| Hotline: 0983.970.780

Trường Đại học Thủy lợi nhận 3 bằng độc quyền sáng chế

Thứ Sáu 25/04/2025 , 13:40 (GMT+7)

Sở hữu trí tuệ trở thành động lực phát triển và được xem là giải pháp hữu ích cho nhà trường hướng tới công trình xanh và kinh tế tuần hoàn.

Sáng 25/4, Trường Đại học Thủy lợi phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (IP Day) 2025 với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc - Cảm nhận nhịp đập của sở hữu trí tuệ”.

GS-TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi phát biểu chào mừng. Ảnh: Bảo Thắng.

GS-TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi phát biểu chào mừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Sự kiện không chỉ là nơi tôn vinh những đóng góp của giới khoa học, mà còn góp phần lan tỏa nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống hiện đại.

Phát biểu tại buổi lễ, GS-TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi khẳng định: “Sở hữu trí tuệ là nền tảng thúc đẩy tri thức, đổi mới sáng tạo và là một phần không thể thiếu trong phát triển đại học hiện đại”.

Theo ông, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh 3 trụ cột chiến lược gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, việc xây dựng và bảo hộ tài sản trí tuệ chính là động lực then chốt cho tăng trưởng bền vững.

Trường Đại học Thủy lợi là một trong số ít cơ sở giáo dục đại học duy trì hoạt động sở hữu trí tuệ bài bản và liên tục. Trường thường xuyên phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và tư vấn chuyên sâu cho cán bộ, giảng viên, sinh viên về quy trình đăng ký và thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Nhà trường cũng dành nguồn kinh phí ổn định để hỗ trợ hoạt động này, khuyến khích giảng viên phát triển các sáng chế ứng dụng thực tiễn.

Cục trưởng Lưu Hoàng Long trao 3 bằng độc quyền cho Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: Bảo Thắng.

Cục trưởng Lưu Hoàng Long trao 3 bằng độc quyền cho Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhờ sự đầu tư bài bản và chiến lược, đến nay Trường Đại học Thủy lợi đã có 10 bằng độc quyền sáng chế, trong đó nhiều sáng chế đã được chuyển giao ứng dụng trong lĩnh vực công trình, môi trường và cơ khí; 1 bằng sáng chế quốc tế được cấp tại Ấn Độ; 6 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; và nhiều đơn đăng ký sáng chế đang trong quá trình thẩm định.

Đặc biệt tại sự kiện IP Day 2025, trường đã vinh dự nhận 3 bằng độc quyền sáng chế gồm: (1) Bằng độc quyền sáng chế: Kết cấu dàn chịu lực sử dụng thanh họ tre chứa bê tông cốt thép – kết hợp vật liệu tự nhiên với kỹ thuật kết cấu hiện đại nhằm giảm phát thải trong xây dựng;

(2) Bằng độc quyền sáng chế: Bê tông nhẹ sử dụng vỏ hạt macca, quy trình sản xuất và cấu kiện xây dựng từ vật liệu này – giải pháp vật liệu xanh hướng tới công trình bền vững và kinh tế tuần hoàn;

(3) Bằng độc quyền giải pháp hữu ích: Phương pháp chế tạo thanh cây họ tre chứa bê tông cốt thép – phát triển tiếp theo của sáng chế đầu tiên, tăng tính thực tiễn và khả năng triển khai công nghiệp.

Các đại biểu bấm nút khởi động IP Day 2025. Ảnh: Bảo Thắng.

Các đại biểu bấm nút khởi động IP Day 2025. Ảnh: Bảo Thắng.

Các kết quả này, theo GS-TS Trịnh Minh Thụ, không chỉ thể hiện năng lực nghiên cứu của đội ngũ nhà khoa học mà còn là cam kết của nhà trường với cộng đồng, trong việc ứng dụng khoa học để giải quyết các vấn đề môi trường, xây dựng và phát triển bền vững.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nhấn mạnh: “Tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sáng chế, nhãn hiệu và phần mềm đang trở thành động lực trung tâm trong kỷ nguyên số. Các tập đoàn hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft hay Nvidia đều phát triển dựa trên giá trị tài sản trí tuệ.”

Theo ông Long, sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ bảo vệ tài sản tinh thần của con người, mà còn là chìa khóa thúc đẩy khai thác giá trị thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cục trưởng Lưu Hoàng Long trải nghiệm 1 công nghệ do Trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu. Ảnh: Bảo Thắng.

Cục trưởng Lưu Hoàng Long trải nghiệm 1 công nghệ do Trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông cũng đánh giá cao sự tham gia chủ động của Trường Đại học Thủy lợi trong hoạt động phổ biến và ứng dụng kiến thức sở hữu trí tuệ, coi đây là mô hình điểm để nhân rộng trong khối đại học và viện nghiên cứu. “Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa giá trị của sở hữu trí tuệ - như một nhịp đập không ngừng của sự phát triển,” ông nói.

Với định hướng chiến lược rõ ràng, Trường Đại học Thủy lợi đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu - đổi mới sáng tạo - sở hữu trí tuệ khép kín. Đây là nền tảng quan trọng để khẳng định vị thế học thuật của nhà trường và đồng hành cùng phát triển kinh tế tri thức quốc gia.

Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, thành phố đã ban  hành nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là Nghị quyết 16 để hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ. 

Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về đổi mới sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Riêng năm 2024, Thủ đô có hơn 10.000 văn bằng được cấp, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, góp phần hỗ trợ người dân, nâng cao sinh kế, đảm bảo cuộc sống.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung bảo hộ sở hữu trí tuệ với các ngành nghề công nghệ cao như AI, block chain... Đồng thời, truyền thông đại chúng để người dân hiểu rõ về sở hữu trí tuệ.

Xem thêm
Việt Nam bình luận thông tin quan chức Hoa Kỳ không dự kỷ niệm 30/4

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi về thông tin Hoa Kỳ yêu cầu các quan chức không dự các sự kiện Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.