| Hotline: 0983.970.780

Hồ thiếu nước, Ninh Thuận tính giảm diện tích sản xuất vụ đông xuân

Thứ Tư 27/11/2024 , 08:10 (GMT+7)

Nếu từ nay đến cuối năm, Ninh Thuận không có mưa lớn, các hồ chứa không đảm bảo nước thì vụ đông xuân 2024 - 2025 sẽ phải giảm diện tích sản xuất gần 4.500ha.

Hồ Sông Cái có dung tích thiết kế 219 triệu m3 nhưng đến hôm nay mới chỉ đạt 151 triệu m3. Ảnh: PC.

Hồ Sông Cái có dung tích thiết kế 219 triệu m3 nhưng đến hôm nay mới chỉ đạt 151 triệu m3. Ảnh: PC.

Hồ chứa mới đạt 50% dung tích

Theo quan niệm dân gian, thì qua ngày 23/10 âm lịch, tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ thường không còn mưa lớn. Thế nhưng từ đầu mùa mưa đến nay tại tỉnh Ninh Thuận chưa có đợt mưa lớn nào. Chính vì vậy, lượng nước trong các hồ thủy lợi đang thiếu nghiêm trọng.

Theo số liệu của Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận (Công ty Thủy nông Ninh Thuận), tính đến ngày 24/11, lượng nước tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh do công ty quản lý mới đạt 229 triệu m3/417 triệu m3, bằng 50% so với dung tích thiết kế.

Trong đó, hồ chứa nước Sông Cái đạt 151 triệu m3/219 triệu m3; dung tích của 21 hồ chứa còn lại mới có 78 triệu m3/194 triệu m3, bằng 40% so với dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 39,8%). Hiện có 4/23 hồ dung tích đạt dưới 20% dung tích thiết kế; 9/23 hồ dung tích đạt dưới 50% dung tích thiết kế… Đặc biệt, hồ Ông Kinh không có nước.

Riêng hồ thủy điện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho tỉnh Ninh Thuận thông qua hệ thống đập dâng Đa Nhim - Lâm Cấm, hiện đạt 147 triệu m3/165 triệu m3.

Trước tình hình hồ chứa thiếu nước nghiêm trọng, nếu từ nay đến cuối năm tỉnh Ninh Thuận không có mưa lớn, hồ chứa không được bổ sung nguồn nước thì nguy cơ khô hạn diễn ra ngay từ vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều diện tích sản xuất sẽ phải ngưng sản xuất hoặc phải chuyển đổi cây trồng.

Trước tình trạng mực nước ở các hồ chứa còn thấp, tỉnh Ninh Thuận đã lên 2 phương án sản xuất cho vụ đông xuân. Ảnh: PC.

Trước tình trạng mực nước ở các hồ chứa còn thấp, tỉnh Ninh Thuận đã lên 2 phương án sản xuất cho vụ đông xuân. Ảnh: PC.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty Thủy nông Ninh Thuận cho biết, thời điểm xuống giống vụ đông xuân đã đến gần, trước tình hình hồ chứa thiếu nước, công ty đã xây dựng 2 phương án sản xuất nhằm ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới. Theo đó, phương án 1, nếu từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, các hồ chứa được bổ sung một phần lượng nước đến nhưng chưa đảm bảo cấp đủ nước cho toàn bộ khu tưới thì trong vụ đông xuân, công ty sẽ tổ chức cấp nước tưới cho 25.280ha, giảm 4.480ha so với kế hoạch.

Đối với phương án 2, nếu từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh có mưa, các hồ có nguồn nước đến đáng kể, công ty sẽ bổ sung diện tích cấp nước tưới tại một số hồ chứa như: Sông Trâu, Bà Râu, Phước Nhơn, Lanh Ra, Bầu Zôn, Tà Ranh, Sông Biêu, Bầu Ngứ. Khi đó tổng diện tích sản xuất đạt 29.770ha, bằng diện tích do UBND tỉnh Ninh Thuận giao.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả

Ông Nguyễn Công Xưng cho biết, trong công tác điều tiết cấp nước, công ty ưu tiên cấp nước theo thứ tự nước cho sinh hoạt, dịch vụ của người dân; nước cho chăn nuôi, cuối cùng mới cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. “Tuy nhiên, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chúng tôi ưu tiên cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, cây màu, cuối cùng mới đến cây lúa”, ông Nguyễn Công Xưng nói và cho biết, tổng lượng nước cấp cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc và các ngành công nghiệp, dịch vụ trong vụ đông xuân khoảng 16,76 triệu m3.

