Điều tra, xử lý vi phạm tại công trình thủy lợi Ia Mơr
Mới đây, UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) đã có văn bản chỉ đạo Công an huyện Chư Prông phối hợp với UBND xã Ia Mơr điều tra, làm rõ các đối tượng có dấu hiệu lợi dụng chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tự ý dựng nhà cửa, chuồng trại, cây trồng trong phạm vi các tuyến kênh nhánh thuộc dự án thủy lợi Ia Mơr (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông).

Hồ thủy lợi tại huyện Chư Prông được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh Tuấn Anh.
Được biết, công trình thủy lợi Ia Mơr có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, phê duyệt đầu tư năm 2005 do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 12.500 ha (trong đó, 8.000 ha thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và 4.500 ha thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk) và phục vụ nước sinh hoạt cho 50.000 người dân.
Hiện tại, công trình đã hoàn thành 2 giai đoạn gồm xây dựng hệ thống đập thủy lợi Ia Mơr (chặn dòng năm 2017) và hệ thống kênh chính. Theo kế hoạch, giai đoạn 3 sẽ xây dựng hệ thống kênh nhánh dẫn nước đến các vùng tưới.
Được biết, dự án thủy lợi Ia Mơr đang tiến hành đầu tư xây dựng 12 tuyến kênh nhánh để phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha đất canh tác của người dân và đã được phê duyệt vào khoảng tháng 6/2021, dự kiến xây dựng vào cuối năm 2021. Trước đó, chủ đầu tư có cho các đơn vị chuyên môn đi đo đạc, cắm mốc. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 7/2021, người dân địa phương phản ánh và báo cáo của chính quyền xã Ia Mơr, đã có tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình lán trại trên đất nông nghiệp thuộc một số tuyến kênh nhánh của thủy lợi Ia Mơr.
Thời điểm UBND huyện Chư Prông đi kiểm tra vào cuối tháng 7/2021, trên các tuyến kênh dẫn thủy lợi Ia Mơr có ít nhất 5 ngôi nhà được xây dựng bằng ván cũ, mái lợp tôn. Mỗi căn nhà được xây có diện tích hơn 100m2 và nằm trọn trong phạm vi xây dựng tuyến kênh nhánh, thậm chí có một số căn nhà nằm đúng giữa tim tuyến kênh. Hiện trạng thực tế các căn nhà chỉ có bộ khung nhà còn bên trong trống trơn, chưa có dấu hiệu sử dụng công trình, thậm chí có nhiều loại cây cỏ mọc trong đó.
Theo ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch UNBD huyện Chư Prông, các kênh nhánh của thủy lợi Ia Mơr đã được cắm mốc trước, trong khi việc xây dựng các công trình nhà, chuồng trại này còn mới, diễn ra sau việc cắm mốc, ước tính xây dựng khoảng 2 tháng trở lại đây.
“Công trình xây dựng ở trong phạm vi hệ thống kênh đã có cắm mốc nhưng người dân cố tình xây dựng, có nghĩa là người ta đang có hành vi trục lợi về chính sách bồi thường mặt bằng”, ông Vũ thông tin.
Trước vấn đề này, UBND huyện giao UBND xã Ia Mơr thông báo rộng rãi cho toàn thể nhân dân trên địa bàn xã được biết về chủ trương đầu từ 12 tuyến kênh nhánh để phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1000 ha đất canh tác của người dân. Hiện các tuyến kênh đã được bản giao mốc cho địa phương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, xã Ia Mơr cần tuyên truyền, vận động người dân giữ nguyên trạng đất đai, cây cối, họ màu, vật kiến trúc khác trên đất, không được tự ý xây dựng, coi nơi nhà cực chuồng trại, vật kiến trúc, cây trồng mới... trong phạm vi dự án đã được quy hoạch.

