| Hotline: 0983.970.780

Tín chỉ carbon JCM rộng đường ra thị trường

Thứ Năm 24/07/2025 , 19:12 (GMT+7)

Những tín chỉ carbon theo cơ chế JCM có thể được công nhận cho mục tiêu giảm phát thải quốc gia theo Thỏa thuận Paris, và tham gia thị trường carbon toàn cầu.

Cơ chế tín chỉ chung (JCM) do Chính phủ Nhật Bản đề xuất đối với các quốc gia đang phát triển. Cơ chế này cho phép Nhật Bản phối hợp cùng các quốc gia đối tác triển khai dự án giảm phát thải khí nhà kính và chia sẻ tín chỉ carbon. Đến tháng 5/2025, Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận JCM với 30 quốc gia, trong đó, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng với 48 dự án đã và đang triển khai.

Hợp tác song phương cùng có lợi

Để triển khai thực hiện JCM, Nhật Bản và các nước đối tác tiến hành ký kết Thỏa thuận ghi nhớ hợp tác song phương giữa hai Chính phủ. Ủy ban Hỗn hợp giữa hai nước sẽ tiến hành xây dựng và ban hành các quy định và hướng dẫn thực hiện. Trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính, Cơ chế JCM đang trở thành công cụ hợp tác quan trọng giữa Nhật Bản và nhiều quốc gia.

Trên phạm vi toàn cầu, JCM hiện có hơn 250 dự án với tổng vốn đầu tư vượt 3 tỷ USD, trải rộng nhiều lĩnh vực: năng lượng tái tạo (điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối), hiệu quả năng lượng (đèn LED đô thị, tủ lạnh và máy biến áp tiết kiệm điện), vận tải xanh (xe buýt sử dụng nhiên liệu lai CNG-Diesel), quản lý chất thải (đốt rác phát điện, thu hồi khí mêtan) và đồng phát điện-nhiệt.

Đoàn cán bộ Việt Nam - Nhật Bản khảo sát dự án nhà máy đốt rác phát điện ở Bắc Ninh, cơ sở đang chuẩn bị đăng ký tín chỉ carbon theo cơ chế JCM. Ảnh: Trung Nguyên.

Đoàn cán bộ Việt Nam - Nhật Bản khảo sát dự án nhà máy đốt rác phát điện ở Bắc Ninh, cơ sở đang chuẩn bị đăng ký tín chỉ carbon theo cơ chế JCM. Ảnh: Trung Nguyên.

Tại Việt Nam, một trong những điểm sáng hợp tác là nhà máy điện sinh khối công suất 20MW tại Hậu Giang, do Công ty erex (Nhật Bản) phối hợp với Công ty Cổ phần Năng lượng Sinh học Hậu Giang đầu tư. Nhà máy sử dụng vỏ trấu làm nhiên liệu, dự kiến giảm hơn 46.000 tấn CO₂ mỗi năm và đi vào vận hành từ tháng 4/2025.

Tại miền Bắc, dự án đốt rác phát điện ở Bắc Ninh cũng đang được triển khai, với công suất xử lý 500 tấn rác/ngày. Dự án sử dụng công nghệ hiện đại, có thể giảm khoảng 42.000 tấn CO₂ mỗi năm, đồng thời giải quyết bài toán xử lý rác cho địa phương. Những dự án như trên không chỉ mang ý nghĩa giảm phát thải, mà còn tạo ra giá trị cộng hưởng về bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đang phối hợp chặt chẽ, thảo luận với phía Nhật Bản để đi tới ký kết thỏa thuận hợp tác cho giai đoạn mới.

Nông - lâm nghiệp và công nghệ lưu giữ carbon trong “tầm ngắm”

Ông Iio Satoru, Cục trưởng, Cơ quan môi trường toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, thời gian tới, Cơ chế JCM sẽ tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải lớn, phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của từng quốc gia đối tác. Các định hướng mới bao gồm chuyển dịch năng lượng như phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn, lưu trữ năng lượng, điện rác, hydrogen và amoniac; công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS/CCS).

Trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, các dự án áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD) trong canh tác lúa, thực hiện REDD+ (giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng), trồng và phục hồi rừng cũng đang được cân nhắc. Tại Việt Nam, một dự án ứng dụng phương pháp AWD do Công ty Green Carbon của Nhật Bản phát triển đã được đăng ký theo cơ chế JCM.  Những lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” mới cho hợp tác quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tìm kiếm giải pháp giảm phát thải với chi phí hợp lý.

Cán bộ kỹ thuật đang đo mực nước trên ruộng tại Nghệ An, làm căn cứ tính toán giảm phát thải trong dự án ADW tạo tín chỉ carbon. Ảnh: Sỹ Vinh.

