| Hotline: 0983.970.780

Cản mặn, trữ ngọt để tăng diện tích rau màu

Thứ Tư 07/05/2025 , 07:26 (GMT+7)

Tiền Giang Có thời điểm hạn mặn diễn biến gay gắt nhưng rau màu vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao hơn so với các mùa khô năm trước.

Diện tích và sản lượng đều tăng

Dù vào mùa khô nhưng nhờ lượng nước ngọt trong kênh mương nội đồng dồi dào, nông dân tỉnh Tiền Giang tăng diện tích xuống giống gieo trồng các loại rau màu so với cùng kỳ.

Theo Chi cục Thống kê tỉnh Tiền Giang, quý I/2025, tổng diện tích gieo trồng cây rau màu các loại đạt gần 25.900 ha (tăng 5,3%) và sản lượng thu hoạch ước đạt gần 245.000 tấn (tăng 4,1%). Các loại rau màu có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng được người dân canh tác thường xuyên như: rau muống, bầu, mướp, bí xanh, mướp đắng (khổ qua), dưa leo, cải các loại, hành lá, dưa hấu...

Trữ nước trong ao tưới rau màu mùa khô hạn. Ảnh: Minh Đảm.

Trữ nước trong ao tưới rau màu mùa khô hạn. Ảnh: Minh Đảm.

Ghi nhận tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành cho thấy thu nhập chính của nông dân đến từ chuyên canh rau màu. Toàn xã hiện có khoảng 332 ha trồng rau màu, cho sản lượng khoảng 42.900 tấn/năm, được bố trí trồng đều khắp ở tất cả 7 ấp.

Điển hình nhất là ở ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa, cây rau màu chiếm đến 70% diện tích đất nông nghiệp và được nông dân duy trì sản xuất quanh năm, sản phẩm chủ lực là các loại rau ăn lá. Do vậy, nguồn nước tưới trong mùa hạn mặn được nông dân chủ động dự trữ trong các ao, mương. Bà con thường xuyên cập nhật thông tin về độ mặn, diễn biến thời tiết để áp dụng các giải pháp bảo vệ rau màu trong bối cảnh mùa hạn mặn thường kéo dài khoảng vài tháng.

Ông Nguyễn Văn Giao, Trưởng ấp Thân Bình cho biết: Rút kinh nghiệm của những năm trước, đầu mùa khô năm nay, ấp tuyên truyền người dân nạo vét các ao mương để tăng diện tích trữ nước. Bên cạnh đó, Ban Nhân dân ấp phối hợp với ngành nông nghiệp xã cập nhật thông tin về độ mặn hàng ngày. Sau đó, đưa thông tin vào nhóm zalo của ấp để người dân chủ động cho việc tưới tiêu. Nhờ vậy, đến thời điểm này nguồn nước vẫn đủ tưới cho rau màu.

Ông Phạm Tấn Hùng tích trữ nước ngọt trong ao, vừa nuôi cá vừa tưới rau màu. Ảnh: Minh Đảm.  

Ông Phạm Tấn Hùng tích trữ nước ngọt trong ao, vừa nuôi cá vừa tưới rau màu. Ảnh: Minh Đảm.  

Ông Phạm Tấn Hùng ở ấp Thân Bình có 2.000 m2 đất rẫy, luân canh các loại rau màu như cải xà lách, cải bẹ xanh, hẹ… Ông cho hay, nhờ nguồn nước ngọt dồi dào dưới kênh mà suốt mùa khô này các rẫy rau có đủ nước tưới, đạt năng suất cao, thu nhập ổn định.

“Hiện nay, giá cải xanh khoảng 7.000 đồng/kg, cải xà lách khoảng 500.000 đồng/140 lọn (5-6 lọn đạt 1kg). Mức giá này cao hơn trước đó một tháng. Diện tích đất ít nhưng nhờ trồng rau màu mà gia đình tôi có thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng, tùy giá bán rau màu”, ông Hùng chia sẻ.

Không chỉ vùng rau màu của huyện Châu Thành được đảm bảo nước tưới, ở vùng ngọt hóa Gò Công, các rẫy rau vẫn xanh tươi, năng suất cao nhờ lượng nước ngọt đầy ắp dưới kênh từ trước Tết đến nay.

Vùng Gò Công đầy đủ nước ngọt, rau màu đạt năng suất cao. Ảnh: Minh Đảm. 

Vùng Gò Công đầy đủ nước ngọt, rau màu đạt năng suất cao. Ảnh: Minh Đảm

Nông dân Nguyễn Văn Cảnh ở ấp Phú Trung, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây có 4.000m2 trồng rau màu. Ông Cảnh thường luân canh các loại rau để cung cấp cho thương lái địa phương. “Năm nay, trồng rau màu hay lúa đều thuận lợi do nước dưới kênh được cấp bổ liên tục. Ai trồng màu cũng trúng hết, sản lượng dồi dào”, ông Cảnh nói.

Vận hành nhịp nhàng các công trình thủy lợi     

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày và bắt đầu chịu ảnh hưởng vào cuối tháng 12/2024. Các ngành chức năng, chuyên môn của tỉnh và địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn từ sớm, từ xa để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang cho biết, hiện ngành đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra chặt chẽ diễn biến, chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên các tuyến sông. Đồng thời, thông báo lịch vận hành công trình và diễn biến mặn để người dân biết, có giải pháp chủ động nguồn nước tưới.

Riêng đối với vùng phía đông, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã tổ chức vận hành lấy nước ngọt qua cống Xuân Hòa, Rạch Chợ khi độ mặn cho phép để bổ cập cho khu vực này.

Cống Vàm Giồng, huyện Gò Công Tây đóng kín ngăn mặn trong suốt mùa hạn. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Vàm Giồng, huyện Gò Công Tây đóng kín ngăn mặn trong suốt mùa hạn. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Chi cục Thủy lợi và Lâm nghiệp tỉnh Tiền Giang, năm 2025, các địa phương sửa chữa 250 công trình với tổng chiều dài  hơn 320.700m, khối lượng đào đắp hơn 980.000m3 để trữ nước trong mùa khô phục vụ công tác phòng, chống hạn xâm nhập mặn.

Theo UBND xã Thân Cửu Nghĩa, trong mùa khô 2024-2025 này, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân duy trì sản xuất rau màu, xã Thân Cửu Nghĩa ban hành kế hoạch với các giải pháp cụ thể và quán triệt, triển khai đến tận các ấp. Đồng thời, chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã tăng cường công tác tập huấn, tổ chức hội thảo chuyển giao kỹ thuật về bảo vệ rau màu kết hợp với khuyến cáo nông dân nâng cao tinh thần cảnh giác với xâm nhập mặn, tự giác gia cố bờ bao, sửa chữa cống ngăn mặn cá nhân, nạo vét ao mương.

Riêng xã Thân Cửu Nghĩa đã tiến hành kiểm tra hiện trạng hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tổ chức khơi thông dòng chảy, trục vớt lục bình, dọn dẹp chướng ngại vật, tăng khả năng tích trữ nước trên các kênh thủy lợi nội đồng. Các hoạt động này nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Mặc dù, đến thời điểm này, 100% diện tích trồng rau màu của xã vẫn có đủ nước tưới, song xã vẫn khuyến cáo người dân không chủ quan mà phải thường xuyên thăm đồng, nắm bắt thông tin hạn mặn từ ấp để sản xuất đạt hiệu quả cao.

Nông dân tưới tiết kiệm bằng béc phun sương cho rau màu trong mùa khô. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân tưới tiết kiệm bằng béc phun sương cho rau màu trong mùa khô. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Võ Văn Trọn, Phó Chủ tịch UBND xã Thân Cửu Nghĩa cho biết, so với các loại cây trồng khác, rau màu cần nguồn nước tưới nhiều hơn và phải được duy trì tưới hàng ngày do khả năng chống chịu khô hạn kém. Ngoài chủ động dự trữ nguồn nước, người trồng rau màu còn nhạy bén áp dụng thêm nhiều giải pháp kỹ thuật bảo vệ rau màu bằng cách che nhà màng để giảm nắng nóng, ủ rơm trên các luống rau, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc, phòng trừ dịch hại, bón nhiều phân hữu cơ để giữ ẩm cho đất…

Hiện nay, giá rau màu đang ở mức cao do nguồn cung trên thị trường giảm. Người trồng rau màu xã Thân Cửu Nghĩa cũng như các địa phương khác của Tiền Giang rất phấn khởi, càng ra sức phòng chống hạn mặn để tăng sản lượng, tăng thu nhập lên cao hơn nữa.

Xem thêm
Nuôi cầy hương nếu chủ quan rất dễ trắng tay

Việc chăm sóc cầy hương không khó, nhưng nếu người nuôi không có niềm say mê, kiến thức, thậm chí chỉ cần lơ là, chủ quan là rất dễ trắng tay.

Tỷ lệ phủ vacxin đàn vật nuôi tối thiểu 80% mới phát huy hiệu quả

An Giang đang tăng cường giám sát dịch bệnh, khẩn trương tiêm phòng bệnh nguy hiểm, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được vacxin bảo vệ.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

‘Cha đẻ’ của những giống cà phê chủ lực

Trải qua hơn 40 năm nghiên cứu, WASI đã chọn tạo ra nhiều giống cà phê chủ lực phục vụ trồng và tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 3] Tiền đề phát triển bền vững

Thông qua các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, vùng nuôi trồng thủy sản tại các địa phương đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân.

Xanh lại những rừng lim xanh

THANH HÓA Dự án JICA2 đã trồng 591ha cây lim xanh, góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.