Tiếng la hét, kêu cứu kinh động giữa đêm tại nhà bà Nga, chuyên bán cà phê sáng và điểm tâm sáng tại phường Tân Thuận, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh khiến những người hàng xóm bàng hoàng. Khi họ có mặt, chứng kiến cảnh tượng anh Trần Quốc Thuận nằm gục trong vũng máu, còn Phạm Thị Thanh Quyên (SN 1989, tại Đồng Tháp, chị họ Thuận) vẫn lăm lăm trên tay con dao.
Mọi người liền đưa anh Thuận đi bệnh viên nhưng trên đường đi, do vết thương quá năng nên nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng. Vì sao hai chị em Quyên lại xảy ra cảnh “tỷ đệ tương tàn” đau lòng đến như vậy?
Bi kịch Phạm Thị Thanh Quyên – Trần Quốc Thuận đứt tình chị em đã được làm rõ tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử bị cáo Quyên về tội “Giết người”.
Tại phiên tòa, Quyên khiến những người dự khán bàng hoàng khi khẳng định nguyên nhân sát hại em họ là vì lý do Thuận đi nhậu về khuya, nôn ói ra nhà nhưng không chịu dọn dẹp.
Chẳng những gây mất vệ sinh mà còn khiến mẹ Quyên dẫm lên, trượt ngã. Vì quá bực nên Quyên đã lao tới đâm một nhát trúng ngực Thuận tử vong... Ai cũng không khỏi ngạc nhiên trước cách xử sự vừa thiếu tình người, vừa trái pháp luật của bị cáo.
Theo bản cáo trạng được vị đại diện Viện kiểm sát công bố tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Thanh Quyên sinh ra trong một gia đình khá giải, được bố mẹ tạo điều kiện ăn học đầy đủ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Quyên thi đậu vào trường Đại học Tôn Đức Thắng và học ngành quản lý nhà hàng. Tương lai tươi sáng tưởng như đã trải dài trước mắt cô gái trẻ.
Vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng 16-5-2015, Quyên thức dậy chuẩn bị phụ dọn hàng ra cho bà Nga (mẹ Quyên) bán cà phê và điểm tâm sáng trước nhà KC42, phường Tân Thuận Tây, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.
Đang dọn dẹp trên nhà, Quyên nghe thấy mẹ và em Thuận đang đấu khẩu phía khu vực nhà vệ sinh chung. Quyên liền đến tìm hiểu sự việc, bà Nga cho biết bà bị trượt chân té ngã xuống sàn vì vô tình dẫm trúng “sản phẩm” do ai đó nôn ói đêm nhưng không dọn dẹp.
Chuyện rất nhỏ nhặt vậy cũng khiến Quyên nổi nóng. Quyên nghĩ đến việc đêm qua Thuận về rất khuya, chỉ có đi ăn nhậu mới như vậy nên Quyên khoanh vùng và kết luận Thuận là “nghi can số một” ói ra sàn khiến mẹ mình té ngã. Quyên quay sang chất vấn người em họ nhưng Thuận vẫn khẳng định mình không phải là “tác giả” gây bẩn sàn nhà.
Bị chị truy hỏi quá gắt nên Thuận cũng bực tức, vung tay đánh vào mặt Quyên khiến cô ngã xuống sàn. Lúc này Quyên nổi giận chạy ngay xuống bếp, chụp lấy con dao nhọn quay lên “hỏi tội” Thuận. Thuận cũng không vừa, khi quan sát thấy chị họ đã cầm dao trên tay, Thuận liền nhặt hai cục gạch lên phòng thủ. Hai bên đấu khẩu qua lại và thách thức đánh nhau.
Cả hai to tiếng cãi nhau, thấy vậy, bà Oanh (cô của Quyên) chạy ra can ngăn. Khi Thuận vừa bỏ hai cục gạch xuống, bất ngờ Quyên xông tới đâm một nhát trúng ngực.
Thấy Thuận trọng thương gục xuống đất, mọi người liền nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương quá nặng nên Thuận qua đời ngay trên đường đến bệnh viện. Nghe tin em họ tử vong, Quyên ra cơ quan công an tự thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Phạm Thị Thanh Quyên thuật lại việc mình giết em họ một cách lưu loát, không tỏ ra ăn năn hối hận. Chính vì Quyên là một người có học thức nên cách hành xử của bị cáo khiến những người dự khán ai cũng bất bình. Hơn thế nữa, bị cáo lại là phụ nữ nhưng rất hung hăng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, có thể bỏ qua nhưng bị cáo lại cố chấp, dùng bạo lực, đâm chết em họ để giải quyết vấn đề.
Vị thẩm phán chủ tọa phiên tọa xét hỏi: “Tại sao bị cáo chạy vào nhà lấy dao ra, mục đích của bị cáo là gì?” Quyên trả lời rất hùng hồn: “Bị cáo là phái yếu, Thuận là đàn ông khỏe mạnh, bị cáo sợ bị đánh nên chạy vào nhà lấy dao để phòng vệ”.
Vị thẩm phán phân tích: Tại sao không lấy thứ khác, mà lại lấy dao, bị cáo có biết dao rất nguy hiểm, là hung khí có thể giết chết người không? Cùng là người một nhà, lý ra phải đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, có gì mâu thuẫn thì cùng nhau tháo gỡ, hòa giải. Vậy mà chỉ vì một nghi ngờ không có căn cứ, mà bị cáo đã thực hiện hành vi giết người.
Vậy còn gì là tình người, tình nghĩa chị em trong nhà? Mặc dù người bị hại cũng có một phần lỗi nhưng bị cáo hãy thử đặt mình vào vị trí của những người trong gia đình bị hại, bị cáo sẽ thấy nỗi đau mất mát quá lớn này.
Người bị hại đang là người chồng, trụ cột, chỗ dựa cho cả gia đình. Bị cáo có bù đắp lại được mất mát đó không? Quyên vẫn biện minh, không chút hối hận: “Do bị hại liên tục chửi còn chỉ tay vào mặt bị cáo, trong lúc tức giận bị cáo không kìm chế được nên đã đâm Thuận.
Bác bỏ lý lẽ của bị cáo, vị chủ tọa phiên tòa cho rằng chỉ vì người bị hại cãi vã, chỉ tay vào mặt mà bị cáo đã giết người, nếu ai cũng hành xử như bị cáo thì còn đâu là tình người, còn đâu là luật pháp? Trong giây phút nói lời cuối cùng trước khi HĐXX vào nghị án, Quyên mới cúi đầu xin lỗi gia đình người em họ.
Cân nhắc tất cả các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Phạm Thị Thanh Quyên 16 năm tù về tôi “Giết người”. Vụ án đã kết thúc, nhưng để lại một bài học đắt giá cho mọi người, nhất là những ai đang có xích mích với người thân. Tuyệt đối không vì nóng giận nhất thời mà thực hiện hành vi trái pháp luật, cái giá phải trả sẽ luôn là rất đắt...