Để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, Công ty Thủy nông Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp điều tiết nước tưới trong vụ đông xuân. Theo đó, chủ động tham mưu Sở NN-PTNT làm việc với Công ty CP Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du. Phối hợp chặt chẽ với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim điều tiết nước hồ Đơn Dương chi tiết, hợp lý. Phối hợp với Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 điều tiết nước hồ Sông Cái hiệu quả, đảm bảo nguồn nước cấp cho khu tưới đập dâng Tân Mỹ và hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm, tiếp nước cho khu tưới hồ Thành Sơn.

“Đối với các hệ thống đập dâng trên sông hưởng lợi trực tiếp từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, chúng tôi tăng cường điều tiết tưới luân phiên giữa các đập; vận hành hợp lý các cống lấy nước tại thủy khẩu để ưu tiên nguồn nước cấp cho nhà máy nước Tháp Chàm và các khu tưới vùng cuối kênh, đặc biệt vùng cuối kênh Bắc hệ thống thủy lợi Nha Trinh. Nếu nguồn nước từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim không đủ, công ty sẽ bổ sung tiếp nước từ hồ chứa nước Sông Cái và hồ Sông Sắt để đảm bảo cho các nhu cầu ở hạ du”, ông Nguyễn Công Xưng chia sẻ.

Hồ Sông Trâu có dung tích thiết kế 31,5 triệu m3, đến nay mới chỉ đạt 4,2 triệu m3. Ảnh: PC.

Hồ Sông Trâu có dung tích thiết kế 31,5 triệu m3, đến nay mới chỉ đạt 4,2 triệu m3. Ảnh: PC.

Cùng với đó, công ty thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, phối hợp chặt chẽ với địa phương, Tổ hợp tác dùng nước (PIM) xây dựng kế hoạch điều tiết nước thật chi tiết, cụ thể cho từng tuyến kênh, từng xứ đồng. Kiên quyết không điều tiết nước đối với diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch, các vùng không chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch.

Đối với hệ thống các hồ chứa nước, Công ty Thủy nông Ninh Thuận tập trung điều tiết hiệu quả, tiết kiệm các hồ chứa; tổ chức sản xuất, đồng thời tích trữ nguồn nước để ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh trong suốt mùa khô 2025. Trong trường hợp cần thiết, công ty vận hành liên thông nguồn nước từ các hệ thống công trình thủy lợi có nguồn nước đến dồi dào cho các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn để chủ động trong việc cấp nước phục vụ sản xuất, giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán.

Ông Nguyễn Công Xưng - Chủ tịch Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận cho biết: “Công ty phối hợp các địa phương duy trì, củng cố các tổ đội thủy nông nội đồng chủ động điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm theo phương pháp nông - lộ - phơi nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước... có kế hoạch xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng nhằm rút ngắn thời gian gieo sạ để tiết kiệm nước tưới. Đồng thời rà soát lại quy hoạch, bố trí sản xuất theo hướng giảm dần diện tích đất lúa; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, vùng gò đồi, cuối kênh sang cây trồng cạn sử dụng ít nước”.

Xem thêm
Hà Nội trao tặng Nghệ An 100 con bò giống

Tỉnh Nghệ An có tổng đàn bò thuộc tốp đầu cả nước, với việc tiếp nhận thêm 100 con giống từ thành phố Hà Nội càng góp phần nâng cao vị thế hiện có.

Trăn trở công tác thú y cơ sở sau khi sát nhập đơn vị hành chính

Nhiều địa phương lo lắng sau sát nhập, cán bộ bán chuyên trách nghỉ việc khiến công tác thú y cơ sở gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, địa bàn quản lý rộng.

Xã vùng biên mỗi năm 200 hộ thoát nghèo: Người trẻ nghĩ khác ở Lao Khô

SƠN LA Giữa đại ngàn Tây Bắc, nơi núi rừng Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) tiếp giáp với nước bạn Lào có một bản nhỏ mang tên là Lao Khô.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Trồng nấm linh chi cho lợi nhuận như mơ nhờ làm chủ công nghệ

HẢI PHÒNG Bằng công nghệ tự động và sản xuất theo quy trình VietGAP, một mô hình trồng nấm linh chi tại quận An Dương đã cho lợi nhuận ngoài mong đợi.

16 cán bộ kiểm ngư 'gánh' 6.000km² mặt biển

Quảng Ninh Lực lượng kiểm ngư Quảng Ninh chỉ có 16 cán bộ nhưng quản lý tới 6.000km² mặt biển, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trên biển.

Tăng tốc hoàn thiện dữ liệu phục vụ EUDR, bảo đảm xuất khẩu không gián đoạn

Hệ thống dữ liệu phục vụ cho việc khai báo truy xuất nguồn gốc theo quy định EUDR vẫn cần hoàn thiện để đảm bảo việc xuất khẩu duy trì khi EUDR có hiệu lực.

Bình luận mới nhất