Từ một trường đại học từng gặp khó khăn trong tuyển sinh các ngành đặc thù như thủy văn, khí tượng hay biến đổi khí hậu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (HUNRE) thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang từng bước bứt phá bằng chiến lược đào tạo gắn liền thị trường lao động, ứng dụng công nghệ số toàn diện và mạnh dạn chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Bức tranh đổi mới giáo dục đại học hiện rõ nét trong từng nỗ lực, song vẫn còn đó những rào cản cần được tháo gỡ.
Tuyển sinh khởi sắc: Tín hiệu tích cực từ những ngành “kén người học”
Chỉ vài năm trước, nhiều ngành đặc thù như Biến đổi khí hậu, Thủy văn học hay Kỹ thuật địa chất tại HUNRE từng rơi vào tình trạng “trắng thí sinh”, có năm chỉ tuyển được 1-5 người. Thế nhưng trong 2 năm gần đây, bức tranh đã thay đổi rõ rệt: 100% chỉ tiêu tuyển sinh ở các ngành đặc thù được lấp đầy, với quy mô 30-60 sinh viên mỗi ngành.

Trong 2 năm gần đây, bức tranh tuyển sinh của HUNRE đã thay đổi rõ rệt, 100% chỉ tiêu tuyển sinh ở các ngành đặc thù được lấp đầy, với quy mô 30-60 sinh viên mỗi ngành. Ảnh: Lan Chi.
Sự thay đổi này không đến từ may rủi, mà là kết quả của chiến lược đào tạo “bắt trúng mạch” thị trường: xây dựng chương trình theo chuẩn đầu ra, tăng cường thực hành - thực tập - học trải nghiệm chiếm đến 40% thời lượng, đồng thời mời chuyên gia từ doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn. Sự gắn kết với doanh nghiệp không chỉ diễn ra trong hội trường, mà thể hiện thực tế qua hàng nghìn sinh viên mỗi năm được đưa đến doanh nghiệp thực tập, được hỗ trợ việc làm ngay từ “Ngày hội tuyển dụng HUNRE”.
Đào tạo gắn thực tiễn - Chìa khóa mở cửa thị trường lao động
Không dừng lại ở cải cách chương trình học, HUNRE đã thiết lập mạng lưới hợp tác với hàng chục doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức ngành môi trường, công nghệ - những “đầu ra” thực tế của sinh viên sau tốt nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ góp ý, xây dựng chương trình đào tạo mà còn trở thành người hướng dẫn, tuyển dụng và thẩm định chất lượng giảng dạy.
Kết quả là trên 85% sinh viên ra trường có việc làm sau 6-12 tháng. Không chỉ đạt được tỷ lệ việc làm cao, sinh viên HUNRE còn được đánh giá có tư duy nghề nghiệp tốt, khả năng thích nghi cao, một phần nhờ được “rèn quân” ngay từ ghế nhà trường thông qua các kỳ thực tập thực tế dài từ 2 đến 4 tháng, có sự giám sát phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Đặc biệt, trường còn chủ động tổ chức các buổi talkshow, tọa đàm nghề nghiệp, mời doanh nghiệp đến nói chuyện trực tiếp với sinh viên, tạo thành cầu nối thực sự giữa giảng đường và thị trường lao động.
Cần “bệ đỡ” chính sách cho hành trình tự chủ bền vững
Là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, HUNRE đã phát triển một hệ sinh thái công nghệ giáo dục toàn diện: hệ thống LMS cho học tập trực tuyến, phần mềm KPI cho giảng viên, công cụ xử lý thủ tục một cửa cho sinh viên và đặc biệt là HUNRE AI - trợ lý học đường cho tuyển sinh và học tập. 50% môn học đã tích hợp công nghệ số và mô phỏng, giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn ngành nghề như GIS, IoT, phân tích dữ liệu môi trường từ sớm.
Tuy nhiên, khi tiến tới mức độ tự chủ tài chính hoàn toàn từ năm 2026, HUNRE phải đối mặt với áp lực tài chính lớn khi vừa không còn ngân sách nhà nước chi thường xuyên, vừa phải tuân thủ hàng loạt nghĩa vụ tài chính như: trích 40% chênh lệch thu - chi để cải cách tiền lương, trích 8% học phí cho học bổng, 5% đầu tư khoa học công nghệ, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thậm chí cả thuế đất.

HUNRE xây dựng chương trình theo chuẩn đầu ra, tăng cường thực hành - thực tập - học trải nghiệm chiếm đến 40% thời lượng. Ảnh: Mai Anh.
Trong khi đó, mức học phí theo quy định chưa tính đủ chi phí đào tạo, chưa bao gồm các khoản thuế phát sinh. Điều này khiến nhà trường gặp khó trong việc cân đối chi phí để tiếp tục tái đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo - điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công cơ chế tự chủ.
Để HUNRE cũng như nhiều trường đại học công lập khác không bị “đuối sức” giữa hành trình tự chủ, những kiến nghị từ nhà trường là hết sức xác đáng: cần có cơ chế đặc thù cho các ngành đào tạo khó tuyển nhưng thiết yếu; điều chỉnh lại các quy định tài chính chưa phù hợp thực tế; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để củng cố cơ sở vật chất.
HUNRE đang đi đúng hướng trên hành trình hiện đại hóa giáo dục đại học, nhưng để con đường đó vững bền, không thể thiếu vai trò đồng hành từ chính sách và cơ quan chủ quản.
Theo PGS.TS. Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cơ chế tự chủ đại học là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, tăng tính linh hoạt và khả năng thích ứng của các trường đại học trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Huy đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục hỗ trợ khối các Trường Đại học trực thuộc Bộ nói chung và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói riêng được tiếp cận với những nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập, trang thiết bị thí nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học công nghệ cao.