Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Chủ Nhật, 27/4/2025 14:45 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã hình mẫu gắn công nghệ với sản xuất hữu cơ

Thứ Năm 10/04/2025 , 06:42 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG HTX Đồng Thuận Phát có nhiều sáng chế để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, giúp quá trình sản xuất nông sản hữu cơ thuận lợi, mang lại giá trị cao.

Quyết tâm thay đổi

Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng để phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới vấn đề sức khỏe, do đó nông sản hữu cơ ngày càng được ưa chuộng. Tại Bình Dương, HTX nông nghiệp Đồng Thuận Phát (huyện Bắc Tân Uyên) là đơn vị điển hình trong hành trình chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang hữu cơ gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Bưởi đường lá cam của HTX Đồng Thuận Phát mặc dù quả nhỏ nhưng lại có hương thơm đặc trưng và vị ngọt thanh, chua nhẹ nên được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Trần Phi.

Bưởi đường lá cam của HTX Đồng Thuận Phát mặc dù quả nhỏ nhưng lại có hương thơm đặc trưng và vị ngọt thanh, chua nhẹ nên được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Trần Phi.

Bài liên quan

HTX Đồng Thuận Phát có 22 thành viên, cùng mục tiêu cung cấp sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Trước đây, nông dân xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để thúc đẩy sự phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, những phương pháp này không thể xóa bỏ lo lắng về chất lượng sản phẩm và sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Dù mang lại hiệu quả cao trong ngắn hạn, phương pháp canh tác chỉ dựa vào phân, thuốc hóa học đã khiến đất đai ngày càng cằn cỗi và giảm chất lượng nông sản. Với tâm huyết và quyết tâm thay đổi, HTX đã chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, bước vào lĩnh vực mới đầy thử thách.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX chia sẻ: "Trước đây chúng tôi canh tác theo kiểu tự phát, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến chất lượng sản phẩm không cao. Nhưng giờ đây, chúng tôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây bưởi theo hướng hữu cơ, và kết quả thật bất ngờ, sản phẩm được thị trường đón nhận, giá bán ổn định hơn rất nhiều".

Sản phẩm chủ lực của HTX là bưởi đường lá cam trái nhỏ với hương thơm nức mũi và vị ngọt, chua nhẹ dễ chịu. Bưởi của HTX không chỉ ngon mà còn an toàn vì được sản xuất theo hướng hữu cơ. Mỗi trái bưởi mang trong mình cả tấm lòng của nông dân.

Các sản phẩm được tận dụng từ trái bưởi của HTX Đồng Thuận Phát. Ảnh: HTX cung cấp.

Các sản phẩm được tận dụng từ trái bưởi của HTX Đồng Thuận Phát. Ảnh: HTX cung cấp.

Bưởi đường lá cam là minh chứng cho sự thay đổi và khát vọng xây dựng nền nông nghiệp bền vững của HTX Đồng Thuận Phát. Nhờ chương trình OCOP, HTX không chỉ quảng bá sản phẩm mà còn kết nối với các đối tác thương mại trong và ngoài nước. Dù vậy, con đường chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ không phải lúc nào cũng dễ dàng. HTX gặp không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề sâu bệnh như ruồi vàng - kẻ thù nguy hiểm của cây bưởi.

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, một thành viên của HTX chia sẻ: "Trước khi có sự hỗ trợ từ các chuyên gia, tôi đã phải thử nhiều phương pháp, có lúc làm hại cây. Khi áp dụng công nghệ hữu cơ, dù có lúc vườn bưởi không đẹp như trước nhưng trái lại ngon hơn, ngọt hơn. Người tiêu dùng rất yêu thích". Chính những khó khăn này đã thôi thúc HTX kiên trì theo đuổi phương pháp hữu cơ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Sáng chế giúp giảm chi phí sản xuất

Gắn với phương pháp canh tác hữu cơ, HTX còn sáng chế các công cụ, thiết bị giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Một trong những sáng chế đáng chú ý là hệ thống máy phun tưới tự động kết hợp máy trộn phân của ông Nguyễn Văn Cơ, thành viên của HTX. Máy phun tưới tự động không chỉ giúp bà con tiết kiệm thời gian tưới cho vườn cây mà còn giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường.

Hệ thống máy phun tưới tự động kết hợp máy trộn phân của ông Nguyễn Văn Cơ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống máy phun tưới tự động kết hợp máy trộn phân của ông Nguyễn Văn Cơ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Ông Cơ chia sẻ: "Công đoạn tưới nước và bón phân rất tốn thời gian và công sức. Vì vậy tôi đã sáng chế ra máy trộn phân kết hợp với hệ thống tưới tự động. Chỉ cần bật công tắc, hệ thống sẽ tự vận hành, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực. Hệ thống máy phun tưới này có chi phí chỉ vài triệu đồng, trong khi các thiết bị tương tự trên thị trường có giá lên đến hàng chục triệu đồng".

Máy của ông Cơ không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn tăng năng suất cây bưởi đáng kể. Vườn bưởi của ông có 800 gốc, thu hoạch hơn 100 tấn bưởi trong năm 2024, mang lại thu nhập gần 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Nhờ sáng chế này, HTX đã tiết kiệm được nhiều chi phí và nâng cao năng suất lao động. Thêm vào đó, HTX Đồng Thuận Phát còn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Các thành viên luôn tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để cải tiến quy trình canh tác, từ việc chọn giống cây trồng đến chăm sóc cây nhằm đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng cao nhất.

Nhờ sự kết hợp này, HTX đã xây dựng được thương hiệu uy tín không chỉ trong nước mà đang nghiên cứu một số sản phẩm để đưa ra thị trường quốc tế như nước ép bưởi, tinh dầu... Mục tiêu của HTX là không chỉ tạo ra sản phẩm hữu cơ chất lượng mà còn xây dựng một nền nông nghiệp xanh, bền vững. Các thành viên HTX luôn mong muốn tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, nơi sản phẩm không chỉ là kết quả sản xuất mà còn mang giá trị sống bền vững.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Đồng Thuận Phát (trái) cho biết, mặc dù canh tác hữu cơ gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ chất lượng cao, an toàn nên trái bưởi xã Thường Tân đã có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Phi.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Đồng Thuận Phát (trái) cho biết, mặc dù canh tác hữu cơ gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ chất lượng cao, an toàn nên trái bưởi xã Thường Tân đã có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Phi.

Ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ: “Chúng tôi rất ấn tượng với những sáng chế và việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của HTX Đồng Thuận Phát. Những sáng chế này không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả lao động mà còn góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Chính quyền huyện Bắc Tân Uyên cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để nhân rộng mô hình này, khuyến khích các HTX khác áp dụng công nghệ hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nông nghiệp địa phương".

 “HTX Đồng Thuận Phát không chỉ có các giải pháp tăng năng suất lao động mà còn tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình của HTX đang dần khẳng định được vị thế trong cộng đồng nông nghiệp địa phương và có thể trở thành hình mẫu lý tưởng cho các HTX khác trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên nhấn mạnh.

Xem thêm
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà

'Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng', Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.

Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến phòng, chống dịch bệnh

HÀ TĨNH Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi.

Doanh nghiệp cạn vốn

ĐIỆN BIÊN Doanh nghiệp cạn vốn, người dân thiếu quyết tâm, kiên trì nên dù tiềm năng lớn nhưng con đường phát triển cây mắc ca ở huyện Điện Biên còn lắm chông gai.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

ĐẮK NÔNG Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nữ tỷ phú cá tra ở vùng đất Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Vượt qua khó khăn, bà Nguyễn Thị Lý trở thành tỷ phú nhờ liên kết doanh nghiệp và nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, xây dựng quy trình nuôi cá tra xuất khẩu.

Không để người làm rừng thiệt thòi ngay từ trong chính sách

TS Hà Công Tuấn cho rằng, chính sách khoán đất lâm nghiệp nên chuyển từ mục tiêu an sinh sang phát triển kinh tế, khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý.