
Dòng kênh Đông và cuộc hồi sinh trên đất thép Củ Chi
Nhờ dòng nước ngọt lành từ kênh Đông Củ Chi, mảnh đất khô cằn vì bom đạn dần được hồi sinh, trở thành vùng nông nghiệp trù phú giữa lòng thành phố mang tên Bác.
Lê Bình | 10:22 22/04/2025
MC1:
Mến chào quý vị và bà con đang nghe chương trình thủy lợi và phát triển của NongnghiepRadio,
Thưa quý vị và bà con, những năm đầu sau ngày giải phóng, vùng đất Củ Chi vẫn còn in đậm dấu tích của chiến tranh. Đồng ruộng khô cằn, nước sinh hoạt khan hiếm, người dân phải ăn độn củ môn, củ mì qua ngày. Trong hoàn cảnh đó, một quyết định mang tính lịch sử đã được đưa ra: đào kênh dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về tưới mát cho ruộng đồng.
Nhờ nguồn nước đầy ắp, đời sống bà con nông dân Củ Chi khấm khá nhờ trồng hoa lan, cá cảnh… Dòng nước này đang góp phần phát triển đất thép Củ Chi. Trong chương trình hôm nay, mời quý vị và bà con cùng theo dòng chảy của Kênh Đông - một “địa đạo nổi” giữa thời bình - để cảm nhận sức sống mới đang hồi sinh trên vùng đất anh hùng năm xưa.
(nhạc xưa, sau Hòa bình)
MC2:
Bước ra từ cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc, vùng đất Củ Chi khi ấy vẫn còn khô cằn, xác xơ. Nỗi lo thường trực nhất của người dân là cái đói giáp hạt. Cứ vào độ tháng Tư, tháng Năm là bà con lại phải chạy vạy từng bữa ăn.
Dù đã dốc sức lao động, cật lực bám đất, bám ruộng, nhưng đồng ruộng nơi đây chỉ sản xuất được một vụ lúa. Mưa xuống thì phèn dậy, trời hanh thì đất nứt chân chim. Cây trồng kém năng suất, đời sống của người dân vì thế mà cứ mãi chật vật, bấp bênh. Lúa chưa kịp trổ đòng lại vội ngả vàng vì thiếu nước.
Để cứu lúa, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức đào kênh Đông, quyết tâm cứu vùng đất héo khô bao năm vì lửa đạn. Dòng kênh dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về Củ Chi giúp mảnh đất này được hồi sinh mạnh mẽ.
Anh hùng LLVTND Tô Văn Đực là một trong thanh niên hồi đó tham gia đào kênh Đông Củ Chi. Ông Đực nhớ lại, những năm tháng ấy, cả một vùng nông thôn hừng hực sức trẻ cùng vạt đất, đào kênh trên đoạn đường dài 11km. Đêm đêm, ánh đuốc sáng lập lòe sáng cả một góc trời với những tiếng hò dô của những chàng trai, những cô gái làm thủy lợi.
Băng Anh hùng LLVTND Tô Văn Đực: Người ta làm bằng tay chứ không phải máy móc như bây giờ đâu. Người ta cũng vận động thanh niên xung phong, người dân giống như đánh giặc hồi xưa vậy. Đảng và Nhà nước mình đã chuẩn bị từ trước kìa, giải phóng xong là bắt đầu thực hiện. Kênh Đông là toàn dân làm, chứ không phải riêng ai hết. Cán bộ địa phương, lãnh đạo vận động người dân đi đào, giống như ngày xưa đi đào địa đạo vậy.
Năm 1985, công trình kênh Đông Củ Chi chính thức được đưa vào sử dụng, đưa dòng nước mát từ hồ Dầu Tiếng về tưới cho 12.000 hécta đất sản xuất nông nghiệp của 12 xã phía bắc Củ Chi. Kể từ đó, vùng đất khô cằn ngày nào đã trở thành những cánh đồng xanh mướt, năng suất lúa tăng từ 1,2 - 1,5 tấn/ha/vụ lên 4,5 tấn/ha/vụ.
