Nâng cao giá trị và chất lượng hạt gạo Việt
Hiện nay, trên thị trường xuất khẩu có 3 loại gạo: Gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, chiếm tới 60-70%, gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, còn lại 10-15% là gạo thường. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính nhờ chất lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong đó, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo có những bước thăng trầm. Thu nhập của người trồng lúa thấp hơn so với một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, môi trường, chất lượng yêu cầu ngày càng cao.
Theo ông Hè, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" là cơ hội để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững. Việc triển khai Đề án trong thời gian qua đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) cùng các tỉnh thành trong khu vực tích cực triển khai.

Chất lượng lúa gạo của Việt Nam ngày càng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-MT) cho rằng: Việt Nam không chỉ là vựa gạo của Đông Nam Á mà còn là vựa lúa của thế giới. Gạo Việt Nam đã khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thế giới.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2024, ngành hàng gạo Việt Nam tạo dấu ấn với sản lượng xuất khẩu vượt 8 triệu tấn, doanh thu trên 4,5 tỷ USD, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, đồng thời mở ra kỳ vọng mới.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, cần cân đối cung cầu mặt hàng gạo của các bên có liên quan. Đồng thời, có sự điều chỉnh đối với công tác quản lý xuất nhập khẩu gạo đã tồn đọng trong thời gian qua, nhất là sau thời điểm áp dụng Nghị định số 01/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đã ghi nhận những thành tựu nhất định, qua đó nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Bài toán từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam đưa ra bài toán so sánh hiệu quả của nông dân tham gia sản xuất lúa trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải và canh tác lúa theo phương thức truyền thống như: Giảm 50% lượng giống, giảm phân đạm 30%, giảm thuốc bảo vệ thực vật 30%, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%, giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ, từ đó giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/ha/vụ.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu Đề án đặt ra, ông Lê Thanh Tùng kiến nghị, cần tăng cường kết nối hiệu quả giữa các tác nhân của chuỗi giá trị (nông dân, dịch vụ, công ty xuất khẩu, thị trường, tài chính, tiêu chuẩn lúa xanh, phát thải thấp). Đồng thời, đẩy mạnh chia sẻ, trao đổi kiến thức thị trường, công nghệ, kinh nghiệm áp dụng mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Năm 2024, ngành gạo Việt Nam tạo dấu ấn đặc biệt với sản lượng xuất khẩu vượt 8 triệu tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chia sẻ: Hiện nay, vùng ĐBSCL có nhiều giống lúa năng suất cao, phẩm chất gạo ngon, chống chịu được với sâu bệnh như OM5451, OM18, Đài Thơm 8… Các giống lúa này chiếm 70-80% diện tích sản xuất và đóng góp cho hơn 85-90% lượng gạo xuất khẩu của nước ta.
Dù lúa gạo của nước ta đã chiếm ưu thế trong phân khúc gạo trắng hạt dài, tuy nhiên ở phân khúc gạo thơm cấp cao và các phân khúc gạo cao sản chế biến, dinh dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu công lập sẽ giúp đa dạng cơ cấu giống. Qua đó giúp cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội trong việc khai thác thị trường ngách nội địa và quốc tế có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đa dạng về chủng loại giống lúa, cũng nên xây dựng vùng lúa nguyên liệu ổn định về sản lượng và phẩm chất gạo. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và sự tham gia hợp tác từ nhiều bên.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: Sau chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh giải pháp cân đối cung cầu, ổn định và phát triển bền vững thị trường lúa gạo, Ngân hàng Agribank đã nhanh chóng triển khai nhiều chương trình tín dụng cho ngành hàng lúa gạo.