
Lứa dưa leo vụ đầu mang lại lợi nhuận cao khiến nhiều hộ dân muốn mở rộng diện tích trồng. Ảnh: H.Đ.
Thu hàng chục triệu đồng từ cây dưa leo
Xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, Lào Cai) hiện là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến khám phá văn hóa, công trình kiến trúc của bà con người Tày, chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên núi rừng. Cũng vì thế nhu cầu thưởng thức các món đặc sản địa phương ngày càng tăng, thúc đẩy người dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp tại chỗ.
Từ việc trồng lúa hiệu quả thấp, nhiều hộ dân ở Nghĩa Đô mạnh dạn chuyển sang trồng các loại rau màu, cho thu nhập cao hơn.
Gia đình bà Ma Thị Đẹp ở bản Mường Kem đã chuyển đổi hơn một xào ruộng lúa sang trồng dưa leo liên kết. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 20 triệu đồng. Số tiền này tương đối lớn với bà con địa phương và có thể sử dụng vào nhiều việc khi cần.
“Chúng tôi kỳ vọng năm đầu sẽ làm được khoảng 3 vụ dưa leo. Từ năm sau trở đi sẽ là 4 vụ, tính ra mỗi năm thu về khoảng hơn 100 triệu đồng. So với cấy lúa thì trồng dưa leo mang về nguồn lợi gấp 3-4 lần trong khi lại được đảm bảo đầu ra nhờ có đơn vị thu mua. Cây dưa leo lại dễ trồng, ít sâu bệnh nên từ khi thu hoạch có nhiều bà con muốn học và làm theo”, bà Ma Thị Đẹp cho hay.
Theo UBND xã Nghĩa Đô, từ năm 2024, xã triển khai mô hình liên kết với doanh nghiệp để trồng khoảng 52ha dưa leo nếp lai VN76 tại bản Mường Kem, Bản Hón, Nà Luông, Thâm Mạ và Bản Hốc. Có 46 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, phân bón và bà con được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn.
Qua thực tế, cây dưa leo phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Nghĩa Đô. Với những sản phẩm nông nghiệp này, không chỉ đáp ứng nguồn nguyên liệu cho đơn vị bao tiêu mà còn mở ra hướng đi mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phục vụ tiêu dùng tại chỗ nhất là các du khách đến địa phương.
“Từ đầu năm đến nay, trên diện tích liên kết, bà con đã xuất bán được gần 40 tấn dưa leo cho đối tác với giá trung bình từ 8.000-14.000 đồng/kg. Cây dưa leo VN 76 có thời gian thu hoạch từ 30- 45 ngày, mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với cây trồng ngắn ngày khác”, ông Lương Văn Đồng, Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Đô cho biết.

Giống vịt bầu Nghĩa Đô được người dân chăn nuôi để phục vụ du khách. Ảnh: H.Đ.
Đặc sản vịt bầu cổ xanh hấp dẫn thực khách
Từ lâu nay, giống vịt bầu Nghĩa Đô đã gắn với đời sống sản xuất của bà con địa phương. Giống vịt này có thân bầu bĩnh, đầu to, chân ngắn đặc biệt cổ rụt với màu xanh bắt mắt. Với điều kiện tự nhiên sông suối, vịt Nghĩa Đô được chăn thả bán tự nhiên nên rất thơm ngon, mềm, ăn không ngán.
Trước đây, bà con nuôi vịt phục vụ nhu cầu gia đình, sử dụng cho những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay, vịt Nghĩa Đô đã trở thành đặc sản địa phương. Vịt Nghĩa Đô trưởng thành có trọng lượng từ 2-2,5kg và được nuôi tới 6 tháng mới xuất bán nên khó cạnh tranh với vịt nuôi công nghiệp.
Tuy nhiên, từ năm 2021, dự án “Phát triển chuỗi giá trị vịt bầu Nghĩa Đô”, tập trung tuyển chọn con giống và chuyển giao kỹ thuật duy trì đàn nhằm giữ chất lượng; đồng thời hỗ trợ người dân xây phòng ấp nở con giống; hướng dẫn kỹ thuật nuôi vịt lấy trứng, vịt thương phẩm…
Theo ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, hiện nay, vịt bầu Nghĩa Đô đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể; đạt chứng nhận OCOP 3 sao, đã giúp giá bán tăng 10-15%. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và thị trường được rộng không chỉ giới hạn tại địa phương. Bà con cũng nuôi vịt theo quy mô hàng hóa thay vì nuôi nhỏ lẻ như trước đây.
Xã Nghĩa Đô hiện có gần 800 hộ nuôi, cung cấp ra thị trường khoảng 15 nghìn con mỗi năm. Ngoài ra, các mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã được hình thành để các hộ chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, ổn định đầu ra cho sản phẩm vịt của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thọ ở bản Thâm Mạ, thành viên hợp tác xã cho biết, đàn vịt 250 con, mỗi ngày thu được khoảng 150 quả trứng. Số trứng này để ấp nở gây giống cung cấp cho bà con quanh vùng.
“Trước kia, nuôi vịt chỉ làm chuồng trại sơ sài, nên hiệu quả không cao. Từ khi chăn nuôi vịt bầu theo hướng hàng hóa, đầu tư chuồng trại kiên cố, nhân đàn, nhân giống, tận dụng cây ngô, chuối, thóc làm thức ăn thì con vịt đã cho thu nhập ổn định”, ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.

Một góc bản làng của xã Nghĩa Đô. Ảnh: H.Đ.
Du lịch thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Theo thống kê, trong đợt nghĩ lễ 30/4-1/5 có khoảng 23 nghìn lượt khách đã đến các điểm du lịch cộng đồng để khám phá văn hóa, thưởng thức ẩm thực của bà con dân tộc Tày tại Nghĩa Đô. Không những vậy, du khách được trải nghiệm, tham gia vào các trò chơi dân gian ném còn, đi cà kheo, đan lát…
Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư xã Nghĩa Đô cho hay, xã Nghĩa Đô là điểm du lịch của tỉnh Lào Cai và cấp ủy, chính quyền địa phương xác định mục tiêu phát triển du lịch là mũi nhọn. Do vậy, xã gắn hoạt động bảo tồn văn hóa với phát triển sản xuất của bà con nhân dân.
“Mọi hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp đều gắn với du lịch, ví dụ trồng lúa, chúng tôi tạo ra "Mùa vàng Nghĩa Đô bên dòng Nậm Luông"; đầu ra của vịt là sản phẩm ẩm thực đặc sắc... Mỗi điểm đến là một sản phẩm, từ đó nhân đôi được giá trị: Sản xuất và du lịch. Do vậy, sản xuất nông lâm nghiệp gắn bó chặt chẽ với phát triển du lịch của xã Nghĩa Đô”, ông Đỗ Văn Lưu nói.
Bên cạnh đó, các lễ hội, trò chơi dân gian thì cũng tạo ra những sản phẩm dịch vụ riêng biệt, hấp dẫn du khách hơn, ví dụ sau lễ hội ném còn, du khách có thể mua quả còn về làm quà tặng.
Cũng theo Bí thư xã này, từ đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao. Tuy nhiên, đến nay Nghĩa Đô đang phấn đấu thành xã nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. Để làm được điều này, xã tập trung vào tăng thu nhập cho người dân trên mỗi diện tích canh tác. Trong đó, chuyển đổi giống cây trồng, từ trồng lúa sang trồng dưa, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, xã tiếp tục mở rộng diện tích cây dâu tằm để đa dạng các sản phẩm. Đồng thời, tạo ra môi trường xanh, du lịch xanh để bà con vừa sản xuất vừa tạo ra giá trị dịch vụ du lịch nông thôn.