Cán bộ kỹ thuật đang đo mực nước trên ruộng tại Nghệ An, làm căn cứ tính toán giảm phát thải trong dự án ADW tạo tín chỉ carbon. Ảnh: Sỹ Vinh.

Thời gian qua, lượng tín chỉ carbon tạo thành dang được phân chia cho 4 bên: Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia đối tác. Để nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tính minh bạch, Nhật Bản đã cập nhật quy tắc và hướng dẫn JCM, phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Điều này cho phép tín chỉ JCM được công nhận là ITMOs (Kết quả giảm nhẹ được chuyển giao quốc tế) – có thể sử dụng để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải quốc gia theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu và tham gia thị trường carbon toàn cầu. Đáng chú ý, việc phân bổ tín chỉ sẽ được quyết định ngay khi đăng ký dự án, đảm bảo công bằng giữa Nhật Bản và quốc gia đối tác.

Thúc đẩy đổi mới công nghệ

Một trong những điểm cốt lõi làm nên sự minh bạch và tin cậy của JCM chính là phương pháp luận – bộ khung xác định cách đo lường và chứng nhận kết quả giảm phát thải làm căn cứ phát hành tín chỉ carbon. Nội dung mỗi phương pháp luận gồm tiêu chí hợp lệ, cách tính phát để khẳng định mức phát thải giảm được so với khi chưa có dự án, cùng với quy trình giám sát và thẩm tra.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ NN-MT), ngoài các dự án đã đăng ký, Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xây dựng và triển khai dự án để đăng ký theo Cơ chế JCM. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải lớn của Việt Nam như sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, năng lượng. Hai bên sẽ xem xét mở rộng phạm vi đầu tư sang các dự án giảm phát thải khí nhà kính khó hơn, phức tạp hơn, cần đầu tư tài chính, kỹ thuật và công nghệ cao như các dự án về thu giữ, CCS/CCUS, điện gió…

Đặc biệt, với quy định hiện hành của Chính phủ về phát triển thị trường carbon, tín chỉ carbon từ các dự án JCM sẽ được trao đổi trên sàn giao dịch carbon tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu tư công nghệ giảm phát thải trong sản xuất kinh doanh và tận dụng hiệu quả các cơ chế tài chính carbon mới.

Ông Iio Satoru cho biết, để mở rộng quy mô các dự án JCM, cần đảm bảo hai yếu tố chính. Thứ nhất là xây dựng khung pháp lý và quy trình triển khai tại Việt Nam, đồng thời hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tích cực xây dựng thị trường carbon trong nước. Đây là một bước đi then chốt, và các quy định, hướng dẫn của JCM cũng cần được điều chỉnh phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải đẩy nhanh đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, tăng dòng vốn đầu tư và các hoạt động kinh doanh.

Để hỗ trợ quá trình này, Tháng 4/2025, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cơ quan JCM (JCMA). Cơ quan này sẽ đảm nhiệm toàn bộ quy trình – từ xây dựng dự án đến cấp tín chỉ carbon – nhằm đơn giản hóa các bước thủ tục cho phía Việt Nam. Các doanh nghiệp và cơ quan phía Việt Nam không cần lo lắng về sự phức tạp của quy trình, vì phía JCMA sẽ hỗ trợ toàn diện. Tất nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phối hợp cung cấp hồ sơ, nhưng phần lớn quy trình sẽ được phía Nhật Bản xử lý.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Trong thời gian triển khai Cơ chế JCM tại Việt Nam, Ủy ban Hỗn hợp hai nước đã phê duyệt đăng ký 14 dự án, chủ yếu tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả. Đến nay, 35.000 tín chỉ carbon đã được cấp, tổng mức cam kết hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản khoảng 35 triệu USD.

Xem thêm
Khách hàng Thanh Hóa đổ xô 'săn' ưu đãi chưa từng có để lên đời xe điện VinFast

Những ngày cuối tuần 18-20/7, Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa) sôi động hơn bao giờ hết với hàng nghìn người dân đổ về sự kiện 'Vi vu muôn ngả - Phủ xanh Việt Nam' do VinFast tổ chức.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

TP HCM gỡ vướng quản lý chất thải rắn sau sáp nhập hành chính

TP HCM cần phải thay đổi phương thức điều hành, kiểm tra, giám sát trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Công cụ giúp tra cứu đơn vị hành chính cấp xã mới dễ dàng

Nhằm giúp người dân tra cứu đơn vị hành chính đến cấp xã, phường mới một cách dễ dàng, Công ty AAVC cung cấp công cụ tìm kiếm miễn phí.

Thanh Hóa: Hàng nghìn mét khối đá sạt lở ở xã Sơn Thủy

Tối ngày 23/7 tại xã Sơn Thủy (Thanh Hóa), hàng nghìn mét khối đá sạt xuống khu rừng luồng của người dân ở phía dưới.

Bình luận mới nhất