
Anh Phạm Hữu Bốn với chùm củ ba kích vừa đào. Ảnh: Dương Đình Tường.
Tôi như bị lạc giữa mênh mông của vườn ba kích đang ánh lên trong nắng màu lá xanh đen thẫm với những chùm hoa bé xíu màu xanh nhạt. Nhà có 5 ha đất vườn và đồi, trước anh Bốn trồng sắn, trồng sơn, trồng chè, trồng keo mà vẫn không cho hiệu quả kinh tế nên năm 2022 mới chuyển đổi sang trồng ba kích tím.
Xưa ở quê anh có loại ba kích trắng mà dân vẫn hay gọi là dây ruột gà. Chúng rất sẵn trên đồi cho đến khi cánh lái buôn kéo đến trả giá mỗi kilogram ấp đôi, gấp ba kilogram gạo khiến nhà nhà đi đào, người người đi đào, rầm rộ suốt từ năm 1995 đến năm 1997 nên bỗng thành của hiếm. Đã thế nạn đốt rừng trồng keo càng làm cho loại dược liệu này gần như bị tuyệt diệt.
Tình cờ nghe tin ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có mô hình trồng cây ba kích tím anh quyết định tới thăm và mua 5 vạn giống về trồng nhưng chẳng may chết mất 3 vạn. Nguyên do là trồng vào tháng 6 thì tháng 9 đồi cạn nước vì phía thượng nguồn đã khai thác hết cây.
Nhìn những cây ba kích trên đồi cứ héo dần rồi chết, vợ con anh chỉ biết kêu trời nhưng anh vẫn bình tĩnh bởi vẫn còn 2 vạn cây trồng ở dưới vườn, có nước tưới vẫn sống và phát triển bình thường.
Năm sau anh lại trồng thêm ở vườn 1 vạn cây, năm tiếp lại trồng thêm 5.000 cây nữa. Tài liệu của mô hình trồng ba kích dưới tán rừng khuyến cáo mật độ chỉ 2.300 cây/ha, nhưng rừng không còn nên anh trồng mật độ cao gấp nhiều lần, cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 70cm.

Cắt cành, nhân giống ba kích. Ảnh: Dương Đình Tường.
Trồng ba kích năm đầu vất vả khâu làm cỏ, làm gièo, còn 2 năm sau thì khá nhàn bởi chỉ bón phân, nếu có điều kiện chăm sóc bằng phân hữu cơ thì năng suất củ sẽ cao, dược tính trong củ sẽ nhiều.
Cây gần như không có bệnh gì nên chẳng phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi nhiều người trồng ba kích thất bại do trồng trên đồi, phụ thuộc vào nước trời, quay trở lại trồng cây lâm nghiệp thì 5 anh em, họ hàng nhà anh Bốn vẫn dồn lực, kiên trì theo đuổi. Anh Phạm Văn Tám trồng 3 vạn, Phạm Văn Cừ trồng 1 vạn, Hoàng Văn Chức trồng 1 vạn, Đinh Văn Tiến trồng 1 vạn. Hiện họ đều duy trì vườn thành công nhờ vào việc chủ động được nước tưới.
“Lúc đầu tôi muốn làm giàu nhanh nên tham, mang ba kích lên đồi trồng thành ra chết nhiều chứ trồng dưới vườn, có điều kiện tưới thì rất đơn giản. Giờ nếu mà trồng thì tôi không theo cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 70cm nữa mà là cây cách cây 1m, hàng cách hàng 1m nhưng 1 hố 2 cây để phòng cây này chết còn có cây kia, và củ sẽ to hơn”, anh Bốn đúc rút kinh nghiệm từ chính bản thân.
Vườn ba kích trồng năm đầu của anh đang vào giai đoạn có thể thu hoạch. Cuối năm ngoái thương lái thu mua củ 90.000 đồng/kg, giờ xuống chỉ còn 50.000 đồng/kg nhưng giá hòa vốn khoảng 30.000 đồng/kg thì lợi nhuận vẫn cao hơn hẳn các cây khác.
Tuy nhiên, do chỉ có một thương lái đến nên tốc độ thu mua chậm. Anh Bốn khá sốt ruột: “Nhà tôi hiện có 1 vạn cây 3 năm tuổi đến giai đoạn thu hoạch rồi, rất mong khi báo đăng sẽ tìm được đầu mối. Ai có nhu cầu xin liên hệ với tôi qua số điện thoại 0985780897”.

Ba kích thích hợp nơi chân đồi, chủ động được nước tưới. Ảnh: Dương Đình Tường.
Một số anh em trong nhà anh cũng đã xuất bán ba kích theo dạng cuốn chiếu. Chị Đỗ Thị Mão - vợ anh Phạm Văn Cừ cho biết, vừa rồi nhà tôi đào 2.500 gốc, bán thu được 90 triệu đồng, hiện còn 3.000 gốc đến giai đoạn thu hoạch, đang cần tìm đầu ra.
“Lúc dỡ bán người mua tặng cho chồng tôi một gốc nặng 5kg, chú lái trâu thấy vậy xin để lại nửa gốc với giá 250.000 đồng, còn nửa gốc thì nhà để lại ngâm rượu. Chồng tôi uống rượu ba kích vào thấy ngủ ngon, ăn ngon và khỏe lên. Còn các bà làm thuê mót những củ nhỏ sót lại về đun uống thay cho trà thấy da dẻ hồng hào lên”, chị Mão thông tin.
Anh Hoàng Đức Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Sơn cho biết, từ một mô hình trồng ba kích quy mô nhỏ cách đây mấy năm, người dân đã tự mở rộng diện tích thêm. Khi anh Phạm Văn Tám bán được 3.000 gốc ba kích với giá 330 triệu đồng, lãi được hơn 200 triệu đồng, rồi người mua đào lên thu 6 tấn củ, bán được 700 triệu đồng thì mọi người lại càng hào hứng trồng. Hiện cả huyện có khoảng 20 ha ba kích, tập trung chính ở xã Mỹ Thuận, Văn Luông.
Người dân Tân Sơn từng trồng các dược liệu như đàn hương, quế, mạch môn… nhưng chưa có liên kết trong sản xuất và chưa có doanh nghiệp ký kết bao tiêu nên khó khăn về đầu ra. Bởi thế, phần lớn bà con vẫn quanh quẩn với cây nguyên liệu giấy và cây chè, đủ ăn nhưng khó làm giàu. Với cây ba kích tím, nếu có doanh nghiệp liên kết theo dạng đầu tư giống, vật tư rồi bao tiêu sản phẩm để chế biến, còn dân đối ứng bằng đất, lao động và một phần vốn thì sẽ phát triển bền vững.