| Hotline: 0983.970.780

Diện mạo mới nông thôn Hải Phòng: [Bài 1] Thay da đổi thịt ở Thủy Nguyên

Thứ Năm 22/05/2025 , 09:54 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nông thôn mới kiểu mẫu không chỉ giúp các vùng quê ở Thủy Nguyên 'thay da đổi thịt' mà còn giúp nâng cấp hạ tầng, tiền đề quan trọng phát triển kinh tế- xã hội.

Những "phường" nông thôn mới kiểu mẫu

Những ngày giữa tháng 5 năm 2025, chúng tôi trở lại Thủy Nguyên, vùng đất cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Cảng Hải Phòng. Không khí náo nức, tự hào vẫn còn lan tỏa sau sự kiện 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng gần như vẫn còn nguyên với cờ, phướn đỏ rực 2 bên đường. Điều đặc biệt ấn tượng là sự chuyển mình mạnh mẽ của những làng quê xưa, nay đã khoác lên mình tấm áo mới của những "phường" NTM kiểu mẫu, khang trang, sạch đẹp.

Một góc trung tâm phường Quảng Thanh hôm nay. Ảnh: Đinh Mười.

Một góc trung tâm phường Quảng Thanh hôm nay. Ảnh: Đinh Mười.

Con đường trải nhựa phẳng lỳ dẫn chúng tôi vào phường Hòa Bình (trước đây là xã Hòa Bình), một trong những điểm sáng của phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Hai bên đường, những hàng cây xanh mướt, những vạt hoa chiều tím, hoa mười giờ rực rỡ khoe sắc. Những ngôi nhà cao tầng san sát, khang trang minh chứng cho đời sống ngày một sung túc. Khó có thể hình dung, chỉ hơn một thập kỷ trước, nơi đây còn là những con đường đất lầy lội, những mái nhà đơn sơ.

“Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, khi các xã cơ bản đạt chuẩn NTM, chúng tôi không dừng lại mà tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn: NTM nâng cao, rồi NTM kiểu mẫu. Đây là bước đi tất yếu để tiệm cận các tiêu chí đô thị, chuẩn bị cho ngày Thủy Nguyên lên thành phố", ông Nguyễn Văn Viển – Phó Chủ tịch UBND TP Thủy Nguyên chia sẻ.

Ngược dòng thời gian, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được Thủy Nguyên triển khai với một quyết tâm chính trị cao độ. Lãnh đạo huyện (nay là thành phố Thủy Nguyên) khi đó đã xác định đây không chỉ là một chương trình, một dự án, mà là một cuộc cách mạng làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn và đời sống người dân.

Có thể thấy, từ năm 2020 đến nay, sau khi một loạt các chủ trương, chính sách mang tính đột phá đã được TP Hải Phòng ban hành, thành phố Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên (trước đây) đã tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời ban hành các cơ chế khuyến khích đặc thù. Đặc biệt, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã thực sự đi vào cuộc sống. Mọi kế hoạch, dự án đều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận cao.

“Trước đây, nói đến họp dân để làm đường, nhiều người còn e ngại vì sợ đóng góp, sợ mất đất. Nhưng khi thấy rõ lợi ích, đường làm xong nhà mình đẹp hơn, đi lại thuận tiện, con cái đi học đỡ vất vả, giá trị đất đai cũng tăng lên, thì ai cũng hồ hởi” bà Trần Thị Mai, một người dân ở phường Minh Đức (trước là xã Minh Đức), kể lại.

Chính sự minh bạch, dân chủ và những lợi ích thiết thực đã khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn trong nhân dân. Phong trào hiến đất, đóng góp ngày công, vật chất để xây dựng quê hương đã trở thành một nét đẹp văn hóa ở Thủy Nguyên. 

Chúng tôi tìm đến phường Lập Lễ (trước là xã Lập Lễ), nơi có câu chuyện về gia đình anh Trương Văn Trường, trú tại Tổ dân phố Bảo Kiếm hiến tới hơn 50m2 đất thổ cư và tự nguyện tháo dỡ toàn bộ phần tường rào, cổng kiên cố cả 2 mặt đường để mở rộng con đường trục chính của phường từ 3,5m lên 7m, gia đình ông không ngần ngại hiến hơn 60m² đất thổ cư mặt tiền. “Mất một phần đất thì tiếc thật, nhưng con đường rộng ra, cả làng được nhờ, con cháu mình sau này cũng hưởng lợi. Mình vì mọi người, mọi người vì mình thôi”, chị Thoa, vợ anh Trường cười hiền chia sẻ.

Chủ tịch UBND phường Lập Lễ chỉ cho PV đoạn đường người dân đang hiến đất để mở rộng thành 5m, ô tô có thể ra vào. Ảnh: Đinh Mười.

Chủ tịch UBND phường Lập Lễ chỉ cho PV đoạn đường người dân đang hiến đất để mở rộng thành 5m, ô tô có thể ra vào. Ảnh: Đinh Mười.

Hay như ở phường Lập Lễ (trước là xã Phục Lễ), khi triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn kiểu mẫu, nhiều hộ dân đã tự nguyện đóng góp thêm kinh phí ngoài mức quy định, người có của góp của, người có công góp công. Bà Nguyễn Thị Lan, chi hội trưởng phụ nữ thôn, bồi hồi: "Chị em chúng tôi không chỉ góp tiền mà còn xắn tay vào dọn dẹp, trồng hoa, cây cảnh quanh nhà văn hóa. Nhìn công trình khang trang, ai cũng thấy vui, thấy tự hào."

