Từ ngõ nhỏ, đường làng đến đại lộ nông thôn
Trở lại huyện An Lão hôm nay, PV cảm nhận rõ rệt sự chuyển mình mạnh mẽ của địa phương này và những thành quả của chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Nếu như trước đây, nhắc đến An Lão là nhắc đến một huyện thuần nông, thì nay, nhiều xã đã mang dáng dấp của một đô thị thu nhỏ. Đường sá không chỉ được bê tông hóa, nhựa hóa 100% từ đường xã, đường thôn đến ngõ xóm, mà còn được đầu tư hệ thống chiếu sáng hiện đại, cây xanh rợp bóng, rãnh thoát nước đồng bộ.

Tuyến đường trục xã tại Bát Trang được làm rộng rãi, có điện chiếu sáng, khang trang sạch đẹp. Ảnh: Đinh Mười.
“Trước kia, đường vào xã An Tiến này chỉ đủ hai xe máy tránh nhau. Mùa mưa thì ngập, mùa khô thì bụi. Giờ thì khác hẳn, đường rộng thênh thang, hai bên là hàng cây xanh mướt, tối đến đèn điện sáng trưng. Nhiều lúc đi trên đường làng mà cứ ngỡ đang đi trên phố”, ông Nguyễn Văn Bình, một người dân xã Bát Trang, không giấu được niềm vui.
Ông Nguyễn Phú Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện An Lão, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành và phát huy hiệu quả”.
Theo số liệu của UBND huyện An Lão, 100% trong tổng số 81,411km đường xã và 128,503km đường thôn, liên thôn đã được cứng hóa. Đặc biệt, tại các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trên 70% các tuyến đường này còn được trang bị đầy đủ biển báo, gờ giảm tốc, và quan trọng nhất là những "lá phổi xanh" với tỷ lệ cây xanh dọc tuyến đường đạt trên 50%, thậm chí nhiều nơi là 100%.
Không chỉ giao thông, hệ thống điện, nước sạch, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư bài bản. Đến nay, 100% hộ dân An Lão được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn, ổn định, và đáng mừng hơn, 100% hộ dân đã được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn, trong đó trên 65% là từ hệ thống cấp nước tập trung. Việc đầu tư đồng bộ hệ thống cấp nước không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người dân mà còn là một tiêu chí quan trọng để An Lão hướng tới đô thị sau này.
Các trường học từ mầm non đến THCS đều được xây dựng khang trang, 100% đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, và nhiều trường đã vươn lên đạt chuẩn mức độ 2. Trạm y tế xã nào cũng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân.

Khu du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn tại Đảo Bầu, xã Mỹ Đức. Ảnh: Đinh Mười.
Vùng quê tiệm cận đô thị
Sự đổi thay của An Lão không chỉ ở vẻ bề ngoài mà “cú hích” từ NTM kiểu mẫu đã tạo ra một làn sóng phát triển kinh tế mạnh mẽ, làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp thuần túy, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (năm 2024 chiếm 63,61%) và dịch vụ (28,49%).
Điển hình như mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang (xã Bát Trang). Với hơn 80ha, HTX không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng mà còn liên kết tiêu thụ, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Hay như vùng nuôi tôm càng xanh ở xã Tân Dân, vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã Quang Hưng, Tân Viên, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế cao.
Nhờ kinh tế phát triển, đời sống người dân An Lão ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 81 triệu đồng/người/năm, riêng khu vực nông thôn (15 xã) đạt 80,25 triệu đồng/người/năm, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm bắt đầu xây dựng NTM. Đặc biệt, đến hết năm 2024, huyện An Lão tự hào không còn hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025.
NTM kiểu mẫu không chỉ mang lại "cơm no áo ấm" mà còn làm giàu thêm đời sống tinh thần, kiến tạo một môi trường sống xanh – sạch – đẹp – an toàn. Hệ thống nhà văn hóa xã, thôn được đầu tư đồng bộ, trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao (dân vũ, bóng chuyền hơi, cầu lông, thơ ca...) hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, An Lão rất chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Các khu vui chơi giải trí khu vực công cộng được đầu tư, là khu vực cho người dân tập thể dục và tổ chức các hoạt động cộng đồng. Ảnh: Đinh Mười.
Công tác bảo vệ môi trường cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đạt trên 98%. Nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón vi sinh được nhân rộng.
Các "con đường hoa", "hàng rào xanh" đã trở thành hình ảnh quen thuộc, tô điểm cho vẻ đẹp làng quê. Tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng tại các điểm dân cư nông thôn đạt bình quân 4,22m²/người ở các xã NTM nâng cao, vượt xa chỉ tiêu đề ra. An ninh trật tự được giữ vững với nhiều mô hình tự quản, camera an ninh hoạt động hiệu quả. Với những thành quả vượt bậc trong xây dựng NTM kiểu mẫu, An Lão đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, đặc biệt là mục tiêu trở thành thị xã thuộc TP Hải Phòng trong tương lai.
Ông Nguyễn Phú Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện An Lão, khẳng định: “Xây dựng NTM kiểu mẫu chính là bước đệm quan trọng để An Lão thực hiện quá trình đô thị hóa một cách bền vững. Các tiêu chí về hạ tầng, kinh tế, văn hóa, môi trường mà chúng tôi đạt được đã tiệm cận, thậm chí vượt nhiều tiêu chuẩn của một đô thị văn minh. Quan trọng hơn cả là sự đồng thuận, ý thức xây dựng quê hương của người dân ngày càng được nâng cao. Đó là nguồn lực quý giá nhất để An Lão tự tin bước vào một giai đoạn phát triển mới”.
Đến nay, huyện An Lão đã có 18 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, và 2 sản phẩm tương đương, như: Chả cá Làng Quỳnh (An Tiến), Nem chua Ngọc Căn (An Thọ), các sản phẩm đồ tre đan Tiên Cầm (An Thái), Rươi kho Thịnh Phát (Mỹ Đức)... Việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ nâng cao giá trị nông sản địa phương mà còn tạo công ăn việc làm, giữ chân lao động trẻ ở lại quê hương.