Cư dân thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đang phải đối mặt với sự bùng phát chưa từng có của loài côn trùng mang tên Plecia longiforceps - thường được gọi là "bọ uyên ương".
Những đàn bọ này bay tràn xuống các tuyến đường mòn đi bộ đường dài, các khu dân cư và vùng đô thị, tạo ra cảnh tượng ám ảnh và gây ra làn sóng khiếu nại trên khắp thành phố. Trong khi người dân lo lắng tìm cách xua đuổi chúng, các chuyên gia lại tranh luận gay gắt về phương thức kiểm soát phù hợp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đẩy nhanh quá trình lan rộng của loài sinh vật này về phía bắc.
Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội gần đây đã ghi lại hình ảnh núi Gyeyangsan tại thành phố Incheon, phía tây Seoul, với những con đường mòn và đài quan sát bị phủ kín bởi một thảm đen dày đặc do sự xuất hiện của hàng ngàn cá thể bọ. Chúng bay thành từng cặp bám chặt vào nhau, tạo nên khung cảnh kỳ lạ, vừa gây sợ hãi vừa thu hút sự chú ý.

Những đàn bọ này bay tràn xuống các tuyến đường mòn đi bộ đường dài, các khu dân cư và vùng đô thị, tạo ra cảnh tượng ám ảnh và gây ra làn sóng khiếu nại trên khắp thành phố. Ảnh: The Guardian.
Loài bọ này có nguồn gốc từ các vùng cận nhiệt đới như đông nam Trung Quốc, Đài Loan và quần đảo Ryukyu (Nhật Bản). Loài côn trùng này được đặt biệt danh là "bọ uyên ương" do tập tính giao phối đặc biệt: chúng thường bay đôi trong suốt thời gian giao phối. Con đực có vòng đời rất ngắn, chỉ sống khoảng ba đến bốn ngày, trong khi con cái sống lâu hơn một tuần để kịp đẻ hàng trăm quả trứng trong đất ẩm trước khi chết.
Lần đầu tiên "bọ uyên ương" được ghi nhận tại Hàn Quốc là trong một đợt bùng phát lớn vào năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng hiện tượng biến đổi khí hậu đang tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự mở rộng lãnh thổ của chúng. Những thay đổi trong môi trường sống, đặc biệt là ở các khu vực núi có đô thị hóa, kết hợp với hiệu ứng đảo nhiệt tại các thành phố lớn như Seoul đã biến nơi đây trở thành môi trường hấp dẫn bất thường đối với loài này.

Loài côn trùng này được đặt biệt danh là "bọ uyên ương" do tập tính giao phối đặc biệt: chúng thường bay đôi trong suốt thời gian giao phối. Ảnh: Jonghwan Choi.
Thống kê từ chính quyền thành phố cho thấy sự gia tăng nhanh chóng số lượng khiếu nại từ người dân. Năm 2023, Seoul ghi nhận 4.418 báo cáo về bọ uyên ương, nhưng đến năm ngoái con số này đã vọt lên 9.296. Riêng Incheon có lúc nhận được hơn 100 báo cáo chỉ trong một ngày, cho thấy mức độ xâm nhập và ảnh hưởng ngày càng rõ rệt.
Tình trạng này đang làm dấy lên cuộc tranh luận về biện pháp ứng phó hiệu quả, đặc biệt là giữa nhu cầu bảo vệ người dân và nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái. Trong các thông báo công khai, chính quyền Seoul đã nhấn mạnh rằng bọ tình yêu tuy có vẻ ngoài gây khiếp sợ nhưng thực chất là loài côn trùng có lợi. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho hoa và cải tạo đất nhờ khả năng phân hủy chất hữu cơ của ấu trùng.
"Việc phun thuốc trừ sâu hóa học một cách bừa bãi không chỉ tiêu diệt bọ uyên ương mà còn gây hại cho nhiều loài sinh vật khác, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, chính quyền cảnh báo.
Hiện các nhà khoa học, cơ quan quản lý môi trường và chính quyền địa phương đang phối hợp để tìm kiếm giải pháp cân bằng: kiểm soát sự lan rộng của bọ nhưng không làm tổn hại đến hệ sinh thái đô thị vốn đã rất mong manh trong thời kỳ khí hậu biến đổi. Đối với người dân Seoul, đây không chỉ là cuộc chiến với một loài côn trùng khó chịu, mà còn là hồi chuông cảnh báo về những hệ quả ngày càng rõ rệt của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.