| Hotline: 0983.970.780

Lợn chết rỗng chuồng vì dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai 28/07/2025 , 21:01 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Dịch tả lợn Châu Phi ập đến Tuyên Quang khiến hàng loạt hộ chăn nuôi lâm cảnh nợ nần, không biết bao giờ mới khắc phục nổi.

Hơn 3.700 con lợn mắc dịch trong 2 ngày

Chỉ trong khoảng một tuần qua, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy hàng nghìn con lợn do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát nhanh và mạnh. Nhiều đàn lợn sắp đến ngày xuất chuồng, nặng từ vài chục đến cả trăm kg, đã phải chôn lấp trong đau xót. Người chăn nuôi mất trắng sau nhiều tháng dồn công sức, vốn liếng.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi ở Tuyên Quang trắng tay. Ảnh: Đào Thanh.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi ở Tuyên Quang trắng tay. Ảnh: Đào Thanh.

Riêng trong hai ngày 26 và 27/7, toàn tỉnh Tuyên Quang đã tiêu hủy 3.765 con lợn tại 14 xã, với tổng trọng lượng trên 207 tấn, gần bằng 1/4 số lượng tiêu hủy từ đầu đợt dịch tả lợn Châu Phi đến nay. Tại ba xã trọng điểm chăn nuôi của tỉnh là Sơn Thủy, Phú Lương và Trường Sinh, mỗi ngày có tới vài trăm con lợn buộc phải tiêu hủy.

Gia đình ông Lê Văn Tới, thôn 5, xã Nhữ Khê, đang gắng gượng từng ngày khi đàn lợn gần 300 con bị dịch tả lợn Châu Phi tấn công. Dù đã chủ động rắc vôi, khử trùng và cách ly chuồng trại, dịch vẫn len lỏi xâm nhập. Những con lợn khỏe mạnh bỗng lười ăn, mệt mỏi, rồi dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.

Đàn lợn của gia đình ông Tới được tiêu hủy đúng quy trình. Một tấn lợn bị chôn lấp, tương đương gần nửa tỷ đồng trôi theo dịch bệnh. Chuồng số hai còn lại đang là hy vọng cuối cùng của gia đình ông, nhưng nguy cơ vẫn luôn rình rập. Mỗi ngày gia đình ông sống trong căng thẳng và nỗi lo dịch tả lợn Châu Phi lan rộng.

Dù thiệt hại lớn, ông Tới vẫn chủ động phối hợp với chính quyền và lực lượng thú y để xử lý đàn lợn kịp thời. Ông hiểu rõ, nếu không nghiêm túc chấp hành, dịch sẽ tiếp tục lan rộng và nhiều hộ khác cũng rơi vào cảnh tay trắng như ông. “Giờ không chỉ nghĩ cho nhà mình, mà phải nghĩ cho cả khu dân cư và cộng đồng” ông Tới chia sẻ.

Cùng với người dân, lực lượng dân quân tự vệ, công an viên địa phương cũng có mặt hỗ trợ tiêu hủy suốt những ngày qua. Dù chưa rõ sẽ được hỗ trợ chế độ ra sao, nhưng họ vẫn cùng người chăn nuôi chống dịch. Trong hoàn cảnh khó khăn, chính sự đồng lòng ấy đang giúp các ổ dịch từng bước được kiểm soát.

Toàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 13.600 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy. Ảnh: Đào Thanh.

Toàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 13.600 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy. Ảnh: Đào Thanh.

Chống dịch trong bộn bề khó khăn

Công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Tuyên Quang đang gặp nhiều trở ngại, khi bộ máy chính quyền hai cấp vừa sáp nhập, chưa vận hành ổn định. Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện từ khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7, một số cơ quan, trong khi đơn vị vẫn chưa có con dấu pháp nhân, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là bằng văn bản.

Đến thời điểm cuối tháng 7, lương chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa có. Nguồn kinh phí phòng chống dịch như mua thuốc khử trùng, vôi bột, thuê người, thuê máy xúc đào hố chôn lấp… chưa được chi trả.

Trong khi chờ ngân sách, nhiều cán bộ địa phương phải tự bỏ tiền túi để mua vật tư, lấy mẫu xét nghiệm. Một cán bộ chia sẻ: “Thời điểm đầu tại các xã thuộc tỉnh Hà Giang cũ, không có kinh phí hỗ trợ, anh em phải tự ứng trước để có thể lấy mẫu kịp thời. Nếu chờ kinh phí mới làm thì dịch đã lây lan khắp nơi rồi.”

Cùng với khó khăn về kinh phí, nhân sự tại cơ sở cũng sụt giảm nghiêm trọng. Sau sáp nhập, nhiều nhân viên thú y xã và thôn xin nghỉ việc hoặc nghỉ chế độ, khiến lực lượng giảm từ 328 người còn 197 người, tức mất hơn 1/3 nhân lực.

