| Hotline: 0983.970.780

Bố vợ phải đấm

Thứ Ba 24/04/2018 , 08:47 (GMT+7)

Nghe giọng nói nghẹn ngào của anh bạn trong điện thoại, tôi bỗng “đại ngộ”, hiểu thấu cái câu “bố vợ phải đấm” là thế nào. 

- Ông ơi. Thằng rể nhà tôi, nó làm tôi đau quá!

Nghe giọng nói nghẹn ngào của anh bạn trong điện thoại, tôi bỗng “đại ngộ”, hiểu thấu cái câu “bố vợ phải đấm” là thế nào. Thế mới biết, các cụ nhà ta thâm thúy thật. Chuyện bố vợ phải đấm, không có nghĩa là thằng rể nó "hiếu kính" nhạc phụ mấy quả đấm trẹo quai hàm, mà là nói đến chuyện những ông bố vợ không biết dạy hay không dạy nổi con gái mình, để con gái mình xúc phạm đến chồng, đến bố mẹ chồng nó một cách quá đáng, khiến thằng rể bị tổn thương nặng nề, nó rũ bỏ con gái mình như bỏ một cái giẻ rách, nó “trả về nơi sản xuất”. Và người “đau” nhất, đau hơn cả bị đấm, chính là ông bố vợ.

Bạn tôi có hai cái “tội”. Tội thứ nhất là anh giầu có hơn hẳn thông gia. Tội thứ hai, là anh chiều con gái, thương con gái một cách quá quắt. Gả chồng cho con gái xong, anh bỏ tiền chạy việc cho cả hai đứa, bỏ tiền mua đất, làm nhà cho vợ chồng nó. Anh luôn miệng bảo vợ chồng nó:

- Bố mẹ không hề phân biệt con rể hay con trai, con dâu hay con gái.

Trên đời này, tôi chưa thấy ai tốt bụng như anh. Nhưng cái tốt bụng ấy, đôi khi lại trở thành cái hại. Lý do là đứa con gái anh lại không nghĩ như bố nó. Cậy bố giầu, nó coi chồng và gia đình chồng như rác. Hàng năm nó không ghé qua thăm bố mẹ chồng, hay có về thì cũng chỉ đáo qua, dù chỗ nó làm chỉ cách nhà bố mẹ chồng mươi cây số. Rỗi một tý là nó kéo chồng về nhà bố mẹ đẻ. Quà bánh, nó mua cho bố mẹ đẻ hàng núi, nhưng bố mẹ chồng thì tuyệt không.

 Trong những lần hiếm hoi khi về thăm bố mẹ chồng, nó không ngại thốt ra những lời khinh bỉ sự nghèo khó của ông bà, kể cả trước mặt chồng. Dạy con mãi không được, có lần anh đã phải cầu cứu đến tôi. Tôi sang nhà anh đúng lúc con gái anh cũng về. Cả nhà đang say mê xem vở chèo “Trương Viên” trên tivi. Màn buông rồi, nhưng mọi người vẫn xuýt xoa khen diễn viên đẹp, hát hay. Tôi hỏi con gái anh:

- Nhưng mà nội dung vở chèo cũng hay đấy chứ, cháu?

- Vâng, thưa bác, tất nhiên là hay rồi.

- Nhưng cháu thấy hay ở chỗ nào? Cháu thích nhân vật nào nhất?

- Cháu thấy hay ở...Mà cháu thích nhất là Thị Phương. Chị ấy đẹp, hát hay

- Còn nhân vật bố Thị Phương?

- Ông cụ chỉ xuất hiện có một tẹo, cháu chả nhớ gì.

- Hay nhất, đáng kính phục nhất là nhân vật ấy đấy, cháu ạ. Bố Thị Phương là tể tướng hồi hưu. Tể tướng thời phong kiến, là chứ quan to, chỉ đứng dưới một người là nhà vua, nhưng lại cao hơn tất cả mọi người, từ dân đến quan trong xã hội. Tể tướng, dẫu hồi hưu thì cũng còn giầu hơn bố cháu gấp nghìn lần. Thế mà cụ đã gả con gái mình cho Trương Viên, là một anh học trò nghèo rớt mùng tơi. Rồi khi con gái về nhà chồng, cụ chỉ cho đôi ngọc lưu ly, là thứ chỉ có giá trị kỷ niệm chứ không có giá trị vật chất. Nhưng, điều quý hơn mọi bạc vàng châu báu, là mấy câu cụ dạy Thị Phương, cháu có nhớ không?

- Không, cháu chả nhớ cái ông già ấy nói gì!

- Mấy câu ấy thế này: “Con chớ thấy cha giầu mà con cậy/Chớ thấy nhà chồng nghèo khó mà con khinh/ Kẻo một mai gia thất bất bình/Cha mang tiếng sinh con mà không biết dạy”. Nhận lời dạy của cha như một thứ của hồi môn quý giá, Thị Phương từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, đã hòa đồng ngay vào cuộc sống nghèo khó của nhà chồng. Nàng chăm chỉ ươm tơ dệt vải, hiếu thảo với mẹ chồng, lo cho chồng ăn học. Rồi khi đất nước loạn lạc, chồng phải đăng lính, nàng đã dắt mẹ chồng chạy loạn suốt 18 năm trời, cắt cả thịt cánh tay nấu cho mẹ chồng ăn cho qua cơn đói, móc đôi mắt thanh xuân của mình đổi lấy thuốc chữa bệnh cho mẹ... Hình tượng của nàng, vì vậy, đã trở thành bất tử. Tuy câu chuyện không có thực, nhưng nhân dân vẫn coi nàng là người có thật, vẫn lập miếu thờ nàng...

Còn lần này, tình hình có vẻ căng hơn. Nhận được điện thoại của anh, tôi đến ngay. Thấy tôi, anh ngẩng lên, mắt anh đỏ ngầu:

- Sau cái đận ông nói chuyện với nó về vở chèo ấy, nó có vẻ suy nghĩ, yên đi được một dạo. Nhưng bây giờ thì hết tất cả rồi. Tan nát tất cả rồi. Con gái tôi và hai đứa con nó đang khóc sưng mắt lên kia kìa.

Thì ra, vợ chồng con gái anh lại mới chì chiết nhau. Con gái anh bổ thẳng vào mặt chồng, rằng “không có bố mẹ tôi, còn lâu anh mới được thế này. Đã chẳng có tài năng gì, nương nhờ nhà vợ mà không biết điều”. Bình thường, con rể anh rất hiền. Nhưng có lẽ nín nhịn mãi rồi, câu miệt thị ấy của vợ đã trở thành giọt nước tràn ly. Thằng rể anh vùng lên, tát vợ hai cái vạy mặt rồi bỏ đi, gửi về cho vợ tờ đơn ly hôn.

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Văn hóa doanh nhân không thể chấp nhận các kiểu khôn vặt

Văn hóa doanh nhân ngày càng được xem trọng trong đời sống xã hội, vì quan hệ giữa người bán và người mua luôn ràng buộc lợi ích và trách nhiệm với nhau.

Thân phận gái nghèo chọn chồng cùng cảnh ngộ

Thân phận gái nghèo luôn mang nhiều mặc cảm và âu lo thường ngày, cho nên khi bước vào hôn nhân cũng có những dằn vặt xót xa ít ai đồng cảm.

TP.HCM thêm một bệnh viện nhận chứng nhận Vàng đột quỵ thế giới

Ngày 10/5, Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao chứng nhận Vàng trong hai quý liên tiếp năm 2025 cho Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.