| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/07/2025 , 16:05 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:05 - 08/07/2025

Xây dựng nông thôn mới với mô hình hành chính mới

Xây dựng nông thôn mới đang bắt đầu những nỗ lực cụ thể và sâu rộng hơn, khi nhiều tỉnh thành đã được sáp nhập và chính quyền cấp huyện không còn tồn tại.  

Xây dựng nông thôn mới chắc chắn có nhiều thay đổi, khi cả nước chỉ còn 34 địa phương được phân chia thành 3.321 xã, phường, đặc khu. Cuộc sáp nhập và tinh gọn diễn ra cùng thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xác định kế hoạch giai đoạn 2026-2030 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 35% số xã nông thôn mới nâng cao và ít nhất 10% số xã nông thôn mới hiện đại.

Từ ngày 1/7/2025, quy mô cấp xã bề thế hơn rất nhiều. Trước mắt, gần 6.000 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sẽ phải khảo sát và định vị lại. Ví dụ, xã X được hợp nhất từ hai xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì dĩ nhiên xã X vẫn là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Còn xã Y được sáp nhập từ hai xã đạt chuẩn nông thôn mới và một xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, thì xã X có được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới không? Nếu chưa thể công nhận xã X là xã đạt chuẩn nông thôn mới, cần có chính sách hỗ trợ như thế nào?

Tương tự, với 296 huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cũng nên có sự kế thừa. Khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, thì huyện nông thôn mới sau ngày 1/7/2025 có chia làm mấy xã thì cũng công nhận các xã ấy đạt chuẩn nông thôn mới.

Một trong những mấu chốt để xây dựng nông thôn mới với mô hình hành chính mới là các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều. Địa bàn xã rộng lớn hơn, các dịch vụ xã hội cơ bản càng phải được quan tâm cụ thể hơn. Không chỉ thoát nghèo một cách bền vững, xây dựng nông thôn mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc không thể tách rời ba phương diện nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Sau khi sáp nhập, dôi dư rất nhiều trụ sở cơ quan hành chính. Đây là những tài sản công dễ rơi vào tình trạng xuống cấp, gây thất thoát, lãng phí. Nếu trụ sở dôi dư được ưu tiên sử dụng cho giáo dục, văn hóa và y tế thì sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bởi lẽ, nhiều năm qua, ba tiêu chí giáo dục, văn hóa và y tế thường du di “chín bỏ làm mười” khi xét công nhận xã nông thôn mới.

Thắng thắn đánh giá, cơ sở vật chất dành cho giáo dục, văn hóa và y tế ở nhiều xã nông thôn mới vẫn còn tương đối khiêm tốn, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, với trụ sở dôi dư, hoàn toàn có thể nghĩ đến việc đầu tư trường trung học phổ thông và thư viện xã khang trang cho từng xã nông thôn mới nâng cao. Mặt khác, một xã đã có diện tích gấp đôi, gấp ba thì không thể tiếp tục vận hành nhà văn hóa xã hay trạm y tế xã với khuôn viên chật chội và hoạt động cầm chừng như thuở xưa.

Xây dựng nông thôn mới với mô hình hành chính mới, đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi. Lý do, bên cạnh diện mạo cấp xã nhiều dư địa phát triển, có không ít lãnh đạo xã là trí thức tầm cỡ. Chẳng hạn Bí thư xã Tân Vĩnh Lộc, TP.HCM là kiến trúc sư Nguyễn Thanh Nhã từng đảm nhận vai trò Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, hoặc Bí thư xã Pù Nhi, Thanh Hóa là Phó Giáo sư Tiến sĩ Đoàn Văn Trường.      

Bình luận mới nhất