Triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp
Theo ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh này vừa ban hành công điện số 01/CĐ-UBND gửi các sở, ngành liên quan cùng chính quyền 135 xã, phường về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi Gia Lai. Ảnh: V.Đ.T.
Dịch tả lợn Châu Phi hiện xảy ra tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó, có các tỉnh Đăk Lăk, Quảng Ngãi giáp ranh với Gia Lai. Tại Gia Lai cũng đã xuất hiện một số ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại một số xã, phường trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tình trạng người dân lén lút vứt xác lợn chết do dịch ra kênh, mương, sông, suối còn phổ biến, dẫn đến nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát và lây lan diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Lợn của hộ ông Nguyễn Đình Thơ ở phường An Nhơn Đông (Gia Lai) chết do dịch tả lợn Châu Phi được tiêu hủy theo quy định. Ảnh: V.Đ.T.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp bao vây, khống chế, ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định virus gây bệnh, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy và chôn lấp lợn chết, hạn chế người và phương tiện ra vào ổ dịch.
Các trường hợp người và phương tiện ra vào ổ dịch phải được khử trùng, tiêu độc theo quy định. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng, Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, công bố dịch bệnh trên địa bàn theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành.
“Chúng tôi chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp xã phối hợp với các Trạm Chăn nuôi và Thú y khu vực, Công an tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và hướng dẫn, chỉ đạo xử lý lợn chết, lợn mắc bệnh theo quy định. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch hoặc giết mổ, bán chạy heo bệnh, đặc biệt là xử lý thích đáng hành vi vứt xác heo chết do dịch ra môi trường”, ông Dương Mah Tiệp chia sẻ.

Hành vi vứt xác lợn chết do dịch ra môi trường sẽ bị xử lý. Ảnh: V.Đ.T.
Kiểm soát chặt động vật vận chuyển ra vào tỉnh
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai, định kỳ vào thứ Tư hàng tuần, các địa phương phải báo cáo tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để Chi cục tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Môi trường để báo cáo UBND tỉnh xem xét tình hình, chỉ đạo cụ thể.
Theo ông Phan Long Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường An Nhơn Đông, địa phương vừa phát hiện ổ dịch tại tổ dân cư Háo Đức của hộ ông Nguyễn Đình Thơ phải tiêu hủy 202 con lợn có trọng lượng bình quân 100kg/con (hơn 20 tấn), địa phương này đang tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về tình hình dịch bệnh cho người chăn nuôi trên địa bàn biết để chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh, kịp thời khai báo với cơ quan thú y, chính quyền địa phương các trường hợp lợn bệnh, nghi bệnh để được hướng dẫn xử lý theo quy định, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Ngành chức năng tỉnh Gia Lai cũng đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các tuyến giao thông trọng yếu, gồm: Chốt Bình Đê trên Quốc lộ 1A (phường Hoài Nhơn Bắc), chốt Song An trên Quốc lộ 19 (xã Cửu An), chốt Ia Khươl trên Quốc lộ 14 (xã Ia Khươl) và chốt Ia Le trên Quốc lộ 14 (xã Ia Le).

Người chăn nuôi ở phường An Nhơn Đông (Gia Lai) ý thức về dịch bệnh, chủ động phun thuốc khử trùng quanh chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Ảnh: V.Đ.T.
“Các chốt kiểm dịch nói trên hoạt động liên tục 24/24 giờ trong 30 ngày để kiểm tra, giám sát động vật vận chuyển ra vào tỉnh, làm việc kể cả ngày nghỉ và ngày lễ. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát lợn đưa vào các cơ sở giết mổ cũng được tăng cường”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho hay.
“Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai đã trực tiếp làm việc với các địa phương có dịch và những nơi xuất hiện tình trạng vứt xác lợn ra sông, suối để bàn biện pháp xử lý, tiêu hủy, vệ sinh môi trường, đồng thời hướng dẫn người dân quy trình báo cáo, phối hợp xử lý”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho biết thêm.