Những đóng góp ấy không chỉ diễn ra ở những nơi có điều kiện kinh tế khá giả. Tại các phường vốn là xã vùng xa, vùng có nhiều khó khăn trước đây như An Sơn, Kỳ Sơn, tinh thần này vẫn lan tỏa mạnh mẽ. “Đất ở đây không đắt như trung tâm, nhưng với người nông dân, tấc đất tấc vàng. Vậy mà khi vận động làm đường nội đồng, nhiều hộ sẵn sàng hiến vài sào ruộng để con đường được thẳng, được rộng, máy móc vào tận bờ”, anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở xã Ninh Sơn chia sẻ.

Những con số thống kê qua các giai đoạn xây dựng NTM, tạo nền tảng cho NTM kiểu mẫu và quá trình đô thị hóa, thực sự ấn tượng như: Người dân toàn thành phố Thủy Nguyên đã tự nguyện hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất, ước tính có thể lên đến 450.000 - 550.000 m², bao gồm cả đất nông nghiệp và đất ở có giá trị cao. Nếu quy đổi theo giá thị trường tại các thời điểm, con số này có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Không chỉ hiến đất, bà con còn đóng góp khoảng 1,5 - 2 triệu ngày công lao động và giá trị tiền mặt, vật tư (xi măng, cát, sỏi, gạch...) ước tính khoảng 800 tỷ - 1.200 tỷ đồng.

Diện mạo mới, sức sống mới

Nhờ sự chung sức, đồng lòng ấy, những làng quê của Thủy Nguyên trước đây đã thực sự "thay da đổi thịt". Đến nay, 100% đường trục phường, liên phường (trước là đường xã, liên xã), đường trục thôn, ngõ xóm đã được bê tông hóa, nhựa hóa, nhiều tuyến được trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại. Hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, đảm bảo tưới tiêu chủ động. Điện, nước sạch, thông tin liên lạc phủ khắp, đáp ứng nhu cầu phát triển và đời sống. Nhiều trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng mới hoặc nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, thậm chí là chuẩn kiểu mẫu với thiết kế đẹp, tiện nghi.

Giao thông nội đồng tại phường Thiên Hương. Ảnh: Đinh Mười.

Giao thông nội đồng tại phường Thiên Hương. Ảnh: Đinh Mười.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị được nhân rộng. Nhiều sản phẩm OCOP của Thủy Nguyên đã khẳng định được thương hiệu và có giá trị trên thị trường như Na Liên Khê, cá trắm đen một nắng, rượu Đất Cảng,... Qua đó giúp thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (nay là các phường có nguồn gốc từ xã) đã tăng lên đáng kể, ước tính đạt trên 85-90 triệu đồng/người/năm vào đầu năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.

Chị Nguyễn Thị Hà - Giám đốc HTX Sông Giá phấn khởi: "Nhờ đường sá thuận tiện, điện nước đầy đủ, việc vận chuyển, tiêu thụ hoa của gia đình tôi dễ dàng hơn nhiều. Thu nhập cũng tăng gấp 2-3 lần so với trước. Nhiều hộ ở đây đã mạnh dạn đầu tư vào nhà lưới, nhà kính, ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động."

Nhờ xây dựng nông thôn mới mà công tác thu gom, xử lý rác thải được thực hiện bài bản. Những con đường hoa, những hàng cây xanh đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên rõ rệt. An ninh trật tự được đảm bảo, các mô hình "camera an ninh", "tổ liên gia tự quản" phát huy hiệu quả.

Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy song song với việc xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động sôi nổi. Chuyển đổi số trong nông thôn cũng được đẩy mạnh, người dân dần làm quen với các dịch vụ công trực tuyến, tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

Sự thành công của chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là NTM kiểu mẫu, không chỉ mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho các làng quê Thủy Nguyên mà còn là nền tảng hạ tầng và xã hội vững chắc để Thủy Nguyên tự tin bước vào một giai đoạn phát triển mới – trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng. Các tiêu chí về giao thông, điện, trường, trạm, thu nhập, môi trường... mà NTM kiểu mẫu đặt ra đã tiệm cận, thậm chí vượt nhiều tiêu chí của một đô thị văn minh.

Rời TP Thủy Nguyên khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, ánh đèn từ những ngôi nhà mới, từ những con đường kiểu mẫu đồng loạt được bật lên chiếu sáng cả một góc vùng quê, có cả đường, cà nhà và những đồng lúa. Chúng tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sức mạnh của sự đồng lòng và ý chí vươn lên, những "làng quê đáng sống" hôm nay chính là những "phường văn minh, hiện đại" ngày mai, góp phần tô điểm cho bức tranh phát triển rực rỡ của thành phố trẻ Thủy Nguyên và thành phố Cảng Hải Phòng năng động.

Xem thêm
Triển khai chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn

SƠN LA Thực tế đã có nhiều mô hình làng nghề kết hợp du lịch ở Sơn La phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân nông thôn.

Từ người nông dân đa nghề đến 'hạt nhân' nông thôn mới ở Mường Cơi

Sơn La Ông Nguyễn Đức Cường, Bí thư kiêm Trưởng bản Nghĩa Hưng, là một trong những hạt nhân tiêu biểu về phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Mường Cơi.

Quảng Ngãi phấn đấu có thêm 70 sản phẩm OCOP

Quảng Ngãi phấn đấu năm 2025 có thêm 70 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh.