| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội đặt mục tiêu có thêm từ 2.000 sản phẩm OCOP trở lên

Thứ Hai 28/07/2025 , 20:10 (GMT+7)

Từ năm 2021 đến nay Hà Nội đã đánh giá được 2.263 sản phẩm OCOP trong đó 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 840 sản phẩm 4 sao, 1.412 sản phẩm 3 sao.

Khách thăm các sản phẩm OCOP của Hà Nội. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Khách thăm các sản phẩm OCOP của Hà Nội. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Ngoài những chủ thể OCOP là hộ cá nhân, Hà Nội còn có nhiều chủ thể OCOP là các chủ doanh nghiệp, giám đốc hợp tác xã (HTX), chủ trang trại. Trong 1.336 HTX đang hoạt động có 134 HTX nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong 1.574 trang trại có  23 trang trại có chứng nhận sản phẩm OCOP gồm các sản phẩm nông sản tươi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ hay sản phẩm đã qua chế biến.

Trên địa bàn đã hình thành một số trang trại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái có hiệu quả kinh tế cao như: trang trại giáo dục Erahose ở Long Biên; trang trại trải nghiệm Vạn An ở Thanh Trì; trang trại bò sữa ở Ba Vì...Ngoài ra, thành phố còn khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động và có 761/3.317 (22,9 %) sản phẩm OCOP của những địa phương này. Các sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (mì, miến, bún, bánh, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…).

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Nhiều làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu hàng năm cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức đạt trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.800 lao động; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, huyện Hoài Đức đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, huyện Hoài Đức đều đạt trên 1.000 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, huyện Thạch Thất doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng, huyện Thạch Thất đạt gần 1.000 tỷ đồng, làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng, Vân Hà, huyện Đông Anh có doanh thu bình quân đạt 1.100 tỷ đồng; 02 làng nghề giầy da thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên đạt 500-700 tỷ đồng giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 600-800 lao động...Đây cũng là những nơi cung cấp nhiều các sản phẩm OCOP 3, 4, 5 sao.

Để hỗ trợ cho các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hàng năm Hà Nội tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, đưa sản phẩm lên sàn điện tử, mạng xã hội… Bên cạnh đó, thành phố đã phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Chả cá Huệ Dương-một sản phẩm OCOP có tiếng của Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chả cá Huệ Dương-một sản phẩm OCOP có tiếng của Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo kế hoạch đến năm 2025 Hà Nội phấn đấu phát triển 18 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Kết quả, năm 2023, có 10 trung tâm của Phú Xuyên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức và Hà Đông; năm 2024 có 6 trung tâm của Gia Lâm, Mê Linh, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Oai, Quốc Oai. Dự kiến năm 2025, Hà Nội công nhận thêm 5 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, đưa tổng số thành 21, vượt chỉ tiêu của chương trình đề ra đến năm 2025.

Song song với đó thành phố tiếp tục tổ chức việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực phân hạng sản phẩm OCOP. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng sản phẩm tiềm năng 5 sao, đề nghị Trung ương công nhận. Tổ chức thành công festival OCOP Việt Nam.

Tuy nhiên, Hà Nội đến nay mới có 6 sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Do vậy ngay từ bây giờ thành phố cần tập trung rà soát, hỗ trợ các sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao để trình Trung ương công nhận đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra.

Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thuỷ sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành trung tâm sản xuất giống chất lượng cao của khu vực; liên kết với các tỉnh, thành trên cả nước để cung ứng nông sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô; đánh giá, phân hạng được thêm 2.000 sản phẩm OCOP trở lên. 

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội.

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất