| Hotline: 0983.970.780

Người miền Tây nghĩ lớn

Đại điền chủ Chính 'lúa' bị sầu riêng mê hoặc

Thứ Năm 11/08/2022 , 16:23 (GMT+7)

Cuộc đời đưa đẩy ông bén duyên với nhiều loại cây ăn trái nhưng chỉ khi đầu tư vào cây sầu riêng, ông mới hình dung được con đường đến thành công.

Từ 42 cây sầu riêng bị bỏ rơi cho thu hơn 130 triệu đồng

Có 10ha ruộng “bờ xôi ruộng mật” nhưng gia đình ông Trần Văn Chính (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) chẳng mấy khấm khá. Trồng lúa lợi nhuận thấp quá, chưa kể những vụ sâu bệnh hoành hành làm hao hụt năng suất; có những năm, nước lũ từ sông Kinh Dương Vương ập vào khiến cây chết úng.

Đến nay, ông Chính đã đầu tư 3ha sầu riêng. Ảnh: Minh Phúc.

Đến nay, ông Chính đã đầu tư 3ha sầu riêng. Ảnh: Minh Phúc.

Năm 2012, ông Chính ra Bình Thuận chơi, thấy người ta trồng những vườn thanh long bạt ngàn, đời sống ấm no lắm. Nhưng mãi đến năm 2016, ông mới quyết định mua trụ, bắc đường ống nước như mạng nhện trong vườn trồng 3ha “trái rồng” và 42 cây sầu riêng Ri 6 xen với mít để lấy ngắn nuôi dài.

Khi vườn cây bước vào thời kỳ kinh doanh cũng là lúc trái thanh long được giá, lợi nhuận khá cao. Để không “bỏ trứng vào cùng một giỏ” và quản trị rủi ro, ông Chính tiếp tục đánh luống cao để mở rộng diện tích sầu riêng.

Năm 2018, một đoàn khảo sát gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: PGS.TS Bùi Bá Bổng (nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT), GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), TS Nguyễn Văn Bộ (nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã về thăm mô hình chuyển đổi đất lúa sang cây ăn trái của hộ ông Chính.

Sau đó, đoàn chuyên gia có báo cáo đánh giá: “Đây là vùng đất phèn điển hình của Đồng Tháp Mười. Mặc dù thanh long đã cho thu hoạch và hiệu quả tốt, gấp 5 - 6 lần trồng lúa. Sầu riêng thì mới trồng nên chưa biết hiệu quả. Theo cảm nhận của chúng tôi, với thanh long sẽ có rủi ro cao về bệnh và thị trường nếu không được sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn và quản lý”.

Chẳng thể ngờ, những cảnh báo ấy lại ập đến nhanh như vậy. Kể từ lúc dịch bệnh Covid-19 nổ ra, thanh long rớt giá thảm hại. Ông Chính kể: “Chỉ tính riêng năm 2020 đã mất 700 triệu đồng vì bán không ai mua. Tôi quyết định chong đèn cho cây ra trái nghịch vụ thêm 2 vụ nhưng lại tiếp tục mất trắng”.

Thấy tình hình không ổn, ông họp bàn với vợ con nhổ trụ thanh long, gỡ đường ống nước để cày đất, sạ 2 vụ lúa rồi trồng bưởi da xanh. Chưa bao giờ ông thấy khát vọng làm giàu từ cây ăn trái lại chông chênh như thế. Thật may là ở thời điểm ông Chính chán nản nhất cũng là lúc xuất hiện những tín hiệu đáng mừng. 42 cây sầu riêng Ri 6 (6 năm tuổi) đầu tiên ông trồng cho vui rồi bỏ bê, cỏ rác bít hết gốc bắt đầu ra hoa và cho trái bói, quả to nhất cân được 10,5kg.

Nhờ vay 2 tỷ đồng từ Agribank, ông Chính có nguồn vốn để kiến thiết 3ha sầu riêng. Ảnh: Minh Phúc.

Nhờ vay 2 tỷ đồng từ Agribank, ông Chính có nguồn vốn để kiến thiết 3ha sầu riêng. Ảnh: Minh Phúc.

Vụ vừa rồi, sau khi để lại 56 trái sầu riêng gửi lên Viện Cây ăn quả miền Nam ở huyện Châu Thành, Tiền Giang phân tích chất lượng và biếu tặng cho người thân, 40 cây còn lại gia đình thu được 3 tấn trái, giá bình quân 44.000 đồng/kg (tương đương khoảng 130 triệu đồng). Lúc này, ông Trần Văn Chín như người u mê được đánh thức, tràn đầy hy vọng.

Đầu tư bài bản để hưởng trái ngọt bền vững

Ông Chính chia sẻ: Để kiến thiết được 3ha vườn sầu riêng như ngày hôm nay, từ năm 2017, ông phải cầm giấy chứng nhận quyên sử dụng 10 mẫu đất (tương đương 1ha) để vay 2 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Nếu không thì chẳng bao giờ có đủ tiền để làm.

Trong quá trình chuyển đổi sang trồng sầu riêng, gia đình ông Chính được các chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam xuống tận vườn để hướng dẫn kỹ thuật (để làm đề tài nghiên cứu) từ đào hố, dinh dưỡng cây trồng và quản trị dịch hại. “Vài bữa nửa tháng, anh em kỹ sư lại xuống dòm cây và hướng dẫn tôi xịt thuốc, bón phân. Đặc biệt, tùy thể trạng từng cây, họ tư vấn cho mình cách chăm sóc khác nhau chứ không phải cây nào cũng bón phân, tưới nước như nhau”, ông Chính nói.

