Từ lâu, nông nghiệp được xem là ngành gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, chính ngành này lại là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), hệ thống nông – lương thực toàn cầu thải ra khoảng 16,2 tỷ tấn khí CO₂ tương đương mỗi năm, chiếm gần 30% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) chiếm 14%, chuỗi cung ứng như vận chuyển, chế biến chiếm 10%, và thay đổi mục đích sử dụng đất như phá rừng chiếm 6%. Đặc biệt, chăn nuôi và canh tác lúa nước là hai “thủ phạm” lớn, do phát thải khí methane (CH₄) – loại khí gây hiệu ứng nóng gấp 25 lần CO₂. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hóa học cũng làm phát sinh khí N₂O có khả năng gây hiệu ứng nóng cao, gấp gần 300 lần so với CO₂.
Tuy nhiên, nông nghiệp không phải là vấn đề, mà có thể chính là giải pháp. Bằng cách thay đổi tư duy và cách làm, nông nghiệp có thể trở thành một “bể chứa carbon” tự nhiên tiềm tàng – tức là hấp thu và lưu giữ khí nhà kính trong đất, trong sản phẩm cây trồng và phụ phẩm hữu cơ nông nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với diện tích trồng dừa lớn, hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh có thể kiếm thêm hàng triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon. Ảnh: Minh Đảm.
Nông nghiệp carbon là gì?
Nông nghiệp carbon (carbon farming) là hình thức canh tác giúp hấp thụ nhiều khí nhà kính hơn lượng phát thải sinh ra, thông qua các biện pháp quản lý đất, cây trồng và vật nuôi thông minh. Khi làm đúng cách, nông dân không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có thể tạo ra "tín chỉ carbon" để chuyển nhượng với các tổ chức, doanh nghiệp cần mua để bù đắp khí phát thải.
Không chỉ vậy, cách thực hành nông nghiệp carbon còn giúp cải thiện độ phì nhiêu và sức khỏe đất; giữ nước tốt hơn trong mùa khô; giảm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất và ổn định năng suất; góp phần đa dạng sinh học và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hiện nay, một số công ty công nghệ trên thể giới có khả năng hỗ trợ giám sát và mô hình hóa lượng carbon trong đất qua hệ thống vệ tinh, giúp giảm chi phí lấy mẫu và cung cấp bản đồ phân bố carbon chính xác. Đây là công cụ rất hữu ích cho các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn đang muốn tham gia vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế.
Thực hành nông nghiệp carbon đơn giản và hiệu quả
Người dân có thể thực hành nông nghiệp carbon bằng một số biện pháp dễ áp dụng trong sản xuất. Ví dụ như giữ đất luôn được che phủ: Không để đất trống giữa hai vụ mùa, có thể trồng cây họ đậu để vừa cố định đạm, vừa ngăn xói mòn và giữ các-bon.
Người dân có thể giảm cày xới – giữ lại phụ phẩm cây trồng bằng cách hạn chế cày, xới đất sâu giúp bảo vệ cấu trúc đất và tránh mất các-bon. Rơm rạ và phụ phẩm vụ trước nên giữ lại trên đồng ruộng để tăng lượng hữu cơ cho đất.
Đối với việc trồng xen, trồng gối vụ, có thể kết hợp trồng nhiều loại cây trồng bổ trợ cho nhau, giúp giảm sâu bệnh tấn công và cải thiện đa dạng sinh học.
Với mô hình nông lâm kết hợp, người dân trồng xen cây lâu năm với cây lương thực giúp giữ đất, hấp thụ khí CO₂ và tạo thêm nguồn thu. Đồng thời, cần giảm phân bón hóa học – tăng cường phân hữu cơ giúp giảm phát thải N₂O.
Ngoài ra, áp dụng công nghệ thông minh như sử dụng các công cụ số như phần mềm quản lý trang trại, công nghệ drone, cảm biến độ ẩm, bản đồ đất… để theo dõi và tối ưu hóa lượng nước, phân bón, nhiên liệu sử dụng và giảm thuốc bảo vệ thực vật.

Thiết bị đo mực nước có sử dụng công nghệ IoT do Trường Đại học Trà Vinh chế tạo để ứng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ có thể tiết kiệm nước được tới 28%, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Minh Đãm.
Khó khăn ban đầu, lợi ích lâu dài
Việc chuyển đổi sang nông nghiệp carbon đòi hỏi một số đầu tư ban đầu như: thiết bị, kiến thức mới, thay đổi thói quen canh tác. Ngoài ra, một số kỹ thuật như trồng cây che phủ hay nông lâm kết hợp có thể làm giảm sản lượng vụ đầu. Nhưng về lâu dài, sức khỏe đất được cải thiện tốt hơn, chi phí đầu vào thấp hơn và thu nhập từ tín chỉ carbon sẽ giúp người nông dân có sinh kế bền vững hơn.

Rơm rạ và phụ phẩm vụ trước nên giữ lại trên đồng ruộng để tăng lượng hữu cơ cho đất. Ảnh: Minh Đảm.
Tại Việt Nam, các mô hình thử nghiệm nông nghiệp carbon như trồng lúa phát thải thấp theo phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD-Alternative Wet and Dry) ở đồng bằng sông Cửu Long, hay trồng rừng và nông lâm kết hợp ở Tây Nguyên đang chứng minh rằng: người nông dân hoàn toàn có thể vừa canh tác hiệu quả, vừa tạo tín chỉ carbon để chuyển nhượng ra thị trường quốc tế. Khi có thêm sự hỗ trợ từ nhà nước và doanh nghiệp, nông nghiệp carbon sẽ không còn là khái niệm xa lạ mà trở thành sinh kế bền vững trong tương lai gần.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, nông nghiệp carbon không chỉ là hướng đi bắt buộc mà còn là cơ hội vàng để người nông dân Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ – từ "người gây phát thải" trở thành "người hấp thu khí nhà kính", từ canh tác "truyền thống" sang làm nông “thông minh”, có thêm nguồn thu nhập từ môi trường. Nếu được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và chính sách, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành ngành đi đầu trong nỗ lực giảm phát thải và phát triển xanh trong khu vực và trên thế giới.