| Hotline: 0983.970.780

Làm nông nghiệp hữu cơ nông dân được nhiều cái lợi

Thứ Hai 14/04/2025 , 20:57 (GMT+7)

Hà Tĩnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị để nhân ra diện rộng; hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu cho sản xuất.

Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, Hà Tĩnh Đặng Trần Phong giúp đỡ tôi lăn lộn với những chuyển dịch đang ầm thầm thay đổi trên cánh đồng. Nơi tôi đến đầu tiên là Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Thống Nhất, của xã Xuân Lam. Làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nông dân được nhiều cái lợi, hạt gạo gia tăng giá trị, cánh đồng đã trở lại là nơi đa dạng sinh học.

"Cổ tích" đã trở lại

Chủ nhiệm HTX Thống Nhất Bùi Văn Chiến dẫn tôi ra cánh đồng. Nhiều nông dân đang bón phân cho lúa. HTX Thống Nhất này có 218 ha đất nông nghiệp. Toàn HTX có hơn 690 xã viên, đều là những nông dân giỏi giang, cần cù.

Hà Tĩnh nói chung, trong đó có Nghi Xuân từ nhiều năm trước đã vận động nông dân thực hiện cuộc dồn điền đổi thửa. Không dồn, không sử dụng được máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bây giờ đồng ruộng Nghi Xuân thẳng cánh cò bay.

- Anh thử tính, một công cấy bây giờ 400.000 đ, trong khi thuê máy cấy chỉ mất 120.000 đ/sào; trong khi 2 thợ cấy trong ngày mới xong 1 sào. Bùi Văn Chiến nói, người nông dân tính được ngay hơn, thiệt. Từ đó họ ủng hộ, không mất công vận động như trước.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Thống Nhất, Bùi Văn Chiến (phải) giới thiệu về trồng lúa hữu cơ

Chủ nhiệm Hợp tác xã Thống Nhất, Bùi Văn Chiến (phải) giới thiệu về trồng lúa hữu cơ

Theo Bùi Văn Chiến, trong số 218 ha, Thống Nhất có 10 ha cấy lúa, nuôi rươi. Từ năm 2022, bà con nông dân bắt đầu cải tạo đất. Con rươi, không hề dễ tính.

Theo anh Chiến, để cải tạo được 10 ha đó, mỗi nhà nông phải đầu tư vốn từ 1 đến 1,5 tỷ đồng. Hói Ải của xóm Minh Tân là nơi dẫn nước từ sông Lam về làm mát ngọt cánh đồng, và tạo môi trường cho rươi sinh trưởng. Nghề nào cũng phải công phu, tảo tần. Ngoài kinh phí cải tạo đất là mương dẫn nước, lắp cửa cống, sử dụng mùn hữu cơ bón lót dưới ruộng...Và phải học, không thầy đố mày làm nên, như thành ngữ Việt và việc ứng dụng tri thức mới.

Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ”, mô hình ngày càng lan tỏa, không riêng ở Nghi Xuân, mà nhiều nơi ở Hà Tĩnh. Năm 2022 nông dân Hà Tĩnh, trong đó có Nghi Xuân bắt đầu thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ. Sau đó tỉnh hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 – 2030.  Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 2.500 ha.

Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Tĩnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị để nhân ra diện rộng; hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ...

Anh Bùi Văn Chiến tâm đắc, không chỉ chủ trương mà kỹ thuật nằm lòng. Sau khi tiến hành sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ, ai dùng thuốc bảo vệ thực vật thì rươi xuất hiện và phát triển khá nhanh. Các loại sinh vật sống ở ruộng như: niềng niễng, cà cuống, cáy… được tái sinh; các loại ốc, cá, cua đồng cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Một thời bị hủy diệt, bây giờ “cổ tích” đã xuất hiện.

- Truyền thông kết hợp với hướng dẫn ngay đầu bờ, anh à, Bùi Văn Chiến khẳng định. Về phía huyện Nghi Xuân, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện rất chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng nguồn nhân lực để triển khai nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.

Phác thảo một “không gian”

Nghi Xuân có gì? Nghi Xuân không chỉ có biển, đồng bằng mà có nhiều tiềm năng phi vật thể, tạo ra dư địa phát triển.

Nói về tự nhiên, địa hình, địa mạo, trên có núi Hồng, dưới có sông Lam, khi mở rộng phát triển sẽ tiếp cận với vùng ven biển tạo nên địa thế của đô thị “sơn, thủy hữu tình”. Khi đó Nghi Xuân sẽ là điểm nhấn, đối xứng với TP. Vinh, trung tâm văn hóa, chính trị và du lịch của tỉnh Nghệ An qua trục sông Lam.

Đây là vùng địa linh, nhân kiệt, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới và nhà văn hóa, quân sự, chính trị Nguyễn Công Trứ, quê hương của ca trù Cổ Đạm. Nói không ngoa, đây là điểm kết nối lý tưởng với các địa danh du lịch, các địa danh lịch sử của cả tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nông dân bón phân hữu cơ trên thuở ruộng lúa – rươi.

