão. Ảnh: Đình Tiệp.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Nghệ An cũng đã ra văn bản chỉ đạo các phương án cụ thể đảm bảo lực lượng cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bệnh; phương án phòng tránh, sơ tán, di dời nhân viên y tế và bệnh nhân đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh và nhân viên y tế. Đặc biệt là có phương án huy động lực lượng, sẵn sàng cơ động tham gia cứu nạn, phòng chống bão số 3.
Đối với các địa phương có hoạt động du lịch biển đông khách như phường Cửa Lò; xã Quỳnh Anh; Quỳnh Phú… thực hiện thông báo cho du khách biết về diễn biến của cơn bão số 3 để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo xã Lam Thành (thuộc huyện Hưng Nguyên cũ) đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống cơn bão số 3. Ảnh: Hữu Hà.
Đối với 130 xã, phường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chiều ngày 20/7, lãnh đạo các xã, phường đều trực tiếp đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 3 tại các khối, xóm, bản, nhất là những điểm trọng yếu có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở miền núi và ngập úng ở các địa phương miền xuôi.