Việc phát triển chương trình OCOP tại Ninh Bình đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và là nỗ lực phát huy di sản văn hóa.
Tại đây, Hợp tác xã Sinh Dược được biết đến với các sản phẩm chế tác tinh xảo từ lá cây bồ đề, đặc biệt là sản phẩm tranh lá đạt OCOP 4 sao. Các sản phẩm đặc trưng ấy mang biểu tượng linh thiêng của Phật giáo, từng bước giới thiệu đến bạn bè quốc tế như một dấu ấn của vùng đất cố đô.
Biến chiếc lá thành biểu tượng văn hóa
Chị Trịnh Thị Lý, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Sinh Dược, chia sẻ về quá trình thực hiện bởi các nghệ nhân: "Những chiếc lá bồ đề xanh mướt thu hái từ vùng Bái Đính và Tràng An, sẽ được ngâm trong nước trắng suốt 1 đến 2 tháng để thịt lá từ từ phân rã, chỉ còn lại phần xương lá mỏng. Từng bước một, các nghệ nhân sẽ khéo léo trải những phần thịt lá còn sót lại, tỉ mẩn nhuộm màu và ghép nối thành những bức tranh tinh xảo".

Những chiếc lá bồ đề sặc sỡ mang sự kết tinh giữa kỹ thuật thủ công truyền thống và giá trị tinh thần. Ảnh: Trần Văn.
Qua bàn tay tài hoa và tỉ mỉ, những chiếc lá bồ đề được biến hóa thành những tác phẩm tranh thêu, tranh ghép có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao. Những chiếc lá tưởng chừng đơn sơ đã trở thành chất liệu nghệ thuật, làm nên sản phẩm không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế.
Chị Lý chia sẻ, cây bồ đề được xem là linh thiêng trong đạo Phật bởi hơn nghìn năm trước, Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền tịnh dưới gốc cây bồ đề suốt 49 ngày để đạt được giác ngộ. Với chiều sâu văn hóa ấy, Hợp tác xã Sinh Dược đã quyết tâm kết nối du lịch gắn với bản sắc đặc trưng.
"Cây bồ đề là biểu tượng của sự giác ngộ và là cả linh hồn của từng sản phẩm chúng tôi", chị Lý nhấn mạnh. "Mỗi chiếc lá, mỗi bức tranh như một lời ngợi ca sự sống, sự thanh tịnh và ý nghĩa sâu sắc của cây bồ đề trong đạo Phật".
Tại Việt Nam, Phật giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống tâm linh, những sản phẩm từ lá bồ đề luôn được đông đảo khách hàng trong nước yêu thích, khách nước ngoài ngưỡng mộ.

Mỗi bức tranh không đơn thuần là sản phẩm thủ công, mà còn là câu chuyện gắn kết giữa con người và thiên nhiên, giữa tâm hồn và cuộc sống. Ảnh: Trần Văn.
Theo ông Trương Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình, chương trình OCOP được triển khai tại Ninh Bình từ năm 2018, mở ra một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp nông thôn.
Nếu trước đây, sản xuất nông sản tại địa phương chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân và chưa chú trọng đến giá trị gia tăng sản phẩm, thì nay với OCOP, tư duy này đã thay đổi. OCOP không chỉ giúp sản phẩm nông sản trở thành "hàng hóa" mà còn là "bản sắc", là "tự hào của quê hương", được chuẩn hóa về chất lượng, mẫu mã bao bì, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu và có thị trường rõ ràng.
Sáng tạo gắn với du lịch và trải nghiệm
Một điểm đáng chú ý là toàn bộ kỹ thuật chế tác sản phẩm từ lá bồ đề đều do chính các thành viên của Hợp tác xã Sinh Dược nghiên cứu và hoàn thiện. Họ cũng sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao quy trình cho các đơn vị khác hoặc đón tiếp những người quan tâm đến học tập, giao lưu kinh nghiệm. Điều đó thể hiện tinh thần cởi mở, sẻ chia và mong muốn nhân rộng những giá trị tốt đẹp mà OCOP mang lại.

Hợp tác xã Sinh Dược đang mở rộng các sản phẩm từ lá bồ đề cho du khách trải nghiệm như: viết thư pháp, thêu tranh trên xương lá. Ảnh: Trần Văn.
Hợp tác xã Sinh Dược là mô hình kinh tế cộng đồng đặc biệt, nơi những người yếu thế, những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường lao động, vẫn có thể tham gia đóng góp công sức, tạo ra giá trị gia tăng ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ông Bảo cho biết thêm, không dừng lại ở sản xuất thương mại, Hợp tác xã Sinh Dược còn hướng đến mục tiêu quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Khi một sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao, chính quyền tỉnh Ninh Bình khuyến khích sử dụng những sản phẩm này làm quà tặng trong các dịp đối ngoại quan trọng. Đây là cách để OCOP giữ vai trò là “sứ giả văn hóa” của địa phương.

Hợp tác xã Sinh Dược còn được biết đến với các sản phẩm chiết xuất tinh dầu từ vùng nguyên liệu tại xã Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Trần Văn.
Phần lớn các sản phẩm OCOP tại Ninh Bình sau khi được công nhận đều có sự tăng trưởng rõ rệt về doanh thu và giá trị. Tỉnh được Trung ương ghi nhận là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình OCOP trên cả nước với gần 6% số lượng sản phẩm của cả nước và là địa phương đầu tiên của cả nước có sản phẩm OCOP 5 sao về du lịch nông thôn.
Sau gần 7 năm triển khai chương trình OCOP, tỉnh Ninh Bình có 980 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 3 sản phẩm đạt 5 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 152 sản phẩm đạt 4 sao và 824 sản phẩm đạt 3 sao).
Ngoài tranh lá Bồ Đề là sản phẩm đạt OCOP 4 sao của tỉnh, Hợp tác xã Sinh Dược còn ghi nhận thêm sản phẩm: muối ngâm chân Sinh Dược, trà An Thái (trà từ cây Kim Ngân).