Không chỉ nổi bật bởi mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả, ông Nguyễn Đức Cường (SN 1973), Bí thư kiêm Trưởng bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) còn là người âm thầm cống hiến, gắn bó lâu dài với các phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo nên diện mạo đổi thay rõ nét cho vùng quê nơi rẻo cao Tây Bắc.

Gia đình ông Nguyễn Đức Cường hiện có 7,5 ha rừng mỡ, xoan, đã cho khai thác. Ảnh: Nguyễn Nga.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Mường Cơi, ông Cường là người con của bản Nghĩa Hưng, sớm lựa chọn ở lại gắn bó với quê hương thay vì tìm đường mưu sinh nơi đô thị. Với tư duy linh hoạt và tinh thần cầu thị, ông bắt đầu từ nghề sửa chữa xe máy, rồi chuyển sang chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, kinh doanh thức ăn gia súc và trồng rừng.
“Lúc bắt đầu, tôi chỉ có hai bàn tay trắng và một cái đầu luôn trăn trở. Nhìn quanh bản làng còn nhiều khó khăn, tôi nghĩ: nếu chỉ chăm chăm làm giàu cho mình thì chưa đủ. Phải làm sao để tạo việc làm cho người khác, để cây trái mình trồng không chỉ có giá trị kinh tế mà còn là niềm tự hào của cả vùng quê” - ông Cường chia sẻ.
Với suy nghĩ ấy, năm 2011, ông cùng bà con Nghĩa Hưng chuyển dần diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang cây ăn quả có múi. Đến năm 2018, ông chủ động chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân ủ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa góp phần cải tạo đất canh tác. Quýt ngọt bản Nghĩa Hưng - sản phẩm ông đồng sáng lập thông qua Hợp tác xã trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng đã đạt OCOP 3 sao và 3 năm liền được vinh danh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Sơn La.

2 ha trồng cây ăn quả như quýt ngọt, bưởi da xanh, bưởi diễn cho năng suất đạt khoảng 25 - 30 tấn/ha/năm. Ảnh: Nguyễn Nga.
Hiện nay, gia đình ông sở hữu 2 ha trồng cây ăn quả như quýt ngọt, bưởi da xanh, bưởi diễn với năng suất đạt khoảng 25 - 30 tấn/ha/năm; 7,5ha rừng mỡ, xoan, hiện đã cho khai thác. Ngoài ra, khu vực chuồng trại rộng 1.000m² đang nuôi 80 lợn nái sinh sản, 3 lợn đực giống, khoảng 280 lợn con và 200 lợn thương phẩm, mỗi năm cung cấp ra thị trường 23 tấn lợn hơi và 1.500 con giống.
Bên cạnh đó, gia đình ông còn phát triển thêm dịch vụ sửa chữa xe máy - máy nông nghiệp và kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho bà con trên toàn huyện. Tổng lợi nhuận từ tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt trên 1,3 tỷ đồng/năm.
Xây dựng bản làng bằng việc làm cụ thể
Không phô trương, không ồn ào, ông Cường chọn cách thể hiện trách nhiệm cộng đồng bằng những việc làm cụ thể: đóng góp hàng chục triệu đồng để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa bản, trạm y tế, trường học… ở Mường Cơi.
“Bản có người như anh Cường là may mắn. Anh không chỉ biết làm giàu, mà còn luôn nghĩ cách để bản cùng giàu, xã cùng đẹp” – bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Bí thư Đảng ủy xã Mường Cơi chia sẻ.
Bà Trang cho biết thêm: Gia đình anh Cường là một trong những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã. Không chỉ góp công, góp sức, anh còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia, giúp địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí quan trọng, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập và việc làm.

Khu vực chăn nuôi của gia đình được chú trọng giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Nga.
Ngoài hỗ trợ vật chất, ông Cường còn tiên phong trong các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, thường xuyên phối hợp cùng chính quyền trong việc giữ gìn môi trường, thực hiện cam kết không vi phạm pháp luật, xây dựng đời sống văn minh. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
“Tôi nghĩ, xây dựng quê hương không nhất thiết phải bắt đầu từ những việc lớn lao. Mỗi người góp một chút công, một ít tiền, một vài lời động viên… cũng đủ để bản mình sáng hơn, sạch hơn, ấm áp hơn. Mình làm trước, rồi bà con thấy được sẽ làm theo,” ông Cường nói, giọng chậm rãi mà đầy cương quyết.
Ông cũng là người “mát tay” trong việc tạo sinh kế cho người khác. Mỗi năm, ông tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, thời vụ cho 8 - 10 người, với thu nhập trung bình khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, ông đã hỗ trợ vốn sản xuất, vật tư nông nghiệp trị giá đến 5 tỷ đồng cho hội viên nông dân trong bản, xã và các vùng lân cận - một con số không nhỏ, thể hiện rõ vai trò liên kết và dẫn dắt của ông trong cộng đồng.
Gieo niềm tin từ sự bền bỉ
Trên cương vị Bí thư kiêm Trưởng bản Nghĩa Hưng, ông Cường luôn đi đầu vận động bà con thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm, khuyến khích đa dạng hóa mô hình phát triển kinh tế như chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rừng; trồng cây ăn quả có múi; kinh doanh buôn bán, vận tải... mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân.
Ông đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, tích cực vận động các hộ xây dựng bể biogas để xử lý chất thải. Với những hộ không đủ diện tích, ông tuyên truyền giảm quy mô đàn nhằm tạo điều kiện lắp đặt bể biogas phù hợp với thực tế.

Người nông dân đa nghề với dịch vụ sửa xe máy - máy nông nghiệp và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Nga.
Sự ra đời của Hợp tác xã trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng với 14 thành viên, trong đó ông Cường là một trong những người sáng lập, chính là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực bền bỉ của ông trong việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ bà con phát triển nông nghiệp sạch, hướng đến sự bền vững. Sản phẩm quýt ngọt đạt OCOP 3 sao đã trở thành “thương hiệu bản địa”, góp phần đưa Nghĩa Hưng trở thành bản đầu tiên của huyện Phù Yên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023.
“Tôi hiện đang nỗ lực phấn đấu đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2025, không chỉ cho bản thân, mà còn để lan tỏa tới mọi người rằng: nông dân hoàn toàn có thể làm giàu bằng chính đôi tay mình, trên mảnh đất quê hương. Chỉ cần nghĩ thật, làm thật, và dám thay đổi. Tôi mong câu chuyện của mình sẽ tiếp thêm niềm tin cho những người đang băn khoăn, đang chật vật bắt đầu lại. rằng con đường nông nghiệp vẫn còn rất nhiều cơ hội nếu mình dám đi tới cùng” - ông Cường bộc bạch.
Trải qua hơn nửa đời người, nếm đủ ngọt bùi cay đắng của cuộc sống, ở ông Cường vẫn toát lên vẻ hiền lành, chất phác - cái cốt cách bình dị mà vững chãi của người nông dân vùng cao. Sự điềm đạm ấy không chỉ thể hiện qua lời ăn tiếng nói, mà còn thấm đẫm trong từng việc ông làm, từng con đường ông chọn, lặng lẽ nhưng kiên trì, không chỉ vì gia đình, mà còn vì bản làng, quê hương.
Từ những bước đi bền bỉ ấy, ông Nguyễn Đức Cường đã góp phần đưa bản Nghĩa Hưng đổi thay từng ngày, cùng bà con xã Mường Cơi hướng tới mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.