| Hotline: 0983.970.780

Bài toán nhân lực ngành thú y: [Bài 3] Đào tạo đi sâu vào 'chất'

Thứ Hai 05/05/2025 , 13:15 (GMT+7)

Đào tạo nhân lực ngành thú y cần tập trung vào chất chứ không chỉ đi vào lượng. Thú y cũng cần được đào tạo chuyên khoa sâu như y khoa phục vụ con người.

Việt Nam có số trường đại học đào tạo bác sĩ thú y khá đông nhưng hàng năm vẫn “khát” nhân lực. Việc đào tạo nhân lực ngành thú y còn nhiều điểm thắt, cần được tháo gỡ để đáp ứng với nhu cầu thực tế.

Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS. Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, trường Đại học Nông lâm TP.HCM, người đã có nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành thú y.

PGS. Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

PGS. Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Lượng nhiều nhưng vẫn thiếu chất

Công tác đào tạo nguồn nhân lực thú y của Việt Nam ra sao thưa Phó Giáo sư?

PGS. Lê Quang Thông: Hiện, công tác đào tạo nguồn nhân lực thú y của Việt Nam đang đi ngược với xu thế của thế giới, đặc biệt đối với các nước phát triển. Việt Nam hiện có 22 trường đại học có đào tạo về thú y với 3.000 tân bác sĩ ra trường mỗi năm. Indonesia có dân số gấp 3 lần Việt Nam nhưng số trường đào tạo về lĩnh vực thú y chỉ có 13 trường. Một trường như vậy cũng chỉ đào tạo khoảng 30 sinh viên mỗi năm.

Tại các nước phát triển, họ áp dụng công nghệ số rất nhiều trong việc chăm sóc vật nuôi. Cho nên, một trại chăn nuôi quy mô rất lớn cũng chỉ có 1-2 bác sĩ thú y thôi chứ không cần một đội ngũ như mình. Khi có một vấn đề phát sinh, chúng ta thường cần khá nhiều nhân lực để cùng mổ xẻ, giải quyết vấn đề. Trong khi đó, nếu có bác sĩ thú y chuyên sâu về mảng đó thì chỉ cần tham vấn và giải quyết rất nhanh.

Số lượng bác sĩ thú y tốt nghiệp của nước ta nhiều nhưng có vẻ như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế?

PGS. Lê Quang Thông: Chỉ tính riêng ngành thú y, có khoảng 3.000 sinh viên, học viên theo học. Trong khi đó, với 10 doanh nghiệp về chăn nuôi lớn nhất Việt Nam đã cần tuyển dụng khoảng 3.000 nhân lực mỗi năm. Chưa kể, nguồn nhân lực cần cho các công ty khác nữa.

Hiện chúng ta cũng có khoảng từ 2.900 - 3.000 phòng khám thú y trên cả nước. Con số này còn nở rộ trong thời gian tới. Vậy nếu mỗi năm, mỗi phòng khám có nhu cầu tuyển thêm 1 bác sĩ, nhân viên chuyên ngành thú y thì không đáp ứng kịp thời.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về chăn nuôi heo. Nhu cầu tuyển dụng bác sĩ thú y rất lớn. Phần lớn sinh viên ngành thú y khi ra trường sẽ có thiên hướng là xin vào các vị trí phụ trách kĩ thuật của các trang trại hoặc bác sĩ thú y tại các bệnh viện/ phòng khám thú y.

Trong khi đó, không ít sinh viên ngành thú y sau khi ra trường lại chọn hướng nhân viên kinh doanh, marketing cho các công ty về chăn nuôi, sản xuất thức ăn và nghiên cứu.

Sinh viên thú y trường Đại học Nông lâm TP.HCM được thường xuyên thực hành phẫu thuật trên vật nuôi. Ảnh: LB.

Sinh viên thú y trường Đại học Nông lâm TP.HCM được thường xuyên thực hành phẫu thuật trên vật nuôi. Ảnh: LB.

Phó Giáo sư có thể nói rõ hơn về xu hướng sinh viên ngành thú y chuyển hướng làm marketing sau khi ra trường? Liệu đây có phải là nguyên nhân gây thiếu hụt nhân lực ngành thú y?

PGS. Lê Quang Thông: Thật ra nó có hai mặt của vấn đề. Phải công nhận là các em sẽ làm việc rất hiệu quả và được đánh giá cao, vì trải qua quá trình đào tạo bài bản.

Đây là ngành khá đặc thù, buộc người làm marketing phải hiểu sâu. Nghĩa là người này phải hiểu về sinh lý bệnh, tình trạng bệnh rồi quá trình phát triển của vật nuôi… Còn nếu không có kiến thức chuyên môn về chăn nuôi, thú y thì khi các em mà đi giới thiệu sản phẩm sẽ rất khó thuyết phục được khách hàng.

Để đào tạo được một bác sĩ thú y đến khi ra trường thì mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, ngay sau khi ra trường thì nhiều bạn lại chọn hướng tiếp thị, marketing thì thật ra là sự lãng phí.

Đào tạo ngành thú y cần làm gì để nâng chất?

Cần làm gì để sinh viên ngành thú y khi ra trường không phải “cầm tay chỉ việc” hoặc đào tạo lại từ đầu?

PGS. Lê Quang Thông: Thú y là ngành đặc thù, đòi hỏi sinh viên theo học không chỉ nắm chắc kiến thức mà phải vững kĩ năng thực hành thực tập ngay trên ghế nhà trường.

Trong thực tế, còn khá nhiều trường đại học chưa đáp ứng được điều đó, mặc dù số lượng tuyển sinh khá đông. Đa phần, mỗi trường tuyển sinh ít nhất khoảng 150 em, còn trường tuyển lên tới 600 - 700 sinh viên ngành thú y.

Ở các nước phát triển thì họ không tuyển số lượng nhiều như thế. Một trường đào tạo bác sĩ thú y ở Nhật Bản chỉ tuyển 30 sinh viên thôi, Hàn Quốc cũng vậy. Còn Thái Lan thì lại khác, họ phân cấp theo chất lượng của các trường, từ 30 - 150 sinh viên/ lớp/ năm.

Sinh viên quá đông thì cơ sở vật chất sẽ không đáp ứng đủ. Thậm chí, nhiều trường đang dạy “chay”, tức là thuần về kiến thức chứ rất ít thực hành. Thực tế, chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các trường. Đó là còn chưa tính đến trình độ của giảng viên nữa.

Việc đào tạo tại trường với thị trường thực tế lao động bên ngoài đang có khoảng cách rất lớn. Đặc biệt, công nghệ số được các doanh nghiệp ứng dụng khá nhiều và nhanh nên các trường không theo kịp. Cho nên, từ năm 2022, Khoa Chăn nuôi - Thú y chúng tôi đã tiên phong đưa môn thực tập sinh với thời gian 6 tháng tại doanh nghiệp.

Trường Đại học Nông lâm TP. HCM vừa tổng kết 15 năm phát triển chương trình đào tạo ngành thú y theo chuẩn quốc tế, phối hợp với Đại học Queensland (Úc). Ảnh: Lê Bình.

Trường Đại học Nông lâm TP. HCM vừa tổng kết 15 năm phát triển chương trình đào tạo ngành thú y theo chuẩn quốc tế, phối hợp với Đại học Queensland (Úc). Ảnh: Lê Bình.

Sau 6 tháng, các em sẽ phải có bài báo cáo, trình bày và đánh giá để xem có đạt được hay không. Điều này giúp cho các em sinh viên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường có thể sẽ nắm được các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng đào tạo lại.

Sinh viên vừa được doanh nghiệp chỉ dạy thêm và các em sẽ thấy mình đang thiếu cái gì. Khi các em quay trở lại nhà trường, các em còn một năm để mà hoàn thiện, để trước khi các em tốt nghiệp.

Khoa cũng mời các chuyên gia hoặc quản lý cấp cao tại các công ty về tham gia giảng dạy trực tiếp hoặc tọa đàm đối thoại. Họ sẽ có tầm nhìn và truyền tải thông tin thực tế, chia sẻ kinh nghiệm tốt đến sinh viên. Các khách mời này sẽ giúp các bạn sinh viên truyền tải 75% kiến thức chuyên môn. 25% phần trăm còn lại sẽ liên quan tới kỹ năng mềm. Chẳng hạn như kĩ năng để viết hồ sơ xin việc, báo cáo trước đám đông ra sao…

Hàng năm, Khoa Chăn nuôi - Thú y gửi khoảng trên dưới 30 sinh viên đi học tập kinh nghiệm tại Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… Ngược lại, Khoa cũng tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến thực tập như Mỹ, Pháp, Bỉ, Indonesia…

Đối với chương trình nâng cao, khoa đang đào tạo là 40% bằng tiếng Anh, còn chương trình tiên tiến thì 100%. Bởi vì nhu cầu sử dụng tiếng Anh ở các doanh nghiệp là rất lớn. Sinh viên mà thành thạo tiếng Anh sẽ có lợi thế rất lớn.

Bác sĩ thú y của Việt Nam cũng cần thi chứng chỉ hành nghề và được quản lý như bác sĩ trong lĩnh vực nhân y. Ảnh: LB.

Bác sĩ thú y của Việt Nam cũng cần thi chứng chỉ hành nghề và được quản lý như bác sĩ trong lĩnh vực nhân y. Ảnh: LB.

Tương lai của công tác đào tạo nguồn nhân lực thú y sẽ như thế nào? Chúng ta cần phải làm gì để theo kịp thế giới và phục vụ tốt hơn cho ngành chăn nuôi trong nước?

PGS. Lê Quang Thông: Theo tôi, thứ nhất là chương trình đào tạo của ngành thú y phải đi theo các nước phát triển. Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á còn đào tạo bác sĩ thú y theo chương trình 5 năm, thậm chí có trường là 4,5 năm. Trong khi đó, Pháp là 7 năm, Mỹ là 10 năm; Campuchia, Lào và Myanmar đều là 6 năm.

Thứ hai, phải đưa thêm một số môn học chuyên sâu. Giống như điều trị bệnh cho con người, ngành thú y cũng phải cần được đào tạo về từng chuyên khoa như da liễu, tim mạch, chỉnh hình, sản phụ khoa…

Thứ ba là Việt Nam chưa tổ chức thi chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ thú y. Tổ chức Thú y thế giới đã đề cập rất nhiều lần là Việt Nam phải tổ chức các kỳ thi này. Đây chính là thang đo rõ ràng về chất lượng đào tạo của các trường và đó là cái chuẩn mực dành cho bác sĩ thú y.

Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

(Thực hiện)

Xem thêm
Khởi công trang trại heo 300 tỷ đồng

GIA LAI Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là mô hình hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Thái Bình tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Nguy cơ mất mùa do sâu cuốn lá nhỏ gây ra là rất lớn nếu không được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Du lịch xanh trên hồ thủy lợi lớn nhất Bắc Kạn

Với cảnh quan đẹp, gần trung tâm thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn), hồ Nặm Cắt được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp trong tương lai.

Người đàn bà khóc cùng lúa lai

Ấn tượng của tôi về bà là những dịp trình bày trước hội nghị của Bộ, bà thường khóc khi kể về nỗi truân chuyên của nghề sản xuất lúa lai.

Cảng cá Trần Đề quản chặt nguồn gốc thủy sản xuất khẩu

Sóc Trăng Quý I/2025, Cảng cá Trần Đề đã xác nhận nguồn gốc thủy sản cho 26 hồ sơ của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, với tổng sản lượng 725 tấn.

'Cuộc chiến' giữ rừng phòng hộ: [Bài 4] Nhân rộng diện tích rừng FSC

Đồng Nai Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trong tỉnh Đồng Nai được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.