Những "cú hích" từ hội chợ, triển lãm
Ngay say khi sáp nhập, khu vực vỉa hè đường Trần Phú và vườn hoa Kim Đồng, TP Hải Phòng, bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường bởi các hội chợ giới thiệu sản phẩm truyền thống và ẩm thực Hải Phòng.
Hơn 40 gian hàng được dựng lên san sát, trưng bày hàng trăm sản phẩm, từ những chai nước mắm cốt đậm đà của Cát Hải, những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đến các sản phẩm nông sản chế biến, đồ uống đặc trưng của vùng đất Hải Phòng mới.

Hội chợ giới thiệu sản phẩm truyền thống và ẩm thực được tổ chức ngay sau khi sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương để quảng bá cho những sản vật của TP Hải Phòng mới. Ảnh: Đinh Mười.
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại thứ hai, nối tiếp “Tuần hàng vải thiều Thanh Hà” trước đó, nhằm chào mừng sự kiện lịch sử sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Tuy nhiên, vượt ra ngoài ý nghĩa của một sự kiện chào mừng đơn thuần, hội chợ kéo dài tới 3 ngày để mở ra những cơ hội và định hình cho bản sắc “kinh tế đặc sản” chung cho siêu đô thị mới.
"Nếu Hải Phòng nổi tiếng với thế mạnh về thủy hải sản, nước mắm, đồ biển, gạo hữu cơ,... thì Hải Dương lại là thủ phủ của những sản vật đồng bằng trù phú như vải thiều Thanh Hà, bánh đậu xanh, các loại nông sản,... Sự kết hợp này tạo ra một danh mục sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống đa dạng và phong phú".
Ông Lê Ngọc Lân - Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng khẳng định, Hải Phòng mới không chỉ nổi tiếng với những thành tựu kinh tế, mà còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Hội chợ lần này là dịp để quảng bá, giới thiệu những giá trị ấy đến với đông đảo nhân dân và du khách, đồng thời là cầu nối giao thương, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng nội địa, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững và sáng tạo.
Về bản chất, những hội chợ như thế này không chỉ là nơi bán lẻ hàng hóa mà còn đóng vai trò như một “phòng trưng bày” sống động, một sàn diễn để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ “chào hàng” trực tiếp với thị trường. Đây là cơ hội để một chai tương ớt thủ công, một túi trà dược liệu hay một sản phẩm giò chả OCOP được người tiêu dùng biết đến, nếm thử và phản hồi. Đối với các nhà quản lý, đây là dịp để rà soát, đánh giá thực chất sức sống của các sản phẩm địa phương.
Hơn thế nữa, đây còn là một hoạt động xúc tiến đầu tư thầm lặng nhưng hiệu quả. Một nhà phân phối, một chủ chuỗi siêu thị hay một nhà đầu tư có thể đi dạo một vòng hội chợ và ngay lập tức có được một cái nhìn tổng quan về tiềm năng của ngành công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng của cả vùng. Họ có thể phát hiện ra những “viên ngọc thô”, hay những sản phẩm chất lượng cao nhưng còn thiếu vốn, công nghệ để vươn xa. Sau sự kiện, có thể một hợ tác xã hoặc một doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi, từ một gian hàng nhỏ, một cơ hội hợp tác, đầu tư lớn có thể được mở ra.