Việc thiếu hụt này ảnh hưởng rõ rệt đến năng lực giám sát dịch bệnh, tiêm phòng, kiểm tra giết mổ và tuyên truyền pháp luật về chăn nuôi, thú y. Một số xã hiện không còn cán bộ thú y, buộc công chức Phòng Kinh tế xã phải kiêm nhiệm thêm cả công tác chuyên môn về thú y, trong khi không được đào tạo bài bản.

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến nhanh, lực lượng mỏng, cơ chế tài chính chưa kịp thời, công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang đặt lên vai cán bộ cơ sở gánh nặng lớn.

Tính đến ngày 27/7, tỉnh Tuyên Quang đã buộc phải tiêu hủy hơn 13.629 con lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, với tổng trọng lượng vượt 751 tấn. Dịch đã ảnh hưởng đến 1.160 hộ chăn nuôi, xảy ra tại 413 thôn thuộc 67 xã, phường, tổng trọng lượng lợn tiêu huỷ là hơn 751 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, có xu hướng lan nhanh và rộng, nhất là tại các xã trọng điểm về chăn nuôi. Virus dịch tả lợn Châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền đa dạng, nên nguy cơ tiếp tục phát tán sang các khu vực chưa có dịch là rất lớn.

Việc tiêu hủy kịp thời, đúng quy cách là biện pháp hữu hiệu nhất để dịch tả lợn Châu Phi không lan rộng tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Việc tiêu hủy kịp thời, đúng quy cách là biện pháp hữu hiệu nhất để dịch tả lợn Châu Phi không lan rộng tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền các xã, phường có dịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định công bố dịch, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và các tổ công tác chuyên trách như: tổ cơ động, tổ phản ứng nhanh, tổ tiêu hủy, tổ xác minh thiệt hại…

Cùng với đó, các địa phương đã thiết lập chốt kiểm dịch tạm thời tại các đầu mối giao thông ra vào vùng dịch để kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn, kết hợp phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ phương tiện qua lại.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng dự toán và trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch với tổng số tiền đề xuất trên 4 tỷ đồng. Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đang tổng hợp nhu cầu hóa chất tiêu độc, khử trùng từ các xã có dịch để gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị cấp hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Môi trường cũng phối hợp với các địa phương siết chặt kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn ra ngoài tỉnh. Công tác kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận vận chuyển được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Ông Trịnh Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang cho biết, mặc dù khó khăn về nhân lực và tài chính, toàn ngành đang tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để khoanh vùng, dập dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thành lập 23 chốt kiểm dịch tạm thời (xã Yên Minh 1 chốt, xã Khâu Vai 1 chốt, xã Phố Bảng 2 chốt, xã Sơn Vĩ 1 chốt, xã Lũng Cú 1, xã Sơn Thuỷ 2 chốt, xã Kiên Đài 3 chốt, xã Tân Mỹ 4 chốt, xã Kim Bình 4 chốt, xã Trung Hà 4 chốt). Các chốt thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn và thực hiện phun tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện ra, vào vùng dịch.

Xem thêm
Chăn nuôi lợn tuần hoàn, công nghệ cao để an toàn, bền vững

HẢI PHÒNG Mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao là một điển hình thành công mà còn mở ra hướng đi bền vững, tất yếu cho người chăn nuôi tại Hải Phòng.

Dán nhãn giảm phát thải, nâng tầm thương hiệu nông sản

Nhãn giảm phát thải vừa giúp nông sản nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu, vừa đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Người phụ nữ dân tộc Giáy thu tiền tỷ mỗi năm nhờ sản xuất cá giống

LÀO CAI Từ hai bàn tay trắng, bà Hoàng Thị Chắp ở xã Cốc San đã gây dựng mô hình sản xuất cá giống, trở thành điển hình và lan tỏa nghị lực vươn lên thoát nghèo.

Cà phê, cao su trồng trên đất khoán có thể khó xuất khẩu sang EU

Hàng chục nghìn hecta đất khoán chưa rõ pháp lý tại các công ty nông nghiệp có thể khiến nông sản không đáp ứng yêu cầu truy xuất, bị loại khỏi chuỗi cung toàn cầu.

Những lớp học tại vườn và giấc mơ sầu riêng công nghệ cao

TP.HCM Không còn phụ thuộc kinh nghiệm truyền miệng, nông dân Thanh An đang thay đổi tư duy trồng trọt, bắt đầu từ những buổi học giữa vườn sầu riêng.

Mở nghề nuôi cà ra [Bài 1]: Mục tiêu xuất khẩu

Giá thu mua cà ra tại các hộ dân từ 360.000đ/kg đến 420.000đ/kg tùy kích cỡ, trong khi chi phí đầu tư chiếm khoảng 40-45%.

Cần Thơ trồng 5 ha rừng ngập mặn trên đất bãi bồi ven biển

Trồng và bảo vệ rừng hiện không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường mà trở thành trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất