| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số thổi sinh khí mới vào kỹ thuật công trình thủy lợi

Thứ Tư 07/05/2025 , 17:31 (GMT+7)

Việc khai trương Trung tâm Chuyển đổi số đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của Trường Đại học Thủy lợi trong ứng dụng công nghệ vào đào tạo, nghiên cứu, đổi mới giáo dục.

Trong bối cảnh yêu cầu phát triển bền vững và chuyển đổi công nghệ ngày càng cấp thiết, ngành kỹ thuật công trình đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là các nền tảng BIM (mô hình thông tin công trình), GIS (hệ thống thông tin địa lý) và AI (trí tuệ nhân tạo).

Trường Đại học Thủy lợi khai trương Trung tâm Chuyển đổi số sáng 7/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Trường Đại học Thủy lợi khai trương Trung tâm Chuyển đổi số sáng 7/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh việc giúp trực quan hóa mô hình thiết kế, những công cụ này còn mang lại khả năng kết nối dữ liệu không gian, mô phỏng vòng đời công trình, tối ưu hóa chi phí, vận hành và quản lý hạ tầng một cách hiệu quả.

GS.TS Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi coi chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu trong đổi mới giảng dạy. Theo ông, đội ngũ giảng viên của trường có trình độ chuyên môn cao và rất tâm huyết, nhưng còn gặp trở ngại về công nghệ nên việc truyền tải kiến thức đôi khi chưa bắt nhịp được với thực tế ngành nghề.

“Chuyển đổi số giúp bài giảng trực quan hơn, sinh động hơn. Sinh viên dễ tiếp cận vấn đề hơn, còn giảng viên có thêm công cụ để chuyển tải những tri thức phức tạp một cách sáng tạo và hiệu quả” ông chia sẻ.

Lãnh đạo trường cũng nhấn mạnh định hướng chiến lược của nhà trường là đổi mới toàn diện chương trình đào tạo. Trong đó, kiến thức về công nghệ số và các công cụ thực hành hiện đại như BIM, GIS sẽ được tích hợp vào môn học để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp không gặp khoảng hẫng giữa đào tạo và môi trường làm việc.

Đại diện Portcoast giới thiệu những công nghệ tiên tiến với lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: Bảo Thắng.

Đại diện Portcoast giới thiệu những công nghệ tiên tiến với lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: Bảo Thắng.

Một trong những bước đi cụ thể để hiện thực hóa chiến lược đó chính là việc Trường Đại học Thủy lợi và Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) ký thỏa thuận hợp tác chính thức vào ngày 12/4 và khai trương Trung tâm Chuyển đổi số trong kỹ thuật xây dựng ngày 7/5.

Đây là một văn phòng chuyên biệt, đặt trong khuôn viên nhà trường, hướng tới triển khai đào tạo, tổ chức hội thảo, chia sẻ công nghệ và phối hợp nghiên cứu ứng dụng giữa giảng viên - sinh viên - doanh nghiệp.

Theo thỏa thuận, Portcoast sẽ tư vấn lộ trình áp dụng BIM - GIS vào các chương trình giảng dạy, đồng thời hỗ trợ đào tạo giảng viên và sinh viên qua các khóa tập huấn, mô hình thực hành và dự án ứng dụng.

Không chỉ dừng ở hoạt động học thuật, hai bên hướng tới hợp tác thực tế trong các dự án hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài nước, từ đó đưa sinh viên tiếp cận các yêu cầu nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên giảng đường.

Ở chiều ngược lại, Trường Đại học Thủy lợi sẽ hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho nhân sự của Portcoast, đồng thời giới thiệu nguồn nhân lực trẻ có năng lực chuyên môn và kỹ năng công nghệ cho các vị trí tuyển dụng tại doanh nghiệp. Đây là mô hình hợp tác hai chiều, nơi trường học không chỉ là nơi cung cấp tri thức mà còn là đối tác chiến lược của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chuyển đổi số.

Mô phỏng 3D trong thiết kế công trình. Ảnh: Portcoast.

Mô phỏng 3D trong thiết kế công trình. Ảnh: Portcoast.

Hiệu trưởng Nguyễn Trung Việt đánh giá, chuyển đổi số giờ không còn là khái niệm xa lạ nữa mà trở thành thực tế ngay trong từng tiết học, từng bài giảng, từng bản thiết kế mô phỏng.

Do đó, công tác giáo dục, đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật cũng không dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn mở ra cánh cửa để người học bước vào thế giới công nghệ, thích ứng và dẫn dắt tương lai ngành xây dựng hạ tầng.

Công nghệ BIM - GIS được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với công tác giảng dạy. Thay vì bản vẽ 2D, sinh viên được tiếp cận với mô hình 3D có thông tin đầy đủ, dễ hình dung cấu trúc và vận hành của công trình trong bối cảnh thực địa, chẳng hạn đập thủy lợi hoặc hệ thống thoát nước trong khu dân cư...

Đặc biệt, những mô hình công trình số có thể dùng để mô phỏng vận hành, sự cố, kịch bản môi trường như mô phỏng lũ, ngập úng… Dựa trên nền tảng dữ liệu chính xác và giàu tính tương tác hơn so với cách truyền thống, sinh viên được rèn luyện kỹ năng phân tích đa chiều, rất cần trong thực tiễn thiết kế và quy hoạch.

Xem thêm
Nuôi cầy hương nếu chủ quan rất dễ trắng tay

Việc chăm sóc cầy hương không khó, nhưng nếu người nuôi không có niềm say mê, kiến thức, thậm chí chỉ cần lơ là, chủ quan là rất dễ trắng tay.

Hơn 50.000 người dân Bắc Ninh tham gia tổng vệ sinh môi trường

BẮC NINH Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh triển khai thành công tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2025 trên địa bàn toàn tỉnh.

Hành trình từ đất dốc đến những mùa quả ngọt: [Bài 2] 'Cây đổi đời' của người Mai Sơn

SƠN LA Diện tích và sản lượng cây na trên đất Mai Sơn đã tăng gần gấp đôi sau 6 năm, từ hơn 400ha nay đã gần 800ha.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài cuối] Chìa khóa để phát triển bền vững

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để nuôi biển phát triển bền vững trong bối cảnh ngành thủy sản nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ.

Người dân tự nguyện bàn giao 2 cá thể gấu về với thiên nhiên

YÊN BÁI 'Khi được tuyên truyền, vận động, tôi nhận thấy cần trả lại chúng về với thiên nhiên', ông Đỗ Văn Vượng, người nuôi gấu hợp pháp tại Yên Bái chia sẻ.