Nhiều người dân tự ý xây nhà tạm trong phạm vi công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh.
UBND huyện Chư Prông cũng yêu cầu UBND xã Ia Mơr chịu trách nhiệm nếu để người dân vi phạm trong việc phát sinh nhà cửa, chuồng trại, cây trồng mới, vật kiến trúc khác... trong phạm vi công trình làm phát sinh và ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ của dự án.
Cũng trong văn bản chỉ đạo, UBND huyện yêu cầu Công an huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn điều tra, xác mình làm rõ các đối tượng có dấu hiệu lợi dụng chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tự ý xây dựng hàng loạt nhà cửa, chuồng trại, cây trồng mới trong phạm vi các tuyến kênh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh ngăn chặn vi phạm tại các công trình thủy lợi
Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng được 352 công trình thủy lợi (118 hồ chứa các loại, 194 đập dẳng và 40 trạm bơm) với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411 ha cây trồng các loại (36.844 ha lúa, 30,567 ha rau, hoa màu, cây công nghiệp).
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính từ năm 2015 đến nay đã có 377 vụ vi phạm hành lang bảo vệ các tuyến kênh thủy lợi, trong đó có 1 vụ xả thải vào tuyến kênh và 1 vụ tự ý phá dỡ kênh gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc trồng cây lâu năm, đào ao hồ lấy nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn còn xảy ra.
Công ty Thủy lợi Gia Lai đang quản lý, khai thác 12 hồ chứa, 18 đập dâng và trạm bơm. Theo báo cáo của công ty, trong tháng 8/2021 đã có hơn 10 vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Các vụ vi phạm tập trung chủ yếu gây cản trở dòng chảy, đổ rác thải và xả thải vào công trình thủy lợi.
Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Gia Lai cho biết, tất cả các trường hợp vi phạm đã được công ty làm việc với chính quyền địa phương và các hộ dân để lập biên bản đề nghị ngừng sản xuất, di dời, giải tỏa ra ngoài phạm vi hành lang chỉ giới công trình theo quy định.
Hiện nay, các hồ thủy lợi vừa và nhỏ do địa phương quản lý, vận hành cũng đã xảy ra tình trạng vi phạm chủ yếu liên quan đến lấn chiếm hành lang an toàn các công trình thủy lợi.
Theo báo cáo của huyện Ia Grai, trên địa bàn có khoảng 22 công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Hiện có một số công trình trong quá trình xây dựng, giải phóng mặt bằng đã bị người dân lấn chiếm. Cụ thể, người dân tự ý làm hàng rào lấn chiếm vào phần đất của công trình để ngăn trâu, bò phá hoại vườn cây. Trước vấn đề này, huyện Ia Grai cũng đã tuyên truyền đến các hộ dân và làm việc với các xã để yêu cầu người dân tháo dỡ các hàng rào gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn hồ đập.

Hành lang an toàn công trình thủy lợi Ayun Hạ (huyện Chư Prông) luôn được kiểm tra, bảo vệ. Ảnh:Tuấn Anh.
Đánh giá về các công trình thủy lợi, ông Vũ Ngọc An, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, việc quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi đầu tư trên địa bàn tỉnh được vận hành an toàn, khai thác hiệu quả việc thực hiện hệ thống pháp luật về thủy lợi trong quản lý.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi, chủ yếu là hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ các tuyến kênh để trồng ra màu, làm công trình phụ, hàng rào và trồng cây lâu năm của các hộ gia đình có đất nằm sát hành lang bảo vệ các tuyến kênh.
“Hầu hết các vụ việc vi phạm nói trên đã được các đơn vị quản lý công trình phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ, di dời cây lâu năm ra khỏi hành lang bảo vệ công trình”, ông An cho biết.
Với công trình thủy lợi Ia Mơr, UBND huyện Chư Prông yê cầu phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT), Phòng NN-PTNT, Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện, các đơn vị liên quan và UBND xã la Mơr tham mưu UBND huyện thực hiện theo đúng quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý hiện trạng sử dụng đất thuộc dự án thủy lợi Ia Mơr.