Chứng kiến sự thay đổi của quê hương nhờ dòng kênh Đông, ông Đỗ Chí Dũng, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM không giấu nước niềm vui: Nhà nước mình làm kênh Đông, dẫn thủy nhập điền rất là ok luôn. Tôi rất hoan nghênh. Nằm gần kênh Đông thì có nước nôi luôn đầy đủ. Mình có thể làm đồng loạt được chứ không như ngày xưa. Bây giờ nước về là làm nguyên 1 cánh đồng luôn, rồi cắt nguyên cánh đồng. Làm rất dễ, nông dân phấn khởi lắm.
Không chỉ dừng lại ở cây lúa, người dân Củ Chi còn tận dụng nguồn nước để nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 1.000 ha. Bên hai bờ kênh Đông Củ Chi, san sát những trang trại nuôi thủy sản lớn nhỏ. Nơi đây được coi là thủ phủ nuôi cá cảnh của TP.HCM và khu vực Nam bộ. Từ những dòng cá đắt tiền như cá Rồng, cá Koi đến những loại cá cảnh nhỏ nhắn đầy đủ màu sắc. Chỉ tính riêng cá cảnh, mỗi năm cũng đưa về cho TP hơn 14 triệu USD nhờ xuất khẩu.
Trong số đó, Hợp tác xã sinh vật cảnh Sài Gòn được coi như đầu tàu phát triển ngành cá cảnh TPHCM. Nói về lí do chọn bờ kênh Đông làm cơ sở để nuôi cá, bà Hoàng Thị Huế, đại diện HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn cho biết: Chúng tôi chọn nơi đây, thứ nhất là gần nguồn nước sạch kênh Đông Củ Chi. Nước kênh Đông ra vào thường xuyên và đảm bảo được vệ sinh an toàn dịch bệnh. Thế nên, trong nhiều năm nay, chúng tôi không chỉ duy trì mà mở rộng sản xuất nhiều hơn nữa.
Kênh Đông còn tạo ra mạch nước ngầm phục vụ cho đời sống dân sinh và sản xuất công nghiệp, đa dạng môi trường tự nhiên cho các loài thủy hải sản sinh sôi. Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đam, công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước, phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh của thành phố.
Nhờ có công trình thủy lợi, thành phố đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất 5.000 m3/ngày đêm…
Băng ông Đam: Từ ngày mà công trình Kênh Đông Củ Chi được đầu tư xây dựng năm 1985 đến nay thì đã mang lại hiệu quả rất thiết thực cho bà con nông dân huyện Củ Chi. Nó góp phần thay đổi cái diện mạo nông thôn ngoại thành cũng như tiến trình xây dựng và phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Công trình kênh Đông cũng góp phần to lớn vào phục vụ đa mục tiêu và đặc biệt là khai thác tổng hợp nguồn nước để mà phục vụ phát triển dân sinh, kinh tế trên địa bàn thành phố.
Không chỉ là dòng nước tưới mát ruộng đồng, Kênh Đông Củ Chi còn là một “mạch nguồn” góp phần quan trọng trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đất thép. Từ khi có kênh, hệ thống thủy lợi nơi đây được quy hoạch bài bản, đồng ruộng được cơ giới hóa, sản xuất chuyển mình theo hướng hiện đại. Những con đường ven kênh được mở rộng, đổ bê tông, tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản. Cảnh quan hai bên dòng chảy cũng được chỉnh trang xanh sạch, khang trang hơn trước.
Nhờ đó, trách nhiệm bảo vệ kênh Đông của những người dân sống hai bên bờ kênh như bà Võ Thị Ánh và ông Nguyễn Văn Toán luôn ở mức rất cao. Họ không chỉ tuyệt đối không xả rác ra kênh mà còn góp sức dọn vệ sinh, trồng hoa ở hai bờ kênh để tô điểm cho tuyến kênh này thêm phần khoe sắc.
Băng bà Võ Ngọc Ánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM: Khi mà tụi này bắt đầu trồng hoa ở những tuyến kênh thì đi đến đâu cũng được người dân ủng hộ. Bờ kênh có bông, hoa thì khi người ta muốn giục rác thì cũng ngại tay nữa.
