Chuyển giai đoạn, duy trì chất lượng và chiều sâu
Sau sáp nhập địa giới hành chính, Đồng Nai hiện có 72 xã thuộc khu vực nông thôn. Tính đến cuối năm 2025, 67 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương hơn 93% tổng số xã, trong đó có 25 xã đạt chuẩn nâng cao và 8 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Kết quả này giúp Đồng Nai tiếp tục duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai, đây là thành quả của quá trình nhiều năm đầu tư có trọng tâm, với hệ thống hạ tầng cơ bản đồng bộ, các tiêu chí thu nhập, văn hóa, môi trường và tổ chức sản xuất đạt mức cao. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Trung ương, giai đoạn 2021-2025 tạm dừng xét công nhận xã đạt chuẩn mới. Do đó, việc mở rộng số xã đạt chuẩn được dồn lực cho giai đoạn sau 2025.

Với khẩu hiệu "Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới", nhiều vùng quê tại Đồng Nai đã thật sự "lột xác", nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Ảnh: Lê Bình.
Hiện, Đồng Nai đang rà soát toàn bộ 67 xã đã đạt chuẩn, đối chiếu với bộ tiêu chí giai đoạn mới để cập nhật tình trạng và phân loại theo mức độ đạt chuẩn. Bước đầu, có khoảng 7 xã đủ điều kiện nâng cấp lên chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2026. Các địa phương này bao gồm: Xuân Lộc, Dầu Giây, Định Quán, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Đồng Phú và Lộc Ninh. Đây là những xã có nhiều lợi thế khi được hợp nhất từ các xã từng đạt chuẩn giai đoạn trước, có hạ tầng tốt, đời sống người dân cao và thiết chế văn hóa - giáo dục khá hoàn chỉnh.
Đồng Nai cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ các xã này tiếp cận sớm bộ tiêu chí nâng cao theo hướng mới. Một số địa phương đang hoàn thiện hồ sơ, củng cố thêm các tiêu chí còn yếu như chuyển đổi số, phát triển sản phẩm đặc trưng, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất theo chuỗi. Dự kiến trong năm 2026, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 5 xã được công nhận đạt chuẩn nâng cao theo bộ tiêu chí mới.
Song song đó, Đồng Nai tiếp tục củng cố chất lượng ở các xã đã đạt chuẩn, đảm bảo không có xã bị xuống hạng. Việc duy trì ổn định số lượng đi kèm nâng cao chất lượng là nền tảng để tỉnh bước vào giai đoạn mới với bước đi vững chắc hơn.

Các mô hình kinh tế tập thể về nông - lâm - thủy sản tại Đồng Nai cũng đi vào hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Ảnh: Lê Bình.
Tỉnh cũng đang phát triển mạnh chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến giữa năm 2025, toàn tỉnh có 298 sản phẩm OCOP, trong đó có 50 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao - vượt 295% chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 và 8 sản phẩm đạt 5 sao, nhiều sản phẩm khác có tiềm năng 5 sao. Đây là kết quả của sự kết nối chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, cũng như nỗ lực đưa sản phẩm nông thôn lên nền tảng số, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu.
Đồng Nai cũng hình thành 299 chuỗi liên kết, kết nối 117 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã và gần 15.000 hộ dân. Nhờ vậy, giá trị sản lượng nông - lâm - thủy sản liên kết chuỗi đã chiếm hơn 51,7% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở nhiều xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đều đạt hơn 90 triệu đồng/người/năm, thậm chí có xã đạt hơn 100 triệu đồng/người/năm.
Mục tiêu 90% xã đạt chuẩn, 10% hướng tới hiện đại
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Đồng Nai mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh: tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tính lũy kế), ít nhất 50% xã đạt chuẩn nâng cao và 10% đạt chuẩn theo hướng “nông thôn hiện đại”.
Chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên nền tảng đã có, đồng thời bám sát hướng dẫn từ Trung ương. Nếu đạt được, Đồng Nai không chỉ duy trì vị thế một trong những tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn cao nhất cả nước mà còn thể hiện nỗ lực nâng chuẩn, nâng chất trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng Nai cũng hướng đến mục tiêu có 10% số xã phát triển theo hướng nông thôn hiện đại - một bước nâng chất so với tiêu chí kiểu mẫu hiện nay, theo định hướng của Trung ương trong các dự thảo chính sách mới. Đây là mô hình hướng đến việc hoàn thiện toàn diện các nhóm tiêu chí: phát triển sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ số, nâng cao thu nhập, đồng thời xây dựng môi trường sống xanh, văn hóa, an toàn và hài hòa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, tỉnh đang xây dựng kế hoạch phân loại xã theo mức độ đạt chuẩn để có lộ trình hỗ trợ phù hợp. Việc đầu tư sẽ tập trung theo hướng “điểm - lan tỏa”, không dàn trải, ưu tiên các xã có khả năng làm mẫu trong từng lĩnh vực như chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường hoặc an sinh xã hội.

Trường Tiểu học và THCS bán trú Huỳnh Văn Nghệ (xã Xuân Lộc) là một trong rất nhiều công trình được huy động 100% xã hội hóa nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lê Bình.
Cùng với mục tiêu nâng số lượng xã đạt chuẩn, tỉnh Đồng Nai tiếp tục duy trì quan điểm lấy chất lượng làm trọng tâm, trong đó chú trọng đến các tiêu chí về thu nhập, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, cảnh quan môi trường và chuyển đổi số ở nông thôn.
Từ nền tảng đã xây dựng trong giai đoạn trước, nhiều địa phương đang từng bước chuyển dịch sang cách làm mới, bền vững hơn. Trong đó, các xã có thế mạnh về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoặc dịch vụ nông thôn đang được khuyến khích phát triển mô hình OCOP, kinh tế hợp tác và các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Một số địa phương đã thử nghiệm các nền tảng quản lý hành chính, y tế, giáo dục trực tuyến nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Việc giữ vững thành quả đạt được trong giai đoạn 2010-2025 và đặt ra mục tiêu cao cho giai đoạn tiếp theo cho thấy quyết tâm của Đồng Nai trong việc xây dựng nông thôn mới không chỉ là phong trào, mà là một hành trình phát triển bền vững, với người dân là trung tâm và được hưởng lợi trực tiếp.