Nông dân bón phân hữu cơ trên thuở ruộng lúa – rươi.

GS.TS. Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, tác giả của đề án “Sử dụng đa mục tiêu Tài nguyên nước gắn với du lịch sinh thái, cội nguồn văn hóa tỉnh Hà Tĩnh”, trong đó có phần nói về Nghi Xuân.

Theo đề án ông đề xuất, nên lựa chọn, bổ sung vùng đô thị Nghi Xuân thành một “Đô thị cội nguồn văn hóa” theo hướng lấy nguồn nước làm trung tâm, tái tạo lại các hoạt động lao động, sản xuất và văn hóa lịch sử truyền thống ngày xưa làm điểm đến cho hình thức du lịch văn hóa trải nghiệm.

Hiện nay Hà Tĩnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị trên đảo Xuân Giang và vùng ven sông Lam tiếp giáp với đảo giữa dòng Lam.

“Phải lấy việc khôi phục và nâng cấp sông Đồng Kèn (còn gọi là Rào Mỹ Dương) làm trung tâm của đô thị mới”, GS Hòa nêu ý tưởng.

 Hiện tại, ngoài sông Lam “bổ đôi Nghệ Tĩnh”, (thơ Trần Mạnh Hảo), trên địa bàn Nghi Xuân có sông Đồng Kèn. Tiếc là, phần lớn đã bị bồi lấp, và thu hẹp, về mùa mưa sông không còn khả năng trữ nước phục vụ sản xuất và cắt lũ.

Đồng Kèn bắt nguồn từ núi Ông Bảng, dài khoảng 29km chảy vòng quanh chân núi Hồng Lĩnh đi qua địa phận các xã Xuân Viên, Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Liên và Cương Gián thuộc huyện Nghi Xuân và đổ ra biển tại cửa Song Nam, có diện tích lưu vực khoảng 73km2. Trong đó đoạn thượng lưu đến hồ Mỹ Dương dài khoảng 17km và đoạn sông sau đập Mỹ Dương là 12km.

“Chúng tôi kiến nghị phục hồi và mở rộng sông theo phương án mở rộng đoạn Rào Mỹ Dương (thượng nguồn sông) theo hình thức vừa sông (để thoát nước) vừa là hồ để trữ nước. Với dung tích trữ nước vào khoảng 30 triệu m3. Toàn bộ đất lòng hồ được tôn tạo sang 2 bên bờ sông để hình thành các khu làng văn hóa, du lịch” vẫn theo GS Hòa. Ông nói, khi đó phía tả của sông Đồng Kèn chạy men theo chân núi Ông Bảng sẽ bố trí các khu nhà vườn mô phỏng đời sống của người dân vùng núi sinh sống bằng nghề đốn củi, săn bắn. Phía bờ hữu của sông Đồng Kèn bố trí các làng nghề truyền thống (trồng lúa, khoai, lạc,..); xen kẽ là các khu văn hóa truyền thống được tái tạo, phục dựng.

Nếu tổ chức được “không gian văn hóa” du khách sẽ được hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này; vừa có thể trải nghiệm, tham gia các công việc truyền thống nhà nông như trồng lúa, trồng khoai, lạc, bắt cá,..

Sông Đồng Kèn

Sông Đồng Kèn

Tôi đã có những trải nghiệm được thưởng thức các hình thức văn hóa dân gian Xứ Nghệ về hát ví giặm, hát phường vải,..; thưởng thức các món ăn quê dân dã từ đồng ruộng, sau khi được “tái sinh” đa dạng sinh học.

Rời Nghi Xuân, tôi nhớ mãi Chủ nhiệm HTX Thống Nhất Bùi Văn Chiến và nông dân Lê Văn Sơn trên cánh đồng Xuân Lam. Khi tôi đến, Lê Văn Sơn đang bón phân cho lúa, biết tôi là người mê mẩm với nông nghiệp sinh thái, “bợm” rươi, hai anh dặn tôi: “Hôm nào đến mùa bắt rươi, bọn em mời anh về”.

Trước mặt tôi là Lam Giang, sau lưng là Hồng Lĩnh hùng vĩ, xứ Nghệ gọi bằng phương ngữ là Rú Hồng. Rú Hồng ai đắp mà cao. Gió sông Lam hắt lên mát rượi.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Vũ Quang xây dựng nông thôn mới lấy động lực từ nông nghiệp

HÀ TĨNH Nông nghiệp là động lực quan trọng giúp huyện biên giới Vũ Quang sớm trở thành huyện miền núi đầu tiên trên cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tôn vinh 100 HTX tiêu biểu và trao giải ngôi sao HTX 'Coop Star Awards'

100 HTX tiêu biểu sẽ được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tôn vinh vào 19h30 ngày 11/4 tại Nhà hát Quân đội, quận Cầu Giấy, Hà Nội.