| Hotline: 0983.970.780

Nền tảng 15 năm xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 24/07/2025 , 09:24 (GMT+7)

Sau 15 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành quả vượt kỳ vọng, tạo diện mạo mới cho nhiều vùng quê khắp cả nước.

 

Trước khi sáp nhập và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả nước có 329 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 51%. Ảnh: Quang Dũng.

Trước khi sáp nhập và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả nước có 329 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 51%. Ảnh: Quang Dũng.

Thành quả nổi bật 

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến nay đã có 6.084/7769 xã (chiếm 79,3%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 2.567 xã đạt chuẩn nâng cao và 743 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, tăng gấp nhiều lần so với năm 2020.

Trong giai đoạn trước khi sáp nhập và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả nước có 329 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 51%. Đặc biệt, 48 huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao – trong khi trước đây chưa có địa phương nào đạt được danh hiệu này. Còn ở cấp tỉnh, có 24 tỉnh đạt 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 19 tỉnh đạt cả 100% số xã và huyện. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận 13 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

“Một trong những dấu ấn lớn nhất của chương trình là sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng nông thôn. Hiện nay, 87% số xã đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông, nhiều địa phương như Hải Phòng, Ninh Bình, TP.HCM đều nổi bật trong phát triển giao thông nông thôn. Về điện, 99,7% hộ dân nông thôn đã sử dụng điện an toàn; 87,5% xã đạt tiêu chí về trường học; các tiêu chí về y tế, văn hóa cũng đạt tỷ lệ cao”, ông Ngô Trường Sơn cho biết thêm.

Về nhà ở, 88% số xã đã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước tháng 9/2025. Chương trình xây dựng nông thôn mới còn góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ổn định ở mức trung bình 3,2%/năm. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD vào cuối năm 2024.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, sau khi được công nhận OCOP, 46% chủ thể tăng sản lượng, doanh thu bán hàng tăng trung bình gần 30% và hơn 50% sản phẩm có giá bán tăng lên, với sức tăng giá trung bình 17%. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, sau khi được công nhận OCOP, 46% chủ thể tăng sản lượng, doanh thu bán hàng tăng trung bình gần 30% và hơn 50% sản phẩm có giá bán tăng lên, với sức tăng giá trung bình 17%. Ảnh: Quang Dũng.

OCOP và du lịch nông thôn tạo sức bật mới

Bên cạnh hạ tầng, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến tháng 4/2025, cả nước đã có 16.286 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, tăng 4.282 sản phẩm so với năm 2023. Trong đó có 73,8% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 79 sản phẩm 5 sao còn lại là tiềm năng 5 sao.

Chương trình không chỉ gia tăng số lượng sản phẩm mà còn nâng cao chất lượng một cách rõ rệt. Biểu đồ phân bổ hạng sao của sản phẩm OCOP cho thấy, sản phẩm 3 sao vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo với 76,3%. Sản phẩm 4 sao chiếm 22,9%, cho thấy có một phần không nhỏ sản phẩm đã đạt chất lượng khá cao, có tiềm năng mở rộng thị trường.

Với các sản phẩm OCOP là nông sản, những sản phẩm 5 sao tuy chỉ chiếm 0,4% (với 79 sản phẩm) nhưng đây là nhóm sản phẩm có chất lượng xuất sắc và đủ điều kiện vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc nâng cấp tiêu chuẩn.

Sau khi được công nhận OCOP, 46% chủ thể tăng sản lượng, doanh thu bán hàng tăng trung bình gần 30% và hơn 50% sản phẩm có giá bán tăng lên, với sức tăng giá trung bình 17%. Điều này khẳng định rằng, OCOP không chỉ giúp gia tăng số lượng sản phẩm mà còn định hướng nâng cao chất lượng, giúp các địa phương từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông thôn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, chương trình du lịch nông thôn cũng khởi sắc, với 580 mô hình du lịch, 382 điểm du lịch đã được công nhận. Đây là hướng đi mới giúp gia tăng giá trị nông sản, bảo tồn văn hóa và tạo việc làm tại chỗ cho người dân nông thôn.

“Qua 15 năm triển khai chương trình đã mang lại những đổi thay sâu sắc, góp phần làm nên diện mạo mới cho nông thôn Việt Nam. Những thành quả đó là tiền đề quan trọng để bước vào giai đoạn mới với khát vọng xây dựng nông thôn hiện đại, đáng sống, người dân là trung tâm của mọi chính sách”, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhận định.

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

An Giang tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL

Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2025 do tỉnh An Giang đăng cai tổ chức, với nhiều hoạt động trưng bày, giao thương, quảng bá sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất