Trước tình trạng có một bộ phận nông dân dùng thuốc người để chữa bệnh cho động vật, ông Nguyễn Hoài Nam-Trưởng phòng Quản lý thuốc, Cục Thú y đã có những phản ứng gay gắt.
>> ''Đặc trị'' vật nuôi bằng thuốc người: Do chất lượng thuốc thú y kém
>> ''Đặc trị'' vật nuôi bằng thuốc người
Theo người đại diện của Phòng này thừa nhận tại một số nơi, gần đây có hiện tượng sử dụng thuốc tây của người để chữa bệnh cho động vật. Điều này thể hiện sự hạn chế trong nhận thức về sử dụng thuốc của một số người chăn nuôi và các cửa hàng thuốc tây đã chạy theo lợi nhuận mà bất chấp qui định bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế, vì như ta biết việc lạm dụng thuốc kháng sinh, điều trị không đúng thuốc, đúng bệnh sẽ gây nên hiện tượng kháng thuốc, bệnh của động vật không được chữa khỏi hoặc điều trị kéo dài, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh động vật, chưa kể đến những tác dụng phụ của thuốc.
Như đã nêu trên, sở dĩ có hiện tượng nông dân dùng thuốc người chữa cho động vật là do những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Sự hạn chế trong nhận thức về sử dụng thuốc của một số người chăn nuôi, cụ thể là quan niệm có từ thời bao cấp là thuốc đã chữa được bệnh của người thì có thể chữa tốt cho động vật kể cả thuốc đã hết hạn và rằng thuốc kháng sinh có khả năng chữa được mọi thứ bệnh tật.
- Một số cửa hàng bán thuốc cho người và thuốc thú y đã chạy theo lợi nhuận mà bất chấp qui định của Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT.
- Hệ thống thú y viên tại các thôn, xã đã không hoàn thành nhiệm vụ tư vấn cho các hộ chăn nuôi trong việc xác định, chẩn đoán dịch bệnh và sử dụng thuốc thú y để điều trị bệnh cho vật nuôi.
Về chuyện thuốc Cloxit, nó chứa Chloramphenicol là kháng sinh, được phân lập từ Streptomyces venezuelae, hoặc được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp, có tác dụng kìm khuẩn, nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc đối với những vi khuẩn nhạy cảm cao.
Chloramphenicol được dùng trong nhân y để điều trị nhiễm khuẩn đường ruột, niệu đạo, ho gà, đau mắt hột, viêm bì, nhiễm khuẩn ngoài da và bệnh thương hàn, phó thương hàn.
Thuốc gây những tác dụng phụ rất nghiêm trọng đó là thiếu máu không tái tạo, không phục hồi do suy tủy xương, thường gây tử vong. Cũng như những kháng sinh khác, dùng Chloramphenicol có thể dẫn đến sự sinh trưởng quá mức những vi khuẩn không nhạy cảm, kể cả nấm (hiện tượng bội nhiễm).
Trong thú y thì Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 15/2009/TT-BNN, ngày 17 tháng 3 năm 2009 quy định Chloramphenicol là hoạt chất bị cấm sử dụng trong thú y, thú y thủy sản.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn có hiện tượng nông dân mua Cloxit tại các cửa hàng thuốc của người về sử dụng, cách làm này là rất nguy hại vì như đã nêu trên, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, điều trị không đúng thuốc, đúng bệnh chẳng những gây nên hiện tượng kháng thuốc, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh động vật, mặt khác tồn dư Chloramphenicol trong thịt, phủ tạng động vật sẽ gây suy tủy, thiếu máu không tái tạo, không phục hồi do suy tủy xương cho người (đặc biệt là trẻ em) sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật đã uống Cloxit để chữa bệnh.