Chủ vườn nhẩm tính, một cây sầu riêng từ khi trồng đến ngày cho thu hoạch phải mất tối thiểu 7 triệu đồng (chưa tính số phân của hơn 10 con bò gia đình nuôi được tận dụng để trộn với rơm ủ, bón cho cây). Với mật độ trồng 8m2/cây, để kiến thiết 1ha sầu riêng đến năm thứ 6 phải mất ít nhất 800 triệu đồng.

'Chắc chắn hiệu quả của trái sẩu riêng sẽ rất bền vững', ông Chính chia sẻ.

"Chắc chắn hiệu quả của trái sẩu riêng sẽ rất bền vững", ông Chính chia sẻ.

Tôi hỏi ông Chính có lo ngại vài năm tới, khi bà con nhiều địa phương đổ xô trồng sầu riêng thì giá sẽ rớt xuống hay không? Lão nông nhoẻn miệng cười và bảo: “Tôi nghĩ nhiều đến điều đó lắm chứ. Mình có lo, nhưng chắc chắn hiệu quả của trái sầu riêng sẽ rất bền vững. Bởi trồng sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật rất cao và rất nhiều năm mới cho thu hoạch, nếu vốn ít thì không vô nổi đâu. Tôi trồng 3 năm vẫn có cây chết. Chưa kể gặp cơn mưa bất thường, trái nám và rụng non”.

Để vườn cây khỏe mạnh và khai thác hiệu quả bền vững, ông Chính sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ là chính, vài tháng mới cho cây ăn 100 – 200gram phân DAP. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động cũng được chủ vườn đầu tư bài bản để giảm công lao động.

Ông Chính chia sẻ: “Sau khi kiểm tra và đánh giá, Viện Cây ăn quả miền Nam đánh giá chất lượng trái sầu riêng của gia đình tôi trồng rất tốt”. Chỉ vài năm nữa thôi, khi vườn sầu riêng 3ha của gia đình cho thu hoạch đại trà, ngày ông Chính trở thành tỷ phú không còn là ước mơ xa vời. Và, ước mơ ấy ngày càng đến gần với ông, khi Hải quan Trung Quốc công bố trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 27/7/2022.

Gia đình tôi là khách hàng thân thiết của Agribank suốt 20 năm qua. Mỗi khi cần vốn là ngân hàng tạo điều kiện để cho vay rất nhanh chóng. Chính từ nguồn vốn của Agribank mà tôi mới tự tin để chuyển đổi sản xuất và đạt kết quả như bây giờ. Hai năm vừa qua, gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19, rất may là Agribank đã hỗ trợ mấy tháng lãi suất, đồng thời cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ. Nếu không, chúng tôi đã trở thành trường hợp nợ xấu rồi, sau này muốn vay vốn để mở rộng sản xuất rất khó.

(Ông Trần Văn Chính)

Huyện Tân Thạnh quy hoạch chuyển đổi 4.000ha đất lúa sang cây ăn trái

Theo ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh thì với định hướng phát triển của huyện theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Long An, mũi nhọn trọng tâm vẫn là sản xuất nông nghiệp trong đó phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang cây ăn trái, chủ lực là mít, sầu riêng, nho, cam, na với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Cây ăn quả miền Nam.

Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An trao đổi với phóng viên. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An trao đổi với phóng viên. Ảnh: Minh Phúc.

Dự kiến, đến năm 2025 huyện Tân Thạnh sẽ chuyển đổi khoảng 5.000ha đất lúa kém hiệu, trong đó khoảng 4.000ha được chuyển đổi sang cây ăn trái và 1.000 ha nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, điều cần thiết nhất với bà con vẫn là nguồn vốn đầu tư để mua trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao. Nguồn vốn này, hiện được Agribank chi nhánh Tân Thạnh đáp ứng khá tốt.

Đặc biệt, trong hai năm 2020 – 2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của bà con. Agribank cũng đã chủ động khoanh nợ, giãn nợ, thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi... đối với các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm điều kiện để nhanh chóng phục hồi và ổn định sản xuất trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Mai Văn On - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Thạnh. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Mai Văn On - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Thạnh. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Mai Văn On – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Thạnh cho biết: Để quy hoạch các vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái, UBND huyện Tân Thạnh đã giao các ngành chuyên môn thuê Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ cập nhật bản đồ đất, đánh giá tiềm năng thích nghi để chuyển đổi cây trồng. Kết quả đánh giá cho thấy, vùng đất phía trong trạm bơm Tân Đồng Tiến, xã Tân Lập với diện tích khoảng 650ha rất thích hợp để chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây có múi (mít, sầu riêng). Hiện tại, toàn xã Tân Lập đã chuyển đổi 96ha đất lúa sang trồng sầu riêng, ngoài ra còn có khoảng 100ha được chuyển đổi sang trồng mít, ổi, chanh, bưởi.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Vũ Quang xây dựng nông thôn mới lấy động lực từ nông nghiệp

HÀ TĨNH Nông nghiệp là động lực quan trọng giúp huyện biên giới Vũ Quang sớm trở thành huyện miền núi đầu tiên trên cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tôn vinh 100 HTX tiêu biểu và trao giải ngôi sao HTX 'Coop Star Awards'

100 HTX tiêu biểu sẽ được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tôn vinh vào 19h30 ngày 11/4 tại Nhà hát Quân đội, quận Cầu Giấy, Hà Nội.