Đây là kết quả của dự án “Chất liệu chế tác nón lá Huế và tranh làng Sình từ nguồn phế phẩm thân cây chuối và vỏ hàu”, do em Trương Thị Tuệ My (sinh năm 2007, hiện đang học lớp 12A3, Trường THPT Thừa Lưu, huyện Phú Lộc, TP Huế) thực hiện. Dự án này vừa đạt giải Ba vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII” năm 2025 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 4 vừa qua.
Từ phế phẩm thành ‘tuyệt phẩm’
Tuệ My cho biết, qua tìm hiểu của em, hiện nay, thân cây chuối được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, phân bón hữu cơ… chiếm tỉ lệ thiểu số, phần lớn chúng bị vứt bỏ trực tiếp ra môi trường. Trong khi thân cây này chứa một hàm lượng lớn cellulose (50 - 60%), là nguyên liệu được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như dệt may, giấy, dược phẩm… Còn mỗi năm, lượng vỏ hàu thải ra hàng chục ngàn tấn, chúng có hàm lượng canxi cao, có nhiều ứng dụng trong thực tiễn và sản xuất, đặc biệt được sử dụng như là chất độn, giúp tăng độ mịn, khả năng kết dính tự nhiên và độ trắng cao của giấy.
“Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo của TP Huế, em luôn khát khao có cơ hội khởi nghiệp từ những sản phẩm của địa phương, góp phần cải thiện sinh kế, tạo dựng kinh tế và cơ hội việc làm cho bà con. Xuất phát từ thực tiễn, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn phế phẩm có giá trị cao là thân cây chuối và vỏ hàu, lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa Huế trong đời sống đương đại (nón lá Huế và tranh làng Sình), đồng thời giảm được vấn nạn ô nhiễm môi trường, em đã mạnh dạn thực hiện dự án”, My nói.

Từ thân cây chuối, Tuệ My tạo ra lá chăm nón. Ảnh: Văn Dinh.
Để tạo ra lá chăm nón từ thân cây chuối, Tuệ My sử dụng quy trình như sau: thân cây chuối bị bỏ đi sẽ được tách bẹ, dùng dao để thu thập phần phía dưới bẹ chuối (phần trắng nõn, bề mặt nhẵn bóng) với kích thước 35*35cm và cạo sạch xơ; xử lý mủ chuối bằng cách ngâm chất liệu vừa thu thập trong dung dịch Acetic acid 5% trong 10 phút; rửa sạch chất liệu lại với nước để loại bỏ lượng Acetic acid còn sót lại; phơi khô tự nhiên chất liệu dưới ánh sáng mặt trời từ 1 - 2 ngày/sấy khô ở nhiệt độ 30 - 35 độ C; chống ẩm mốc (sấy bằng khí SO2 trong buồng kín từ 5 - 6 giờ); ủi và điều chỉnh kích thước chất liệu khoảng 30*30cm. Từ đó tạo ra chất liệu chế tác nón lá Huế.
Sau 6 tháng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và mưa, kết quả cho thấy nón lá từ thân cây chuối không xuất hiện dấu hiệu ẩm mốc; đặc biệt có những đường vân nón đặc trưng chạy song song đến tận chóp nón, tạo nét riêng.
Đối với chế tạo giấy Kraft để ứng dụng chế tác tranh làng Sình, Tuệ My đều tận dụng phế phẩm thân cây chuối và vỏ hàu. Cụ thể, vỏ hàu bị bỏ đi sẽ được rửa sạch với nước để loại bỏ bụi bẩn; ngâm trong dung dịch NaOH 3% để loại bỏ tạp chất; sấy và nung để loại bỏ CO2; dùng máy xay nghiền thành bột mịn, sau đó tạo thành bột đá (CaCO3). Trong khi đó, thân cây chuối bị bỏ đi sau khi thu hoạch buồng sẽ được cắt nhỏ với kích thước 3*3cm, rửa sạch với nước; đun sôi với NaOH 12% trong 45 phút để giải phóng sợi cellulose; loại bỏ NaOH bằng cách rửa sạch lại với nước; ngâm trong dung dịch H2O2 10% khoảng 30 phút để tẩy trắng, sau đó hình thành nên bột giấy.
Tiếp đến, Tuệ My gieo giấy với tỉ lệ 3 bột giấy: 2 bột đá; phơi khô tự nhiên dưới ánh sáng mặt trời từ 1-2 ngày hoặc sấy khô ở nhiệt độ 30 - 35 độ C để tạo thành giấy Kraft, dùng vẽ tranh làng Sình. Giấy dễ dàng thấm màu khi vẽ tranh, nét vẽ nhanh khô, không bị lem.

Giấy Kraft của Tuệ My dùng vẽ tranh làng Sình. Ảnh: Văn Dinh.
Giảm ô nhiễm, lan tỏa giá trị văn hóa
Tuệ My thông tin thêm, một thân cây chuối bỏ đi sau khi thu hoạch buồng có thể chế tác được 3 chiếc nón lá. Mặt khác, một thân cây chuối và 50kg vỏ hàu bỏ đi sau khi chế biến món ăn có thể tạo ra được 50 tờ giấy Kraft. Những điều này góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng giá trị của phế phẩm. Từ đó, giúp gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân, quảng bá hình ảnh văn hóa.
Sản phẩm của nữ sinh xứ Huế đã được doanh nghiệp Hợp tác xã dầu tràm Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, TP Huế) hỗ trợ về mặt sản xuất và quảng bá sản phẩm. Mới đây, Tuệ My cũng vinh dự được tham gia Hội nghị doanh nhân Việt Nam tại Đà Nẵng.
“Với nguồn phế phẩm nông lâm ngư nghiệp có sẵn, hóa chất an toàn, giá thành thấp, dễ tìm kiếm, dễ dàng nhân rộng; thời gian tới, với giấy Kraft, bên cạnh việc ứng dụng để vẽ tranh làng Sình, em định hướng phát triển thêm dòng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế đồ dùng nhựa, túi ni lông như hộp giấy, túi giấy, ly giấy… Còn với nón lá Huế, em sẽ cố gắng thương mại hóa sản phẩm, đa dạng và cách tân mẫu mã, kiểu dáng. Ngoài ra, em cũng sẽ tận dụng thêm nhiều nguồn phế phẩm khác để tái chế, tái sử dụng”, My bộc bạch.

Sản phẩm mới, ý nghĩa của nữ sinh xứ Huế tham gia chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII” năm 2025 và đạt giải Ba. Ảnh: T.M.
Cô Võ Thị Thúy Nhàn, giáo viên giảng dạy Tuệ My nhiều năm nhận xét, My là nữ sinh học giỏi, chăm chỉ, từng đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt cấp Trung ương”, đặc biệt em có niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp.
“Đề tài của My thật sự hữu ích trong bối cảnh hiện nay, góp phần kêu gọi bảo vệ môi trường, tận dụng phế phẩm có sẵn trong tự nhiên để tạo nên sản phẩm rất ý nghĩa. Mong rằng My sẽ tiếp tục nhân rộng đề tài và có thêm nhiều sản phẩm hữu ích khác, trường tự hào về em”, cô Nhàn chia sẻ.