Băng ông Nguyễn Văn Toán, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM: Khi chăn nuôi thì mình đã xử lý nước thải qua hầm biogas để nước thải được xử lý. Còn rác thải sinh hoạt thì mình cũng làm theo hướng dẫn phân loại rác tại nguồn.
Nhờ dòng nước kênh Đông, Củ Chi hôm nay không chỉ có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, mà còn có những vườn lan, trại cá, mô hình nông nghiệp công nghệ cao… đang từng ngày làm nên diện mạo mới cho vùng quê anh hùng.
MC 1:
Thưa quý vị, từ dòng máu lửa của chiến tranh, Củ Chi giờ đây viết tiếp câu chuyện mới – một bản giao hưởng của đất, nước và con người. Kênh Đông không chỉ là công trình thủy lợi, mà là nhịp đập của một vùng đất, là hơi thở của nông nghiệp hiện đại, là minh chứng cho những gì con người có thể làm nên từ bàn tay và ý chí.
Có ai đó từng nói, muốn biết tương lai ra sao, hãy nhìn cách con người gìn giữ và nâng niu nguồn nước của mình. Và với Củ Chi - nơi có dòng kênh Đông lặng lẽ chảy qua bao mùa nắng hạn - tương lai ấy đang tươi sáng từng ngày…
Nhạc cắt:
MC 2:
Quý vị đang theo dõi chương trình thủy lợi và phát triển của NongnghiepRadio. Và ngay sau đây, sẽ là một số tin tức trong lĩnh vực thủy lợi, vừa diễn ra trên cả nước.
MC 1 - Tin 1: Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Dự án Hồ Thủy lợi Krông Pách thượng. Đây là hồ thuỷ lợi có sức chứa lớn nhất Đắk Lắk và có quy mô vốn lớn nhất vùng Tây Nguyên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, suy giảm nguồn nước, thiên tai, thời tiết cực đoan trở thành thách thức lớn đối với sinh kế bền vững của khu vực Tây Nguyên. Việc xây dựng công trình hồ chứa nước Krông Pách thượng có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.
MC 1 - Tin 2: Tại tỉnh Sóc Trăng, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 phối hợp với UBND tỉnh cũng mới tổ chức lễ khánh thành công trình cống âu thuyền Rạch Mọp. Đây là dự án cống thủy lợi lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, giúp kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu.
Ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc khánh thành đưa vào sử dụng cống âu thuyền Rạch Mọp có ý nghĩa to lớn trong việc ứng phó xâm nhập mặn, trữ ngọt bảo vệ hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu nước ngọt sinh hoạt của người dân mùa khô năm 2025. Cống âu thuyền Rạch Mọp đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát nguồn nước, ngăn triều cường và ứng phó với xâm nhập mặn.
MC 1 - Tin 3: Tại TP.HCM, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị TP.HCM cũng đã khởi công dự án nâng cấp công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn từ Tỉnh lộ 8 đến Rạch Tra (huyện Củ Chi). Dự án có tổng mức đầu tư gần 773,6 tỷ đồng, từ ngân sách, diện tích khoảng 3.054 ha, đi qua 2 xã Bình Mỹ và Hòa Phú. Mục tiêu dự án là phòng lũ, chống ngập úng, triều cường, hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp theo hướng đô thị, phát triển kinh tế - du lịch ven sông và nâng cao năng lực quản lý, cảnh báo thiên tai. Dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2027.
# Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình thủy lợi và phát triển ngày hôm nay của NongnghiepRadio. Xin chào và hẹn gặp lại quý vị thính giả trong số phát sóng tiếp theo.
Dòng kênh Đông và cuộc hồi sinh trên đất thép Củ Chi
Nhờ dòng nước ngọt lành từ kênh Đông Củ Chi, mảnh đất khô cằn vì bom đạn dần được hồi sinh, trở thành vùng nông nghiệp trù phú giữa lòng thành phố mang tên Bác.
Lê Bình
Tin liên quan
Các chương trình
Trung tâm Dịch vụ việc làm đang từng ngày khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động trên hành trình nghề nghiệp mới.
Từ nền tảng của những tháng đầu năm, lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật tự tin sẽ đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng trong kế hoạch quý II.