Các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hải Phòng thường xuyên được quảng bá, xúc tiến nhưng hiệu quả vẫn khiêm tốn, chưa thể bứt phá. Ảnh: Đinh Mười.
Để giấc mơ vào siêu thị và bàn tiệc quốc tế thành hiện thực
Nhìn từ thực tiễn, rõ ràng không thể phủ nhận hiệu quả tích cực và cần thiết của những hội chợ giới thiệu sản phẩm truyền thống đã tạo ra không khí lễ hội, kích cầu tiêu dùng, mang lại doanh thu trực tiếp và niềm tự hào cho các chủ thể sản xuất. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những hội chợ mang tính thời điểm, “kinh tế đặc sản” của Hải Phòng sẽ khó có thể phát triển bền vững. Bài toán lớn nhất có lẽ là làm thế nào để đưa sản phẩm từ không gian của một hội chợ 3 ngày vào không gian của những kệ siêu thị 365 ngày và xa hơn là những container hàng xuất khẩu?
Câu trả lời nằm ở việc giải quyết những “điểm nghẽn” cố hữu khi vùng Hải Phòng - Hải Dương có hàng trăm sản phẩm được chứng nhận OCOP, nhưng phần lớn vẫn đang loay hoay trong “vòng kim cô” của sản xuất nhỏ lẻ. Chất lượng sản phẩm có thể rất tốt, nhưng bao bì còn đơn điệu, năng lực sản xuất hạn chế, thiếu các chứng nhận quốc tế, và đặc biệt là chưa xây dựng được câu chuyện thương hiệu đủ sức hấp dẫn.
Theo chị Nguyễn Thị Hà - Giám đốc HTX Đầu tư Phát triển Sông Giá, một năm hợp tác xã trồng được khoảng 3,5 vụ dưa, xoay quanh trên dưới 10 giống dưa khác nhau, trong đó có giống dưa Kim hoàng hậu của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Dưa được trồng theo kỹ thuật, công nghệ cao, sản phẩm dưa ó kiểm định tồn dư, truy vết, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được khách hàng ưa thích mỗi năm thu về hàng tỷ đồng và nhiều đối tác nước ngoài ngỏ ý hợp tác đầu tư để xuất khẩu với giá trị cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, do diện tích đất đai có hạn, quy mô còn nhỏ, mỗi vụ dưa chỉ thu được khoảng 10 tấn, không đảm bảo cung cấp cho các đơn hàng lớn nên không dám nhận lời.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hà cũng là thực trạng chung, khi nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mang tư duy “sản xuất hội chợ” tức là chỉ chuẩn bị một lượng hàng vừa đủ để bán trong vài ngày sự kiện, thay vì tư duy “sản xuất công nghiệp” với kế hoạch dài hạn, chuỗi cung ứng ổn định và quy trình quản lý chất lượng đồng bộ.

Nhiều nông sản của Hải Phòng chưa thể vào kệ các siêu thị lớn dù chất lượng đảm bảo do sản lượng chưa ổn định hoặc một vài yếu tố khác. Ảnh: Đinh Mười.
Bên cạnh đó, việc đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về mã vạch, hóa đơn VAT, hồ sơ công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, rồi sản lượng ổn định,... điều này không phải cơ sở nhỏ nào cũng đáp ứng được. Do đó, hiệu quả của những hội chợ như thế này cần được đo đếm không chỉ bằng doanh thu bán hàng tại chỗ, mà bằng số lượng hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết sau đó và là điểm khởi đầu cho một quá trình hỗ trợ, nâng cấp dài hơi hơn.
Để giải quyết bài toán này, vai trò của các cơ quan quản lý như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường là cực kỳ quan trọng. Theo kế hoạch, sau chương trình này, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động như “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Hồng”,... Đây là một lộ trình cần thiết, nhưng cần được bổ sung thêm các giải pháp mang tính chiến lược.
Tuy nhiên, để các hoạt động có hiệu quả cao, thực chất hơn, thành phố cần xem xét xây dựng một hoặc vài trung tâm OCOP và đặc sản chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên như một “đại siêu thị” đặc sản. Tại đây không chỉ trưng bày, bán sản phẩm mà còn là nơi tư vấn về thiết kế bao bì, hỗ trợ pháp lý, đào tạo về marketing và là địa điểm gặp gỡ thường xuyên giữa nhà sản xuất và các đơn vị thu mua lớn.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể, hấp dẫn, nhắm thẳng vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản và nâng cấp các cơ sở OCOP. Cần có những cơ chế để kết nối giữa các hộ sản xuất có sản phẩm tốt và các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị.
Cuối cùng, sau khi sáp nhập, việc xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu chung cho “Đặc sản Hải Phòng - Hải Dương” là một trong những điều cần làm đầu tiên, cùng với đó là chiến lược marketing tổng thể, chuyên nghiệp để quảng bá bộ thương hiệu này trên các nền tảng số và tại các hội chợ quốc tế, để thế giới biết đến một vùng đất không chỉ có cảng biển, công nghiệp mà còn có một nền ẩm thực và những sản vật tinh hoa, độc đáo.
"Để các sản phẩm OCOP vươn xa hơn nữa, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần tích cực tổ chức và hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn quốc; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại; đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử", ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc HTX sản xuất mật ong Tùng Hằng (có sản phẩm OCOP 4 sao) chia sẻ.