Mừng ngày Quốc khánh 2/9, tìm lại dấu ấn một thời qua trang sử hào hùng của những ngày đầu cách mạng bùng lên ở Nam bộ, ít ai ngờ rằng vào thời thực dân Pháp ra sức khai thác, tận thu sản vật Nam kỳ lục tỉnh, giữa vùng đồng ruộng bao la - nằm kề bên lẫm lúa, điền đất chủ Tây, chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đầu tiên được thành lập (10/11/1929).
Quá khứ hào hùng
Một ngày cuối tháng 8, nắng rực rỡ sau những ngày hoàn lưu mưa bão thâm u. Thị trấn Cờ Đỏ nhộn nhịp xe, tàu trên bến dưới thuyền. Khi các công trình giao thông đưa vào vận hành gỡ thế bí độc đạo của một chợ quê nghèo giữa đồng bưng, Cờ Đỏ thành tâm điểm hội tụ giao thông thủy bộ của 6 tuyến đường giao thương hàng hóa đi về Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang.
Đến Cờ Đỏ chúng tôi may mắn gặp anh Thành, cán bộ Ban Dân vận huyện. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên am tường từng con kênh, chiếc cầu sắt bắc qua dãy phố sáu căn cho đến sân phơi, lẫm lúa… Dấu tích đồn điền của chủ điền Tây Paul Eméry cai quản vào thời Pháp trước đây.
Theo chỉ dẫn của anh, chúng tôi dừng chân trước lẫm lúa nằm cạnh bờ kênh xáng. Có lẽ đây là chỉ dấu cuối cùng còn sót lại. Sau khi giặc Pháp thua chạy, thời Mỹ và chế độ cũ miền Nam thiết lập đồn bốt chi khu quân sự quận đối diện phía bên kia bờ kênh, nơi lẫm lúa được sửa lại làm rạp hát và trước sân là bãi cỏ rộng thênh thang. Anh Thành còn nhớ hàng me tây già nua, xanh rì hai bên bờ kênh. Xa xa ống khói nhà máy xay lúa nhô cao.
Dấu tích lẫm lúa đồn điền Cờ Đỏ xưa kia
Lần theo tư liệu khảo cứu lịch sử kháng chiến Nam bộ, cách đây 84 năm, vào đêm 10/11/1929, tại một căn chòi ngang lẫm lúa đồn điền Cờ Đỏ, thuộc làng Thới Đông, tổng Thới Bảo, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, đồng chí Hà Huy Giáp - Ủy viên Ban Chấp hành Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, được phân công về Ô Môn phối hợp cùng các đồng chí Nguyễn Văn Nhung, quê ở Long Hồ - Vĩnh Long, trước làm thư ký Tòa khâm sứ ở Phnom Penh và đồng chí Bảy Núi từ Cà Mau được điều lên Ô Môn, trước làm thư ký Bưu điện Biên Hòa đã thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư.
Mãi sau này vẫn còn nhiều ý kiến bàn thảo vì sao nơi gieo mầm cách mạng chọn một nơi đồng ruộng bốn bề và quá hiểm nguy, vì nằm cách nhà chủ điền Tây - nơi mật thám, lính mã tà thường xuyên lai vãng? Rõ là các đồng chí tiên phong cách mạng thời ấy tính toán khôn ngoan.
Đồn điền Cờ Đỏ là nơi tập trung hàng ngàn tá điền, lao động làm thuê vác lúa cho nhà máy xay, kho lúa. Nơi đó tất yếu phát sinh mâu thuẫn cao độ giữa công nhân, nông dân với chủ điền, cần có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng; đồng thời là điều kiện thuận lợi cho cán bộ thâm nhập, vận động quần chúng đi theo cách mạng, được quần chúng che chở, gây dựng phong trào để nhân rộng ra các địa phương khác trong vùng.
Quả thật sự ra đời chi bộ đầu tiên ở Cờ Đỏ đánh dấu bước ngoặt lịch sử của phong trào cách mạng, từ những cuộc đấu tranh ban đầu tự phát, lẻ tẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng dẫn đến cao trào.
Nhiều cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp ở năm làng Thới Đông (Cờ Đỏ), Thới Lai, Thới Thạnh, Thới An (quận Ô Môn) và làng Phong Hòa (Đồng Tháp). Sau đó, quận Ô Môn thành lập thêm bốn Chi bộ Đảng ở Phong Hòa, Thới Thạnh, Thới An và Trường Thành..., tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo qua các tổ chức của Đảng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ phản đế… tác động mạnh mẽ đến nhiều địa phương ở Đồng Tháp, An Giang...
Sách xưa ghi dấu những năm mất nước, người dân lầm than. Nông dân Nam bộ dù sống trong điền của chủ Tây hay chủ Việt đều cực khổ như nhau. Chủ đất nào cũng có giá thu địa tô tùy hứng, gom góp ít nhất là 80% tổng số lúa thu hoạch, ở đâu cũng cho vay nặng lãi công khai hoặc trá hình. Nông dân làm tá điền sống trong tình trạng bán thất nghiệp, làm ruộng một mùa độc canh. Hình ảnh quá khứ ngày ấy chỉ mãi lùi xa một khi đất nước độc lập, nông dân có ruộng cày.
