Trong đó, thiệt hại tài sản của Nhà nước ước tính khoảng 4,5 tỷ đồng, gồm có: công trình đê điều hơn 1,5 tỷ đồng; công trình thủy lợi gần 1,8 tỷ đồng; công trình y tế, giáo dục 178 triệu đồng; lĩnh vực xây dựng hơn 2,5 tỷ đồng.

Khoảng 0,18ha cây trồng hằng năm tại Hải Phòng bị thiệt hại trên 70%. Ảnh: Hoàng Phong.
Thiệt hại của nhân dân ước khoảng hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi thiệt hại 9.700 con gia cầm. Đối với lúa, thiệt hại trên 70% là 15,22ha; thiệt hại từ 50-70% là 0,72ha; thiệt hại một phần dưới 30% là 49,80 ha. Đối với rau, màu bị thiệt hại trên 70% là 8ha; thiệt hại 50-70% là 19,9ha; thiệt hại dưới 30% là 17ha. Cây trồng hằng năm thiệt hại trên 70% là 0,18ha. Cây ăn quả tập trung bị thiệt hại trên 70% là 92,50ha và thiệt hại từ 30-50% là 37,2ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là 14ha.

Các đơn vị chức năng tại thành phố Hải Phòng đã chủ động vận hành các trạm bơm, cống tiêu để thực hiện việc tiêu thoát nước, chống ngập úng. Ảnh: Hoàng Phong.
Trong lĩnh vực Công Thương, từ 12 giờ ngày 21/7 đến 5 giờ ngày 22/7, có 36 đường dây, nhánh đường dây bị sự cố, đã khôi phục tốt 30 đường dây, xử lý tiếp 6 đường dây…, tổng số khách hàng bị mất điện hơn 180.000. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hải Phòng, các sự cố mất điện đã được xử lý và cấp điện trở lại phục vụ người dân. Còn đối với lĩnh vực thông tin liên lạc, Đặc khu Bạch Long Vĩ bị mất thông tin liên lạc cục bộ, tuy nhiên, bộ phận ứng trực vẫn liên lạc với trung tâm thường xuyên.
Về công tác khắc phục hậu quả, Sở Xây dựng Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan cùng với chính quyền địa phương thực hiện việc giải tỏa cây xanh đô thị bị gãy, đổ. Đồng thời, triển khai phương án trồng khôi phục, thay thế, bổ sung cây xanh bị gãy, đổ và xử lý ngay các sự cố sạt lở để đảm bảo giao thông được thông suốt.

Đơn vị công ích thực hiện dọn dẹp sau bão tại khu vực dải trung tâm thành phố Hải Phòng vào sáng 23/7. Ảnh: Hoàng Phong.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, UBND các xã, phường, đặc khu thực hiện điều hành, điều tiết nước trên hệ thống công trình thủy lợi kịp thời, hiệu quả tránh được ngập úng trên diện rộng, đặc biệt ở các khu đô thị và khu công nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp.
Bêc cạnh đó, các đơn vị cũng chủ động vận hành các trạm bơm, cống tiêu để thực hiện việc tiêu thoát nước, chống ngập úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về nông nghiệp do úng ngập. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều, thủy lợi đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống công trình; hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo các địa phương khắc phục nhanh hậu quả, khôi phục nhanh sản xuất nông nghiệp, sớm ổn định đời sống người dân.