Đê La Giang thuộc tuyến đê quốc gia, được xây dựng từ những năm 1930 bằng sức lực của hàng vạn nông dân Hà Tĩnh. Với chiều dài 20 km, điểm xuất phát từ thị xã Hồng Lĩnh, giáp QL1A, qua Đức Thọ đến bến Tam Soa Linh Cảm, đê La Giang như thành lũy vững chắc ngăn sóng lũ triều dâng những khi bão lũ, bảo vệ sự sống còn cho trên 3 vạn dân cư với hàng trăm ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp.
Tuy được xây dựng bằng đất đắp, tuổi thọ đến nay đã hơn 80 năm nhưng chất lượng, hình dáng cả tuyến đê trông vẫn vững chãi. Để bảo vệ an toàn cho cả tuyến đê trước nguy cơ biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, vào cuối năm 2009, Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp đê La Giang.
Tổng mức đầu tư 967,4 tỷ đồng trong đó, giá trị xây lắp là 750 tỷ đồng, Tập đoàn Xuân Thành được chỉ định thầu xây dựng, với kế hoạch cũng như lời hứa của nhà thầu là sau 2 năm công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, đến nay đã 4 năm trôi qua nhưng cả tuyến đê đang trong tình trạng nham nhở, chưa hề hoàn thành bất kỳ đoạn nào. Ngược lại, nhiều đoạn đào đi đắp lại, thi công theo kiểu bươi ra để đó, gây cản trở giao thông đi lại, nhất là mùa lũ đang đến, thiếu đường công vụ khi cần ứng cứu đê.
Do bị đào hổng chân đê, vả lại trận mưa vừa qua đã làm cho cả đoạn đê nơi xung yếu đi qua khu dân cư Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh bị xói lở nghiêm trọng, nhiều đoạn đất lở cách mặt đê chưa đầy mét nữa là sập.
Nhiều người dân trong vùng lo ngại, nếu chỉ cần một trận mưa to, gió lớn, cộng với áp lực nước lũ ngoài đê là rất lớn nên nguy cơ vỡ đê là có thể xảy ra. Nếu đê vỡ, hậu quả sẽ rất khủng khiếp, tính mạng, tài sản của trên 3 vạn con người bị đe dọa thì ai là người chịu trách nhiệm?