| Hotline: 0983.970.780

Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết

Thứ Ba 10/05/2022 , 13:56 (GMT+7)

Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.

Gà bản Đầm Hà nổi tiếng thịt thơm ngon, thân tròn, cổ ngắn, lông sặc sỡ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà bản Đầm Hà nổi tiếng thịt thơm ngon, thân tròn, cổ ngắn, lông sặc sỡ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đầm Hà là huyện miền núi ven biển nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có nhiều đặc sản nổi tiếng như củ cải phên Đầm Hà, trứng vịt biển, ngan sao... trong đó, đặc biệt nhất là giống gà bản Đầm Hà nổi tiếng thịt thơm ngon, thân tròn, cổ ngắn, lông sặc sỡ, gà mái còn vừa có râu, vừa có mũ.

Gà bản Đầm Hà là giống gà bản địa của huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đang được anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền phục tráng và nhân giống thành công trong nhiều năm qua. 

Hiện nay, HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) là đơn vị nhân giống gà bản Đầm Hà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cung cấp gà giống đặc sản cho các hộ chăn nuôi toàn huyện.

Anh Tuyền cho biết, gà bản Đầm Hà được bà con dân tộc Hoa nuôi giữ giống từ nhiều đời, là sản vật nổi tiếng của địa phương, thơm ngon không kém giống gà Tiên Yên. Bởi vậy, để có được gà giống bố mẹ, anh Tuyền phải lặn lội lên tận các xã vùng cao như Quảng Lâm, Quảng An của huyện Đầm Hà, thậm chí vào tận các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thu gom. 

Tháng 5/2016, anh Tuyền vận động thêm một số hộ trong thôn, xã cùng thành lập HTX Tuyền Hiền, chuyên nuôi, nhân giống gà bản Đầm Hà và nuôi gà bản thương phẩm tạo thương hiệu cho giống gà đặc sản này.

Lúc mới thành lập HTX, anh Tuyền và các hộ chăn nuôi trong HTX Tuyền Hiền gặp nhiều khó khăn do đường xá, điện lưới phục vụ nuôi gà chưa được ổn định. Ngoài ra, mặt bằng để phục vụ cho việc chăn thả gà tự nhiên khi đó còn khá hạn hẹp. Nhưng chỉ một năm sau, HTX Tuyền Hiền đã giải quyết được các vấn đề trên, tạo điều kiện thuận lợi để bà con làm giàu từ nuôi giống gà bản địa có bộ lông sặc sỡ như khoác áo hoa này.

Trứng gà được khử trùng, bảo quản trước khi đưa vào máy ấp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trứng gà được khử trùng, bảo quản trước khi đưa vào máy ấp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Tuyền đã đứng ra liên kết với 80 hộ nuôi ở Đầm Hà nuôi gà bản, tạo thành chuỗi chăn nuôi theo hướng bán hoang dã và đứng ra bao tiêu tất cả số gà thương phẩm hiện nay cho bà con trên địa bàn, để người chăn nuôi yên tâm hơn vì có đầu ra ổn định. 

"Lúc đầu, khi tôi làm thụ tinh nhân tạo cho gà bản Đầm Hà, do còn ít kinh nghiệm nên tỷ lệ trứng ấp thành gà con chỉ đạt 50-60%, dẫn đến việc nhân giống, chọn giống gặp nhiều khó khăn. Phải mất khoảng 4 năm, tôi mới có thể làm chủ được việc thụ tinh nhân tạo, nhân giống, từ đó cung cấp giống gà bản Đầm Hà cho bà con chăn nuôi. Đến nay, tỷ lệ thành công khi thụ tinh nhân tạo gà bản Đầm Hà đạt trên 90%", anh Tuyền chia sẻ.

Để gà không bị nóng, anh Tuyền còn đầu tư máy lạnh vào khu vực nuôi gà ấp trứng, nhiệt độ ở bên trong nhà nuôi thấp hơn bên ngoài khoảng 10 độ C. Ngoài ra, khi gà trống được 75 - 90 ngày tuổi, anh sẽ thiến để gà cho chất lượng thịt cao hơn, da giòn, thịt ngọt thơm.

Anh Tuyền cho biết: "Khi gà bản Đầm Hà được công nhận thương hiệu tập thể, số người đăng ký mua gà giống rất đông, đến nay đã có khoảng 200 hộ nuôi từ 1.000 - 3.000 con/hộ. Hiện HTX đang sản xuất 3 loại gà giống là gà hoa mơ, gà râu và gà mũ. Đây đều là các giống gà đặc sản. Không chỉ cung cấp gà giống trong huyện, HTX đã mở rộng thị trường sang các địa phương khác như Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ..."

Trung bình mỗi năm, HTX Tuyền Hiền cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 - 250.000 con gà bản Đầm Hà giống. Gà thịt thương phẩm bán ra thị trường ước đạt 60 - 70 tấn một năm nhưng có lúc vẫn thiếu hàng.

Gà bản Đầm Hà giống được anh Tuyền bán với giá 16.000 đồng/con/1 ngày tuổi. Gà mái bán với giá 145.000 đồng/kg, còn gà trống thiến được bán với giá 170.000 đồng/kg.

Hệ thống chuồng gà được đầu tư máy móc tự động cung cấp thức ăn, nước uống. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hệ thống chuồng gà được đầu tư máy móc tự động cung cấp thức ăn, nước uống. Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Tuyền cho biết thêm, nhằm hỗ trợ bà con địa phương chăn nuôi giống gà bản địa này, anh không chỉ cung cấp con giống, tiêm phòng, cung cấp thức ăn mà còn bao tiêu đầu ra cho bà con. Khi bà con bán được gà thương phẩm, anh Tuyền mới thu chi phí từ các hộ tham gia HTX.

Ông Phạm Văn Vượng (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) tham gia HTX từ nhiều năm nay và đã mạnh dạn đầu tư nuôi 2.000 con gà. Gà được chăn thả bán tự nhiên trên đồi cây để có không gian thoải mái vận động, thức ăn cho gà gồm ngô, thóc và các loại rau. Với 2.000 gà nuôi gối vụ mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Hiện HTX Tuyền Hiền đã mở rộng quy mô đàn gà đẻ, nâng sản lượng gà giống để đảm bảo nguồn cung cấp gà giống trên thị trường. Bên cạnh đó là hệ thống chuồng úm gà có dây chuyền tự động đưa thức ăn, nước uống cho giống gà đặc sản.

Gà bản Đầm Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao của địa phương. Sản phẩm gà bản Đầm Hà không chỉ nổi tiếng ở nơi đây, mà còn được thiêu thụ tại nhiều chuỗi siêu thị, nhà hàng ở Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Hà Nội...

Tháng 6/2019, sản phẩm Gà bản Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Trước đây, nhiều hộ không dám nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa vì sợ không bán được, nhưng kể từ khi có nhãn hiệu Gà bản Đầm Hà đã thực sự giải tỏa nỗi lo của nhiều người chăn nuôi.

Xem thêm
Phát hiện bệnh dại, địa phương tổ chức truy bắt chó thả rông

QUẢNG NGÃI Sau khi phát hiện 2 con chó dương tính với bệnh dại, xã Ia Tơi (tỉnh Quảng Ngãi) đã hướng dẫn người dân tiêm phòng và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Nhãn chín sớm giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi chính vụ

HƯNG YÊN Tự chọn lọc được giống nhãn chín sớm hơn trà chính vụ khoảng 1 tháng, ông Đỗ bán được nhãn quả với giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi nhãn chính vụ.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất