Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp được nâng tầm
Những năm qua TP Hải Phòng luôn dành sự quan tâm và nguồn lực để hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cấp sản phẩm lên chuẩn 4 sao và hướng đến 5 sao. Đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, hỗ trợ họ hoàn thiện tiêu chuẩn, mẫu mã để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Sản phẩm OCOP "Gạo ruộng rươi" được người tiêu dùng ưa thích dù giá cao hơn hẳn so với gạo thường. Ảnh: Đinh Mười.
Đến nay, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố đã đánh giá 384 sản phẩm, cấp giấy chứng nhận cho 379 sản phẩm, trong đó có 124 sản phẩm 4 sao, 255 sản phẩm 3 sao. Số sản phẩm OCOP còn hiệu lực là 258, gồm có 82 sản phẩm 4 sao, 176 sản phẩm 3 sao; số sản phẩm đánh giá lại là 56 sản phẩm; số sản phẩm hết hiệu lực là 65 sản phẩm.
Thực tế hiện nay cho thấy, chương trình OCOP không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cánh cửa thị trường rộng lớn. Các sản phẩm OCOP Hải Phòng đã tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ lớn cấp thành phố và quốc gia. Sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương các cấp trong việc kết nối với các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ghé thăm các siêu thị lớn tại trung tâm thành phố Hải Phòng, không khó để bắt gặp một khu vực riêng dành cho sản phẩm OCOP của địa phương này. Những chai nước mắm nhãn mác hiện đại, những gói thủy sản khô được đóng gói đẹp mắt, những chai mật ong rừng ngập mặn, những túi gạo ruộng rươi hay lọ mắm tôm đặc trưng Đất Cảng.... Tất cả đều được trưng bày trang trọng, thu hút ánh nhìn.
“Trước đây tôi ít quan tâm đến các sản phẩm địa phương. Nhưng từ khi có chương trình OCOP, thấy sản phẩm được trưng bày đẹp, có logo rõ ràng, thông tin đầy đủ, tôi bắt đầu mua dùng thử. Thật bất ngờ vì chất lượng rất tốt, hương vị đặc trưng mà lại yên tâm về ATTP. Nước mắm Cát Hải OCOP, ruốc tôm, hay một số loại mắm tôm giờ là những sản phẩm không thể thiếu trong bếp nhà tôi”, chị Trần Thị Mai, một người tiêu dùng tại quận Lê Chân cho biết.

Anh Vũ Văn Lương - Chủ sở hữu sản phẩm OCOP "Đông trùng hạ thảo" tại xã An Đồng, huyện An Dương hối hả đóng gói sản phẩm để kịp gửi cho khách hàng. Ảnh: Đinh Mười.
Không chỉ dừng lại ở các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong nước, một số sản phẩm OCOP tiềm năng của Hải Phòng đang từng bước tiếp cận các thị trường ngách, thậm chí là hướng tới xuất khẩu. Dù tỷ lệ chế biến sâu còn hạn chế (khoảng 30% các sản phẩm xuất khẩu), nhưng với sự đầu tư vào công nghệ và quy trình chuẩn, mục tiêu đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Đất Cảng ra "biển lớn" là hoàn toàn khả thi.
Ông Vũ Văn Lương - Chủ cơ sở sản xuất sản phẩm Đông trùng hạ thảo tại quận An Dương cho biết, trước đây, sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu bán cho người quen hoặc các mối truyền thống. Từ khi tham gia OCOP, địa phương hỗ trợ về tập huấn quy trình sản xuất chuẩn, đầu tư thiết bị hiện đại hơn, đặc biệt là được hướng dẫn làm hồ sơ chứng nhận ATTP, rồi HACCP, giá trị sản phẩm thay đổi hẳn.
Nhờ có chứng nhận OCOP, các kênh bán hàng mới, sự hỗ trợ của các phòng ban, đơn vị và các tiêu chuẩn chất lượng khác, sản phẩm được ưa chuộng, có mặt trong các siêu thị lớn, thậm chí được đưa vào giới thiệu tại một số siêu thị, khách sạn cao cấp tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận để chào bán.
“Việc áp dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc cũng là một bước tiến quan trọng, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về sản phẩm từ vùng nguyên liệu đến quy trình sản xuất. Khách hàng quét mã QR trên bao bì sản phẩm OCOP của chúng tôi có thể xem được thông tin về sản phẩm, ngày sản xuất, các chứng nhận chất lượng. Sự minh bạch này khiến họ tin tưởng hơn rất nhiều”, ông Vũ Văn Lương chia sẻ thêm.
Chất lượng là yếu tố sống còn
Theo ông Nguyễn Văn Hoãn - Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng), việc xúc tiến, quảng bá các sản phẩm OCOP được quan tâm, chú trọng. Hàng năm, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị kết nối, xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của thành phố.

Các sản phẩm OCOP của Hải Phòng ngày càng phong phú về số lượng và được nâng cao về chất lượng. Ảnh: Đinh Mười.
Xác định chất lượng là yếu tố sống còn của sản phẩm OCOP, các đơn vị liên quan đã chú trọng hỗ trợ các chủ thể áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000. Tính đến nay, đã có 18 cơ sở chế biến được cấp chứng nhận ISO 22000, HACCP. Điều này không chỉ giúp sản phẩm của chúng ta cạnh tranh tốt hơn mà còn xây dựng niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng về nguồn gốc, độ an toàn của sản phẩm.
Trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, các lớp tập huấn hướng dẫn xúc tiến thương mại đưa sản phẩm nông lâm thủy sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử rồi việc tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm về quản lý chế biến thương mại, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các tỉnh được tổ chức thường xuyên.
Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã mang theo các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP để giới thiệu tại các tỉnh. Thông qua các hoạt động này, nhiều sản phẩm OCOP của Hải Phòng bày bán, giới thiệu tại một số cửa hàng tiện ích, siêu thị tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ Bắc vào Nam.

Ông Nguyễn Văn Hoãn - Phó Trưởng phòng Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng (thứ 3 từ trái qua) tham gia hội nghị xức tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các tỉnh, thành trong cả nước. Ảnh: Nguyễn Diễm.
Tuy đạt được nhiều thành quả nhưng nhìn nhận thực tế, chương trình OCOP Hải Phòng vẫn đối mặt với không ít thách thức. Quy mô sản xuất của nhiều chủ thể còn nhỏ lẻ, năng lực quản lý và đổi mới sáng tạo cần được nâng cao. Việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường cao cấp, xuất khẩu vẫn còn là rào cản đối với nhiều cơ sở. Công tác quản lý sau công nhận OCOP để đảm bảo chất lượng ổn định cũng cần được tăng cường.
Để OCOP Hải Phòng phát triển bền vững, cần sự chung tay mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Các đơn vị chuyên môn cần tiếp tục tham mưu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách về vốn, đất đai cho các chủ thể OCOP mở rộng quy mô.
Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý. Đồng thời, chúng tôi coi OCOP là một trụ cột quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lồng ghép chương trình OCOP với các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, tham gia các hội chợ chuyên ngành để hỗ trợ quảng bá, phát triển các sản phẩm OCOP của Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Hoãn chia sẻ thêm.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hải Phòng, tổng số các chủ thể tham gia chương trình OCOP là 150 chủ thể, bao gồm 33 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã và 93 cơ sở sản xuất. Số địa phương có sản phẩm OCOP 5 huyện, 7 quận, 1 thành phố, trong đó, có 69 xã, 10 phường và 3 thị trấn.