| Hotline: 0983.970.780

Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, cần chấn chỉnh công tác thú y tuyến huyện, xã

Thứ Năm 03/04/2025 , 13:03 (GMT+7)

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, các địa phương cần chấn chỉnh công tác thú y tuyến huyện, xã.

Tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đánh giá, báo cáo từ các địa phương cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2025, các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước.

Theo ông Phan Quang Minh, các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các số liệu chăn nuôi lợn xem đã sát với thực tiễn hay chưa. Ảnh: Khương Trung.

Theo ông Phan Quang Minh, các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các số liệu chăn nuôi lợn xem đã sát với thực tiễn hay chưa. Ảnh: Khương Trung.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) giảm cả về diện dịch (số tỉnh có dịch giảm hơn 57%, số ổ dịch giảm hơn 72%) và mức độ thiệt hại (số lợn chết và tiêu hủy) giảm gần 80%. Bệnh lở mồm long móng (LMLM) giảm cả về diện dịch và mức độ thiệt hại (số ổ dịch giảm hơn 92%, số động vật mắc bệnh giảm hơn 89% và không có động vật chết, tiêu huỷ), tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, ước tăng trưởng từ 5,2-5,5%, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các số liệu thống kê này đã phản ánh đúng tình hình chăn nuôi tại các địa phương hay chưa? Trên thực tế, tại nhiều địa phương tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp, vẫn có tình trạng địa phương có dịch nhưng cán bộ thú y cơ sở không báo cáo. Các cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra vẫn phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển lợn mắc bệnh đi tiêu thụ.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với lực lượng chức năng tại các địa phương xử lý 31 vụ vi phạm với 800 con gia cầm và hơn 23.000kg sản phẩm động vật nhập lậu. Từ ngày 1/1- 14/3, Cục Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị thuộc Cục đã ban hành 55 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với số tiền phạt hơn 3,1 tỷ đồng.

Theo ông Minh, các địa phương đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng chủ yếu xoay quanh hai vấn đề là hệ thống cơ quan quản lý chăn nuôi thú y tại cơ sở đang có nhiều xáo trộn, nhân lực hạn chế gây ra những khó khăn, bất cập trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc bố trí đủ kinh phí triển khai phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, nhất là cấp huyện, xã.

Tuy nhiên, đây là những khó khăn chung, không chỉ diễn ra trong một năm mà đã được dự báo từ sớm và được nhìn nhận rõ nét trong suốt những năm qua. Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi cơ bản đầy đủ; chương trình, kế hoạch Quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ. Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là công tác tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp huyện, xã), doanh nghiệp và người chăn nuôi như thế nào.

Theo ông Minh, để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, các địa phương cần khẩn trương chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, xã; khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vacxin không bảo đảm chất lượng.

Cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ảnh: Khương Trung.

Cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ảnh: Khương Trung.

Bên cạnh đó, yêu cầu thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật trên hệ thống báo cáo trực tuyến VAHIS; thống nhất chỉ đạo sử dụng số liệu dịch bệnh trên hệ thống VAHIS (rất chi tiết, cụ thể) để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của các cấp chính quyền địa phương; không phát sinh biểu mẫu báo cáo để giảm thiểu áp lực cho các cơ quan thú y, cũng như lực lượng thú y cấp xã.  

Ngoài ra, khẩn trương chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 theo quy định của Luật Thú y và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; xử lý triệt để theo quy định pháp luật đối với có sở giết mổ động vật chưa được cấp phép hoạt động, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.

Xem thêm
Tuyên truyền rộng rãi ‘5 không’ phòng bệnh dại trên chó mèo

VĨNH LONG Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người nuôi, đồng thời hướng đến xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên chó, mèo.

Nghệ An đặt mục tiêu trên 400 nghìn tấn lương thực vụ hè thu - mùa

Dựa vào tình hình thực tế, ngành nông nghiệp Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu 400.360 tấn lương thực tại vụ hè thu - mùa năm 2025.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn

KIÊN GIANG Chuyển đổi luân canh lúa – thủy sản, rau màu, biến phụ phẩm thành phân bón hữu cơ, than sinh học bón lại cho đất giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh kiểm soát chặt tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Trà Vinh Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện.

Quảng Ninh ban hành Chỉ thị mới về bảo vệ rừng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.