| Hotline: 0983.970.780

Hướng tới nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Thứ Sáu 25/07/2025 , 06:34 (GMT+7)

Sau những thành tựu ấn tượng giai đoạn 2010–2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang bước vào giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn.

           

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, công tác điều hành chương trình NTM có 5 quan điểm chỉ đạo lớn được xác lập cho giai đoạn 2026 – 2035. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, công tác điều hành chương trình NTM có 5 quan điểm chỉ đạo lớn được xác lập cho giai đoạn 2026 – 2035. Ảnh: Quang Dũng.

Chuyển từ phong trào sang nền tảng phát triển bền vững

“Xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là phong trào, mà phải thực sự là nền tảng cho phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển xanh, tuần hoàn”, ông Ngô Trường Sơn cho biết.

Từ thực tiễn triển khai chương trình trong 15 năm qua, nhiều địa phương đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, những thách thức mới cũng đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và có chiều sâu hơn trong giai đoạn tới. Theo đó, công tác điều hành chương trình có 5 quan điểm chỉ đạo lớn được xác lập cho giai đoạn 2026 – 2035. Cụ thể:

  • Phát triển bao trùm và bền vững, lấy người dân nông thôn làm trung tâm.
  • Gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học – công nghệ và chuyển đổi số.
  • Tích hợp đa mục tiêu, trong đó, Trung ương xây dựng khung, địa phương chủ động triển khai.
  • Gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ quốc phòng, an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt tại vùng khó khăn.
  • Phát huy các giá trị tốt đẹp của nông thôn, gìn giữ bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường và các giá trị truyền thống.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết, chương trình tích hợp mới dự kiến có 8 nhóm nội dung chính, bao phủ toàn diện các lĩnh vực phát triển nông thôn như: Quy hoạch nông thôn và quản lý thực hiện quy hoạch; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển kinh tế nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất; Văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao; Quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội; Môi trường và cảnh quan nông thôn; Chuyển đổi số và cải cách hành chính công; Giám sát, đánh giá và truyền thông chương trình.

Người dân nông thôn với vai trò trung tâm sẽ tiếp tục là động lực lớn nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Ảnh: Quang Dũng.

Người dân nông thôn với vai trò trung tâm sẽ tiếp tục là động lực lớn nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Ảnh: Quang Dũng.

Phân vùng và linh hoạt theo điều kiện địa phương

Theo lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau khi sáp nhập tỉnh và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ đầu tháng 7/2025, chương trình phân loại các xã theo 3 nhóm đặc thù để có giải pháp phù hợp: Các xã vùng khó khăn (biên giới, hải đảo, ven biển) sẽ có chính sách hỗ trợ riêng; Các xã ven đô, tiệm cận đô thị sẽ định hướng phát triển phù hợp với quá trình đô thị hóa; Các xã thuần nông sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với OCOP, du lịch, nông nghiệp sinh thái. Việc phân loại như vậy giúp việc thiết kế chính sách sát thực tế hơn, đảm bảo mỗi địa phương đều có thể phát huy được lợi thế của mình.

Cùng với đó, việc tích hợp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo bền vững lại thành một sẽ giúp tránh dàn trải nguồn lực, đảm bảo đồng bộ về mục tiêu cũng như nội dung”, ông Sơn phân tích.

Chương trình mới đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020 (khoảng 105 triệu đồng/người/năm). Đến năm 2030 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 và duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân từ 1 đến 1,5%/năm, xã nghèo giảm ít nhất 3%/năm.

Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 35% số xã NTM nâng cao; 10% số xã NTM hiện đại. Có khoảng 60% số xã NTM nâng cao đạt 70% số tiêu chí xã NTM hiện đại. Cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí NTM.

Phấn đấu đến năm 2030, cả nước khoảng 6 - 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM; có 2 - 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM hiện đại.

“Ngoài ra, các mục tiêu đặt ra đến năm 2035 được xác định theo hướng kế thừa, mở rộng hợp lý từ mục tiêu đến năm 2030, phù hợp với xu thế phát triển và khả năng thực hiện. Với những định hướng mới, chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2035 không chỉ kế thừa những thành quả đã đạt được, mà còn hướng tới một tương lai nông thôn phát triển bền vững, có bản sắc, văn minh và hạnh phúc. Người dân nông thôn với vai trò trung tâm sẽ tiếp tục là động lực lớn nhất của hành trình phát triển này”, ông Sơn cho hay.

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

An Giang tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL

Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2025 do tỉnh An Giang đăng cai tổ chức, với nhiều hoạt động trưng bày, giao thương, quảng bá sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất