Đặc sản nhộng tằm ré
Bởi thế đến Thái Bình lần này tôi đã quyết định tìm tới nhà vợ chồng anh Trần Văn Thịnh ở xã Hồng Phong để thỏa mắt ngắm bạt ngàn dâu xanh trên bờ bãi sông Hồng. Và thật thú vị khi tôi được trải nghiệm bữa cơm trưa giản dị với gia đình anh chị với món nhộng tằm rang thịt ba chỉ cuốn cùng với lá dâu bên những né kén vàng như lúa chín.
Hiện, gia đình anh Thịnh trồng 2 mẫu dâu, vào mùa lá mỗi tháng nuôi 3 lứa tằm, mỗi năm được khoảng hơn 1 tấn kén, với giá bán trung bình 110.000đ/kg, thu lãi khoảng 70 triệu đồng, gấp 10 lần so với trồng lúa.

Cắt kén lấy nhộng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Có hơn 1.200 hộ trong xã Hồng Phong tham gia trồng dâu, nuôi tằm như họ với tổng diện tích gần 300 ha, không những cung cấp kén cho doanh nghiệp Hạnh silk mà còn nhiều nơi khác. Ngoài ra, nhộng tằm cũng là một đặc sản ở nơi đây. Chúng được cắt ra từ kén lúc hãy còn sống, khác với nhiều nơi tận dụng kén được ươm xong, nhộng đã chết rồi mới lấy ra nên chất lượng thấp.
Thêm vào đó nó là hóa thân của giống tằm kén vàng truyền thống, mình nhỏ, năng suất thấp nhưng hàm lượng protein và các dưỡng chất khác rất cao nên ăn thơm ngon, chứ không phải là giống tằm kén trắng, con lai to đang được nuôi đại trà, chất lượng hạn chế. Bởi vậy, nhộng tằm ré là một đặc sản được nhiều người dân Thái Bình cũng như các tỉnh, thành lân cận ưa chuộng, tìm mua với giá tới 250.000đ/kg. Hiện, sản lượng nhộng tằm của xã Hồng Phong và vùng phụ cận vào khoảng 300-400 tấn/năm.
Người “nằm ké” điều hòa cùng tằm
Mùa tằm bắt đầu từ tháng 4 đến giữa tháng 11, trùng với mùa cây dâu sinh trưởng mạnh và cho nhiều lá. Trong những ngày hè nóng nực người ta nuôi tằm trong buồng có lắp điều hòa để nhiệt độ ở khoảng 20 - 25 độ C và độ ẩm khoảng 60 - 65%. Nhờ nuôi tằm mà nhiều dân quê như vợ chồng anh Thịnh mới biết thế nào là cái điều hòa khi được “nằm ké” cùng với vật nuôi của mình.
Anh giải thích: “Dịch bệnh trên tằm thường do thời tiết và chất lượng con giống. Lý do tôi và nhiều bà con ở đây chỉ nuôi tằm kén vàng bởi thời tiết miền Bắc không thuận lợi cho việc nuôi tằm như miền Nam. Đầu năm trời mát nhưng độ ẩm lại quá cao nên tằm không chịu được, giữa năm trời nóng quá chúng cũng không chịu được nên phải lắp điều hòa để giữ nhiệt độ, độ ẩm ổn định mới có năng suất, hiệu quả”.

Anh Trần Văn Thịnh đang kiểm tra kén. Ảnh: Dương Đình Tường.
Hiện, người nuôi tằm ở xã Hồng Phong không còn tự để lại giống như ngày xưa mà đặt mua giống để dành thời gian, công sức cho việc nuôi tằm thương phẩm. Từ khi nở ra đến khi thu hoạch của tằm kén vàng là 28 ngày nhưng ít ai nuôi trọn cả quá trình đó mà phân chia ra theo hướng chuyên nghiệp hóa, hộ nuôi tằm con tức từ tuổi một đến tuổi ba sau đó xuất bán cho hộ khác nuôi tiếp đến ngày chúng kéo kén.
Với đặc tính nhạy cảm, con tằm ngoài đòi hỏi khắt khe về môi trường sống thì còn đòi hỏi cao về nguồn thức ăn không được dính hóa chất hay mùi khác lạ. Bởi thế nông dân thường dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học phun cho cây dâu và bảo đảm cách ly 20 - 30 ngày trước khi sử dụng làm thức ăn cho tằm.
Trong quá trình nuôi tằm cũng dễ bị đau bụng nên cứ xong một lứa phải khử trùng toàn bộ dụng cụ, nhà cửa bằng vôi để phòng tránh, nếu không sẽ gặp thất bại ngay nhãn tiền. Khi tằm đang tuổi lớn mỗi ngày cho ăn 4-5 lần rồi lại thay phân. Khi tằm chuẩn bị làm kén phải để một khung gỗ hay tre chia thành các ô nhỏ để chúng leo lên làm kén và thường xuyên kiểm tra để nhặt những con tằm bị rơi ra cho lại vào khung hay loại bỏ những con tằm ốm yếu. “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” là thế.
Mấy năm gần đây vợ chồng anh Thịnh không chỉ nuôi tằm mà còn liên kết với doanh nghiệp Hạnh silk để đón khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm về đời sống của người nông dân và tìm hiểu quá trình làm ra các loại lụa, đũi thượng hạng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia.
Chị Lương Thanh Hạnh, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Hạnh silk, đồng thời là Giám đốc HTX Lụa đũi Nam Cao cho biết, bản thân mình rất quý mến mảnh đất và con người Thái Bình. Bởi thế, chị muốn khi nhắc đến Thái Bình không chỉ có lúa mà còn có lụa, muốn quảng bá hình ảnh tà áo dài không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn tầm ra thế giới, trở thành niềm tự hào của xứ sở.