Hà Tĩnh: Giá thuốc tăng vùn vụt
Thời gian gần đây, giá thuốc chữa bệnh ở Hà Tĩnh đã tăng giá gần như đồng loạt, nhất là các loại thuốc nhập ngoại. Dân nghèo điêu đứng mỗi khi ốm đau xảy ra.
Dược sỹ Đào Viết Hương- Phó Giám đốc công ty CP Dược &Thiết bị y tế Hà Tĩnh cho biết, so với thời điểm trước 30/6, giá một số nguyên, phụ liệu sản xuất thuốc nhập vào tăng cao, thậm chí có loại tăng gần 100%. Ví dụ như mặt hàng nguyên liệu vitaminC tăng đến 96% so với thời điểm tháng 6/2008; paracetamol, nguyên liệu nhập vào cũng tăng 70-80%; các loại phụ liệu khác đều tăng trung bình 20-30% như màng nhôm dùng để sản xuất thuốc tăng 30%, giấy các-tông tăng 20%... Vì giá nguyên phụ liệu tăng cao, công ty đang trình xin tăng giá 20 mặt hàng do công ty sản xuất. Trong đó, một số mặt hàng sẽ tăng cao là: VitaminC 500mg từ 2.000đ lên 4.000đ/hộp; vitaminC 0,05g chai 100 viên nén, tăng từ 4.000 lên 7.000 đồng/chai; erythromycin 250g vỉ 10 viên tăng từ 4.000 đồng lên 7.000 đồng. Nhiều mặt hàng cung ứng (thuốc nhập từ các công ty dược ở địa phương khác hoặc nhập ngoại) cũng đã phải kê khai lại giá bán bởi các nhà cung cấp đã tăng giá cao so với giá kê khai trước đó.
Trên địa bàn Hà Tĩnh có 13 nhà thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh thì đến thời điểm này đã có 5 nhà thầu gửi báo cáo các mặt hàng đã trúng thầu hiện đang phải bán lỗ. Theo báo cáo mới nhất, hiện có tổng số 77 mặt hàng các nhà thầu đang phải bán lỗ so với giá đã trúng thầu. Tuy chưa có nhà thầu nào bỏ thầu nhưng trong thời gian ngắn tới, nguy cơ cung ứng chậm và cung ứng thiếu cho các cơ sở khám chữa bệnh là điều chắc chắn xảy ra, nếu UBND tỉnh không cho điều chỉnh giá kịp thời.
Đối với các loại thuốc không do các cơ sở sản xuất trên địa bàn sản xuất (thuốc nhập khẩu hoặc nhập từ các công ty dược ngoài tỉnh) hiện cũng có hàng trăm loại đã phải bán cao hơn giá kê khai. Đối với các loại mặt hàng này, các công ty dược đã kê khai lại giá bán gửi cơ quan y tế. Theo đó, hiện tại trên địa bàn Hà Tĩnh có 5 công ty dược phẩm đang thi nhau kê khai tăng giá liên tục trong đợt này. Cty TNHH dược phẩm Hoàng Nguyên có 3 mặt hàng tăng giá từ 13-17%. Công ty TNHH Hoàng Lan có 25 mặt hàng tăng giá, điển hình như Nitronmin 2.6mg, 21.000 đồng lên 31.000 đồng/hộp; Tramson 15g, từ 22.000 lên 27.000 đồng/tuýp. Cty TNHH dược phẩm Liên Hoa có 19 mặt hàng tăng giá, như: Phong tê thấp Bà Giằng từ 28.000 lên 35.900 đồng/hộp; Pacemin 462 đồng lên 750 đồng/vỉ, tăng 62%. Cty TNHH Thành Sen có 50 mặt hàng tăng giá, trong đó: VitaminC 500mg từ 2.200 đồng lên 3.500 đồng/vỉ, K-Zym, từ 70.000 lên 100.000 đồng/hộp, tăng 42,9%; Cere 5ml, từ 71.000 lên 81.000 đồng/ống. Cty CP Dược và thiết bị y tế Hà Tĩnh có 143 mặt hàng tăng giá: Thuốc ho long đờm, từ 45 đồng lên 72 đồng/viên, tăng 60%; Cloramphenicol 250g, từ 18.900 lên 31.500 đồng/lọ; Lincomycin 500mg từ 4.830 đồng lên 7.875 đồng/vỉ, tăng 63%; Methyldopa 250 mg từ 8.400 lên 15.700 đồng/vỉ, tăng 88%... Cty CP Dược và thiết bị y tế Thành Trung có 32 mặt hàng tăng giá: Illfixim 200mg, từ 19.500 đồng lên 25.000 đồng/viên, Carebrolysin 5ml, từ 42.000 đồng lên 52.450 đồng/ống...
Dễ hiểu khi các loại nguyên, phụ liệu nhập vào tăng giá, buộc các đơn vị sản xuất trình xin điều chỉnh giá; các loại thuốc nhập khẩu, nhập từ các đơn vị ngoài tỉnh tăng giá, cũng buộc các đơn vị phải bán tăng giá. Tuy nhiên, ngành Y tế và các ngành chức năng liên quan như Công an, QLTT Hà Tĩnh... cần phối hợp chặt chẽ và khẩn trương thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán thuốc cũng như niêm yết giá thuốc tại các quầy thuốc, cửa hàng, các công ty dược phẩm, tránh tình trạng các đơn vị này không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán không đúng giá niêm yết, bán thuốc cao hơn giá đã kê khai... gây thiệt hại cho người bệnh cũng như gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh.
Anh Bình
ảnh 6805,6806: Tăng chi phí đầu vào, nhiều mặt hàng do công ty Dược & thiết bị y tế Hà Tĩnh sản xuất đã phải trình xin tăng giá bán.
Khöng thay anh kem bai
ảnh đang gửi lại