| Hotline: 0983.970.780

Hồ Dầu Tiếng xả tràn, nhiều khu vực cảnh báo ngập sâu

Thứ Năm 15/05/2025 , 21:55 (GMT+7)

Hồ Dầu Tiếng bắt đầu xả tràn từ nay đến 25/5, nhiều khu vực ven sông Sài Gòn được cảnh báo nguy cơ ngập sâu nếu mưa lớn xảy ra cùng thời điểm.

Không lơ là chủ quan

Ngày 15/5, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương cho biết, hồ Dầu Tiếng sẽ tiến hành xả tràn. Thời gian xả tràn kéo dài từ 15/5 đến ngày 25/5, với lưu lượng linh hoạt từ 36-150 m³/s. 

Hồ Dầu Tiếng xả tràn, nhiều khu vực cảnh báo ngập sâu. Ảnh: Trần Trung.

Hồ Dầu Tiếng xả tràn, nhiều khu vực cảnh báo ngập sâu. Ảnh: Trần Trung.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, với lưu lượng xả tối đa Q=150 m³/s, trong điều kiện bình thường sẽ không gây ngập úng tại các xã, phường ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên, người dân cần đề phòng tình huống mưa lớn kết hợp với việc xả tràn, có thể gây ngập cục bộ tại các vùng trũng thấp ven sông.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven sông Sài Gòn như huyện Dầu Tiếng, TP Bến Cát, TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một đã được yêu cầu triển khai các biện pháp phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam, hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt hồ khoảng 270 km², hồ nằm trên địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Ngoài chức năng điều tiết nước cho sông Sài Gòn, hồ còn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

“Tính đến 7 giờ ngày 12/5, mực nước hồ Dầu Tiếng ở cao trình Z = 20,62m, vượt giới hạn trên của khoảng mực nước quy định (17,48m - 19,78m), chênh lệch 0,84m. Do đó, công ty sẽ điều chỉnh xả nước linh hoạt từ 36-150 m³/s”, Đại diện công ty cho biết.

Thất thủ sau mưa lớn

Trước đó, nhiều lần người dân sống ven sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lụt do mưa lớn kết hợp với việc xả lũ từ hồ Dầu Tiếng.

Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương - thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, cho biết: Từ 7 giờ ngày 9/5 đến 7 giờ ngày 10/5/2025, Bình Dương xuất hiện mưa diện rộng khiến nhiều khu vực bị ngập nặng.

Theo thống kê ban đầu, tại khu phố Bưng, phường Phú Chánh, mưa lớn đã làm ngập 4,48 ha ao nuôi cá truyền thống của 3 hộ dân, thiệt hại ước tính khoảng 125 triệu đồng. Ngoài ra, khoảng 105 ha đất sản xuất nông nghiệp cũng bị ngập sâu.

Về hệ thống thủy lợi, ghi nhận tình trạng bể 15m bờ suối Giữa, hường Tương Bình Hiệp, gây ngập khoảng 7 ha đất Dự án khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp, tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nếu mưa tiếp tục kéo dài.

Mưa lớn còn làm sập 210 mét tường rào của Công ty TNHH Supor Việt Nam. Trên tuyến đường Cầu Đường 76 (phường Mỹ Phước), ba trụ điện bị gãy đổ, gây gián đoạn cung cấp điện cục bộ. Đặc biệt, đoạn đường từ ĐH-604 đến ĐH-605 (TP Bến Cát) tiếp tục bị sạt lở và sụt lún tại vị trí từng được khắc phục sau trận mưa ngày 12/2. Mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng, dài hơn 10m, sâu 3-4m, ảnh hưởng lớn đến giao thông và an toàn của người dân.

Tại TP Dĩ An và TP Tân Uyên, nhiều tuyến đường bị ngập sâu, gây ùn tắc kéo dài và khiến hàng loạt phương tiện bị chết máy. Nước tràn vào nhà dân, buộc lực lượng chức năng hỗ trợ di dời tài sản cho 53 hộ dân (TP Dĩ An: 52 hộ, TP Tân Uyên: 1 hộ). Ngoài ra, một trụ đèn tín hiệu giao thông bị ngã đổ, gây gián đoạn điều tiết giao thông.

 Dự án nạo vét, gia cố suối Cái (5.892 tỷ đồng, dài gần 19km) được khởi công từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và chịu ảnh hưởng nặng nề sau trận mưa lịch sử vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

 Dự án nạo vét, gia cố suối Cái (5.892 tỷ đồng, dài gần 19km) được khởi công từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và chịu ảnh hưởng nặng nề sau trận mưa lịch sử vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, rạng sáng ngày 10/5, kênh thoát nước Suối Cái - công trình trọng điểm với vốn đầu tư gần 5.900 tỷ đồng tại TP Tân Uyên đã hứng chịu trận ngập nghiêm trọng nhất từ đầu năm đến nay. Toàn bộ khu vực hai bên bờ Suối Cái bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m, phạm vi ngập rộng từ 20 đến 50m, gây ảnh hưởng lớn đến hoa màu của người dân.

Để ứng phó, các đơn vị thi công đã phá dỡ đê quây, ngừng toàn bộ hoạt động thi công trong mưa, đồng thời tổ chức khơi thông cống thoát nước để giảm thiểu thiệt hại. Đáng tiếc, một công nhân tham gia thi công không may bị nước cuốn trôi.

Sau gần một ngày tìm kiếm, thi thể nạn nhân được tìm thấy lúc 16 giờ 35 phút ngày 11/5, cách vị trí gặp nạn khoảng 100m. Lãnh đạo tỉnh và Ban Quản lý Dự án đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ gia đình lo hậu sự tại huyện Cần Đước (Long An).

Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình, đồng thời huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, gia cố các điểm sạt lở, chủ động theo dõi thời tiết để ứng phó nếu tình hình mưa tiếp tục kéo dài.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, chiều và tối 15/5, khu vực Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.Từ đêm 16 đến 19/5, lượng mưa có xu hướng giảm nhẹ, chỉ còn xảy ra rải rác vài nơi. Tuy nhiên, người dân vẫn cần cảnh giác với các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra trong thời gian ngắn.

Xem thêm
Thị trường bất động sản cần những 'liều thuốc mạnh' và thực chất hơn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần giải pháp quyết liệt, thực chất để xử lý bất cập kéo dài của thị trường bất động sản, nhất là cung - cầu, pháp lý.

Xây dựng bản đồ dự báo để phân vùng nguy cơ rủi ro thiên tai

Đoàn công tác Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-MT Việt Nam xây dựng bản đồ dự báo để phân định các vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai.