Dấu hỏi về năng lực quản lý?
Ngày 25/3/2025 UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 513/UBND-NNMT gửi đến các bên liên quan về việc “tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn”.

Còn buông lỏng trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản tại thủ phủ khoáng sản Quỳ Hợp. Ảnh: Ngọc Linh.
Qua kiểm tra tình hình thực tế UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) nhận thấy một số tổ chức, cá nhân thường lợi dụng đêm muộn, địa hình đồi núi phức tạp, ít người qua lại… để tổ chức khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Nổi cộm là khai thác, vận chuyển đá cảnh tại các xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Hạ Sơn, Văn Lợi, Châu Lộc, Liên Hợp (cũ); mót, vét quặng thiếc tại Suối Bắc của xã Châu Hồng và Châu Thành (cũ)…
Chính quyền địa phương thừa nhận gặp nhiều áp lực trong quản lý, giám sát. Dĩ nhiên, quan điểm trên nhận được sự “đồng thuận” của doanh nghiệp.

Nơi đâu trữ lượng khoáng sản lớn, ở đó đối diện với nguy cơ cao về khai thác trái phép. Ảnh: Ngọc Linh.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, đại diện Công ty Đại Phong thông tin, điểm mỏ nơi xảy ra sự cố có quy mô trên dưới 38 ha, được Công ty TNHH Chính Nghĩa nhượng lại năm 2023. Từ đó đến nay đơn vị cắt cử 2 bảo vệ thường xuyên túc trực, tuy nhiên phạm vi xung quanh có nhiều đường mòn lối mở nên không quán xuyên hết được. Qua nắm bắt nhận thấy dân chuyên mót, vét quặng không đi đường chính, ngược lại thường bám theo đường rừng vào buổi trưa, hoặc buổi tối nên khó phát giác. Biết sai, biết nguy hiểm nhưng người dân vẫn làm.
“Vị trí đó khuất người đi lại, ngày trước chúng tôi đã đổ xi-măng lấp đi rồi, tuy nhiên do nước thẩm thấu lâu ngày gây chảy xói nên miệng hang lại mở ra. Sau khi xảy ra sự việc chính quyền cấp xã đã đến hiện trường làm biên bản ghi nhận, sau đó cơ quan công an cũng tiến hành điều tra. Công ty đã hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng để thăm hỏi, lo ma chay”, phía Công ty Đại Phong xác nhận.
Trong diễn biến mới nhất, cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Đại Phong tiến hành lấp kín miệng hang nhằm tránh tái diễn sự cố tương tự. Điều đó cần nhưng chưa đủ, câu hỏi mà dư luận đặt ra là trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương?
Còn thực trạng khai thác khoáng sản tại xã Liên Hợp, cũng đã từng bị nêu tên vì để xảy ra vi phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản.Trước đó, tháng 11/2021, sau nhiều bận “phục kích”, đón lõng, Đoàn kiểm tra xử lý khoáng sản của xã Liên Hợp đã bắt quả tang ông Nguyễn Xuân Ngãi đang thực hiện hành vi khai thác trái phép. Đoàn đã lập biên bản và tạm giữ, niêm phong 1 máy xúc Komatsu 310 cùng 3 máy hơi không rõ nhãn hiệu.

Địa bàn xã Liên Hợp (cũ) ghi nhận những vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Việt Khánh.
Xét tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng. Không dừng lại ở đó, một số lãnh đạo và cán bộ chuyên môn xã Liên Hợp (cũ) phải nhận hình thức kỷ luật vì tắc trách trong công việc.
Doanh nghiệp hưởng lợi, dân hưởng ô nhiễm
Tình trạng khai thác trái phép chỉ là một mảng màu trong bức tranh khoáng sản còn lắm ngổn ngang khu vực Quỳ Hợp. Năm 2024, UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh và Đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tiến hành tổng cộng 45 cuộc kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản. Kết quả thực tế khiến nhiều người phải giật mình khi ghi nhận 33 tổ chức, cá nhân vi phạm, quy đổi số tiền phạt hành chính trên 6,5 tỷ đồng.
Ngày 2/10/2024, UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) nhận được báo cáo số 42/BC-THA của Công ty TNHH thiếc Hà An về việc “lưu lượng nước tăng cao, có màu sắc bất thường chảy từ hầm của công ty ra ngoài”. Sau khi tổ chức kiểm tra thực tế, huyện xác định tại vị trí cửa lò số 01 (có toạ độ x = 2146006, y = 534956) có nguồn nước tự chảy từ trong cửa hầm lò ra bên ngoài với lưu lượng lớn.
Nguồn nước có màu trắng đục, khi sử dụng giấy quỳ tím để kiểm tra cho thấy nước có hàm lượng axit cao (PH). Trước tình hình trên, UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp cận hầm lò kiểm tra nhưng không phát hiện đnguồn nước bắt nguồn từ đâu, đồng nghĩa chưa thể kết luận do hoạt động khai thác, hay chế biến khoáng sản gây ra.

Người dân xã Châu Hồng (cũ) phản ánh, quá trình khai thác khoáng sản, đặc biệt là quặng thiếc khiến nhiều nhà bị sụt lún, mất nước sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Linh.
Nhận thấy nếu để sự việc tiếp diễn sẽ gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng, UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) đã tiến hành lấy mẫu nước gửi đến Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường để phân tích, kết quả cho thấy nguồn nước có nồng độ a xít cao.
Nghi ngờ nguồn nước bất thường tự chảy từ trong hầm lò của Công ty Thiếc Hà An ra môi trường có liên quan đến Công ty TNHH MTV Kim loại màu Nghệ Tĩnh, UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để xử lý dứt điểm.
Ngày 12/11/2024, Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh do Sở TN-MT tỉnh Nghệ An chủ trì đã tiến hành kiểm tra thực tế. Nhưng từ bấy đến nay đã hơn nửa năm, mọi thứ vẫn chưa có kết quả công bố kết quả cuối cùng?.
Được biết, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Nghệ Tĩnh và Công ty TNHH Thiếc Hà An là 2 đơn vị khai thác quặng thiếc “có tiếng” trên đất Quỳ Hợp, vốn là loại hình gây ra nhiều ám ảnh nhất cho người dân bản địa.
Danh sách vi phạm nối dài dằng dặc, góp mặt đầy đủ những “anh tài” hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, tiêu biểu có thể kể đến: Công ty CP Khoáng sản Á Châu (phạt 220 triệu đồng), Công ty CP An Sơn (90 triệu), Công ty TNHH Thiếc Hà An (250 triệu), Công ty CP Phương Huy Store (110 triệu), Công ty TNHH Chính Nghĩa (167 triệu), Công ty CP Khoáng sản Ricod-MDC4 (496 triệu), Công ty CP Đá Châu Á (310 triệu), Công ty CP Khoáng sản Trung nguyên Nghệ An (510 triệu)…