| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm phát triển OCOP đến các nước châu Phi

Thứ Tư 16/07/2025 , 19:39 (GMT+7)

Ngày 16/7, Bộ trưởng và lãnh đạo Nông nghiệp các nước châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương đã đến thăm mô hình OCOP tại tỉnh Ninh Bình.

Chuyến thăm thực địa nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức. Đây là đoàn công tác cấp cao thứ hai của FAO làm việc tại tỉnh, sau chuyến thăm của Tổng Giám đốc Khuất Đông Ngọc hồi tháng 2.

Bộ trưởng và lãnh đạo Nông nghiệp các nước châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương thăm và làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Trần Văn.

Bộ trưởng và lãnh đạo Nông nghiệp các nước châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương thăm và làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Trần Văn.

Theo ông Trương Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình, sau hơn 6 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Ninh Bình có 980 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó trên 80% là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm. Phần lớn các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều có sự tăng trưởng rõ rệt về doanh thu và giá trị, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nông thôn, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho người dân.

Nhân dịp này, tỉnh Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai chương trình OCOP tại địa phương, đồng thời giới thiệu những định hướng chiến lược nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Theo ông Trương Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình, đây là địa phương đầu tiên của cả nước có sản phẩm OCOP 5 sao về du lịch nông thôn (sản phẩm Ecohost - Hải Hậu). Ảnh: Trần Văn.

Theo ông Trương Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình, đây là địa phương đầu tiên của cả nước có sản phẩm OCOP 5 sao về du lịch nông thôn (sản phẩm Ecohost - Hải Hậu). Ảnh: Trần Văn.

“Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn đưa chương trình OCOP trở thành một phong trào toàn cầu, gắn kết chặt chẽ với di sản văn hóa, bản sắc đặc trưng của từng vùng miền và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), khẳng định. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Ninh Bình xác định Chương trình OCOP tiếp tục là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiện đại và bền vững. 

“Các sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ được phát triển theo chuỗi giá trị, gắn với di sản văn hóa và điều kiện đặc thù của từng địa phương. Chúng ta cần xem mỗi sản phẩm OCOP là một ‘sứ giả’ văn hóa, không chỉ mang theo giá trị kinh tế mà còn lan tỏa bản sắc, truyền thống, tinh hoa của vùng đất và con người Ninh Bình đến với cộng đồng, thị trường trong nước và quốc tế”, ông Bảo chia sẻ.

Đoàn công tác của các nước châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương đến thăm HTX Sinh Dược. Ảnh: Trần Văn.

Đoàn công tác của các nước châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương đến thăm HTX Sinh Dược. Ảnh: Trần Văn.

Bên cạnh việc đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tham gia hội chợ, triển lãm, các sự kiện lớn cũng như đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Tỉnh cũng đang tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính để hỗ trợ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, thúc đẩy liên kết sản xuất – phân phối. Đồng thời, ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng OCOP xanh, gắn với kinh tế tuần hoàn và vùng nguyên liệu ổn định. 

Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm sẽ được thực hiện thường xuyên, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và kịp thời xử lý các vi phạm, góp phần giữ vững niềm tin người tiêu dùng và nâng cao uy tín của Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol bày tỏ ấn tượng trước những sản phẩm OCOP của Ninh Bình. Ảnh: Trần Văn.

Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol bày tỏ ấn tượng trước những sản phẩm OCOP của Ninh Bình. Ảnh: Trần Văn.

Theo Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol, Việt Nam đã và đang có nhiều bài học giá trị thông qua OCOP từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đến xây dựng thương hiệu gắn liền với yếu tố bản sắc văn hóa và di sản.

“Chuyến thăm lần này là một sự kiện mang tính lịch sử khi các đại biểu quốc tế cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy các sáng kiến OCOP", bà Beth Bechdol nhấn mạnh. “Chúng tôi có rất nhiều điều để học hỏi từ Việt Nam, và hôm nay tại Ninh Bình, chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu cách phát triển các sản phẩm OCOP. Mỗi sản phẩm nơi đây đều phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa, tín ngưỡng và niềm tự hào của người dân địa phương.”

Phó Tổng Giám đốc FAO cho biết thêm, các nhà lãnh đạo châu Phi đang tập trung tăng năng suất cho các loại cây trồng chiến lược như đậu tương, lúa gạo, chuối, kiwi và chà. Phía FAO chia sẻ cam kết chung trong việc nâng cao năng suất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc môi trường, và từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho các nước đối tác.

Xem thêm
Thủ tướng cho ý kiến về hai dự án luật quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ, cho ý kiến về Luật Phòng chống ma túy, Luật Thương mại điện tử và một số đề án trọng điểm.

Bình luận mới nhất