* Cá voi có phải là cá hay không? Vì sao dân miền biển lại có phong tục thờ cá voi? Thịt cá voi có ngon không?
Huỳnh Thị Bích Hà, Điện Bàn, Quảng Nam
Cá voi thường gặp là loài cá voi xanh, còn gọi là cá ông, không phải là cá mà là một loài động vật có vú sống tại các đại dương. Chúng sinh sống trong tất cả các đại dương trên thế giới. Chúng được biết đến như là những sinh vật to lớn nhất sống trên Trái Đất. Chúng có 2 vây bơi hai bên dài 2,4 m. Trọng lượng: 200 tấn đến 300 tấn, thậm chí có thể lên tới trên 400 tấn. Kích thước: 25-27 m (con cá voi xanh dài nhất được biết đến hiện nay: 33,50 m).
Cá voi xanh sinh sản trong nước, nuôi con bằng sữa. Cá voi xanh sống chủ yếu ở biển ôn đới và biển lạnh. Tuổi thọ trung bình: 35-40 năm nhưng cũng có thể lên đến 80-90 năm. Với kích thước to lớn như vậy, cá voi xanh hầu như không có bất kì kẻ thù tự nhiên nào là đáng lo ngại. Ngoại trừ cá voi sát thủ (orcas) có thể tấn công cá voi xanh con.
Thức ăn: sinh vật phù du (nhuyễn thể); các loài tôm, tép tí hon; một vài loài cá nhỏ. Cách ăn: Nuốt chửng. Cách săn mồi: Cá voi xanh tấn công một cách nhanh nhẹn vào một tập đoàn sinh vật đông đúc bằng cách lặn sâu xuống lòng biển và trồi lên từ phía dưới. Mỗi lần trồi lên, cá voi xanh mở to cái miệng rộng của mình ra để đớp lấy cả phiêu sinh vật lẫn nước biển. Bộ răng lược sẽ giữ phiêu sinh vật lại và nước biển sẽ chảy ngược ra ngoài.
Cá voi xanh có thể lặn sâu 105 m và lặn liên tục trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Cá voi không gây hại cho ngư dân mà còn có thể cứu ngư dân khi gặp nạn, vì vậy ngư dân nước ta thường cứu cá voi khi dạt vào bờ. Nhiều nơi có phong tục thờ cá voi. Thịt cá voi là món ăn đặc sản của người Nhật và được chế biến để xuất khẩu.
* Cải tạo vườn tạp thay bằng một giống cây ăn quả đặc sản cho giá trị kinh tế cao có làm cho mất đi tính đa dạng sinh học của nước ta hay không? Nguyễn Ánh Phương, Bình Sơn, Quảng Ngãi Việc cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả có sản lượng và chất lượng cao hơn là việc làm của nông dân, không ảnh hưởng gì đối với nhiệm vụ bảo vệ đa dạng cây trồng của các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ đa dạng giống cây trồng bản địa. Nước ta là 1 trong số 15 nước trên thế giới giàu có nhất về tài nguyên di truyền vật nuôi, cây trồng. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay nước ta có 1.066 loài cây trồng, trong đó có 134 loài cây lương thực, 130 loài cây ăn quả, 179 cây trồng làm thuốc, 109 loài rau gia vị, 150 loài hoa, cây cảnh và 12 loài vật nuôi chính... Sự đa dạng sinh học nông nghiệp của Việt Nam không chỉ về số lượng loài, mà còn thể hiện ở những đặc điểm khác nhau của các loài, khả năng thay thế lẫn nhau, cũng như khả năng tự bù đắp trong các quần xã, sự phong phú trong từng nhóm cây trồng, vật nuôi... Chỉ tính riêng trong 6 loài vật nuôi phổ biến ở nước ta như bò, trâu, lợn, gà, vịt, ngan thì đã có tới 106 giống khác nhau, trong đó có 46 giống nội địa và 60 giống nhập nội. Thế nhưng đã có 8 giống ngan, lợn và gà nội địa đã bị mất đi trong vòng 5 năm qua. Quốc hội đã thông qua Luật Đa dạng sinh học ngày 12-11-2008 với những quy định rất cụ thể đối với nhiệm vụ bảo vệ đa dạng cây trồng.