Đổi mới
Trước sân lẫm lúa đồn điền Cờ Đỏ ngày nay mọc lên dãy nhà kho trữ lúa gạo và hệ thống lò sấy lúa của Nông trường Cờ Đỏ, tiền thân của Cty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ (COAGRICO) ngày nay.
COAGRI trên nền đồn điền xưa kia
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc COARICO kể lại: Vào thời Pháp đồn điền Cờ Đỏ như hình vuông trải rộng, chiều ngang bằng chiều dài 8 km, tổng diện tích 6.400 ha. Dọc theo các tuyến kênh trục, cách 1 km chủ điền Pháp cho đào một kênh ngang lấy nước.
Đồn điền thuộc vùng đất thấp, ngập sâu vùng Nam sông Hậu, giao thông đường bộ hầu như không có, chủ yếu đi lại bằng đường thủy, làm lúa mùa một vụ. Sau ngày hòa bình, đến năm 1977 Nông trường Cờ Đỏ được thành lập thuộc Bộ Nông nghiệp và từ những năm 1979-1980, nông trường bắt đầu nạo vét kênh, xây dựng đường giao thông, kho tàng, sân phơi, trại chăn nuôi, quy hoạch cải tạo đồng ruộng, bước đầu chuyển đổi được 400 ha sản xuất lúa 2 vụ.
Trong giai đoạn đổi mới phát triển (1987-2006), Bộ chuyển giao nông trường về tỉnh Hậu Giang (cũ) quản lý, từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp. Năm 1990 nông trường chuyển đổi, nâng tổng diện tích SX lúa 2 vụ lên 12.000 ha/năm. Năng suất bình quân nâng lên 7-8 tấn/ha/năm, sản lượng lúa đạt trên 35.000 tấn/năm, tăng gấp 7-8 lần so với thời kỳ đầu.
Đến năm 1993 nông trường tiếp tục đầu tư giao thông; thủy lợi xẻ thêm kênh tiêu nước, rửa phèn chống ngập úng tạo điều kiện cơ giới hóa đồng ruộng cho 1.945 hộ dân nhận khoán đất, mỗi hộ 2,25 ha. Từ năm 1996 đến nay, kết quả ứng dụng khoa học kỹ thuật năng suất lúa tiếp tục nâng lên, vụ ĐX đạt 7,2 tấn/ha, vụ HT đạt 5,5 tấn/ha, sản lượng lúa đạt 76.000 tấn/năm.
Ngày nay khắp các tuyến kênh ngang đường xe 2 bánh chạy tới đồng ruộng. COARICO là doanh nghiệp có vùng SX lúa nguyên liệu rộng lớn, phát triển cơ giới hóa chủ động các khâu làm đất, cày bừa đến thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt 95% diện tích. Nông dân sử dụng lúa giống xác nhận đạt trên 85% và SX lúa chất lượng cao, lúa thơm xuất khẩu.
Công ty thực hiện chính sách thu khoán nông dân theo hợp đồng 200 kg lúa/ha/năm. Nông dân được công ty hỗ trợ vốn vay SX và cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, lúa giống, sấy lúa… đều thấp hơn so với giá thị trường 10-15%. Cuối vụ công ty thu mua theo giá thị trường tại 3 hệ thống kho tàng sức chứa 30.000 tấn và 63 lò sấy công suất 700-800 tấn/ngày.
Cờ Đỏ hôm nay trên bến dưới thuyền
Nhìn trên bình diện chung, huyện Cờ Đỏ tạo được chuyển biến căn bản trong việc giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy là một huyện nghèo tái lập từ năm 2004, mức thu nhập người dân còn thấp, nhưng khi bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, đông đảo người dân hưởng ứng, đồng lòng. Lúc đầu còn nhiều xã quá khó khăn chỉ đạt 1-2 tiêu chí, nhưng đến nay xã nào cũng vượt trên 5-6 tiêu chí.
Ở xã Đông Thắng mô hình điểm, với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang TP Cần Thơ chung sức xây dựng NTM, Ban chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ trực tiếp chỉ đạo, từ 1-2 tiêu chí đã vượt lên đạt 9 tiêu chí. Riêng Trung An là xã điểm tiến triển nhanh nhất đạt gần hết tiêu chí, chỉ còn tiêu chí cơ sở vật chất trường học dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013.
Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ - ông Lê Tấn Thủ cho rằng: Chủ trương xây dựng NTM nâng cao thu nhập người dân, giảm hộ nghèo mục tiêu hướng tới đảm bảo bền vững. Hiện nay huyện có mức thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/người/năm vẫn còn thấp khá xa so với mức bình quân chung của thành phố 54,7 triệu đồng/người/năm. Như vậy làm thế nào rút ngắn khoảng cách để thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM?
Cờ Đỏ cần tiếp tục tổ chức SX, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình SX có hiệu quả, đặc biệt là tiếp tục mở rộng mô hình cánh đồng mẫu (CĐM) và đầu tư dạy nghề tạo việc làm để tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Hiện nay, cùng với Cty COARICO và Nông trường Sông Hậu, huyện có 8/9 xã thực hiện cánh đồng mẫu với tổng diện tích trên 22.800 ha. Lợi nhuận nông dân tăng cao thêm 2-3 triệu đồng/ha. Sắp tới dự án chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống triển khai tại thị trấn Cờ Đỏ, với tổng kinh phí 240 tỷ đồng sẽ tạo thêm vẻ mỹ quan đô thị Cờ Đỏ tương lai. |